Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức đoàn, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 (họp từ ngày 20 đến 26/3/1931), Trung ương Đảng đã dành 1 ngày để quyết định những vấn đề quan trọng về công tác vận động thanh niên của Đảng. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Bác Hồ, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (họp từ ngày 23 đến 25/3/1961 tại Hà Nội) quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày thành lập Đoàn. Từ khi thành lập đến nay, ở mỗi thời kỳ cách mạng luôn xuất hiện nhiều gương thanh niên tham gia đấu tranh oanh liệt.
Đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) luôn là lực lượng hăng hái tích cực tham gia phong trào: Chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” những năm 1961 - 1965; “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong”. Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước đến nay, tổ chức đoàn phát động nhiều phong trào hành động cách mạng nổi bật, như: “Ba xung kích”, “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Thanh niên An Giang góp sức xây dựng quê hương
Ngày nay, trong bối cảnh đất nước hòa bình, hội nhập và phát triển, tuổi trẻ An Giang tiếp tục phát huy vai trò tiên phong. ĐVTN không chỉ là lực lượng lao động chủ lực, mà còn là người kiến tạo, đổi mới và dẫn dắt tương lai. Họ mang trong mình tinh thần đổi mới, sẵn sàng khởi nghiệp, sáng tạo trong mọi lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghệ đến du lịch và thương mại. Họ vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa lan tỏa cách sống tích cực, khơi dậy tinh thần tự chủ, tự lập, khát vọng vươn lên trong cộng đồng. Không chỉ thành công với những mô hình phát triển kinh tế, nhiều thanh niên An Giang đã và đang góp sức trong cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Điển hình như việc mô hình trồng rau trên mặt nước, sử dụng nguồn phân bón hữu cơ từ cây lục bình để tạo ra sản phẩm rau có hàm lượng dinh dưỡng cao, an toàn cho người tiêu dùng của bạn Nguyễn Xuân Luân, Nguyễn Vũ Phiên (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú). Hay việc thành lập Hợp tác xã Thanh Niên vào năm 2023 góp phần định hướng tư duy của thanh niên trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Tính riêng năm 2024, Hợp tác xã Thanh niên liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhiều hợp tác xã trong tỉnh, ký kết hợp tác với hơn 10 hợp tác xã ngoài tỉnh. Đồng thời, liên kết tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh, phát triển 4 sản phẩm mang nét đặc trưng của An Giang (khô cá ba sa, bánh phồng nấm rơm, đũa thốt nốt, túi lục bình).
Tuổi trẻ An Giang cũng là lực lượng tiên phong trong các phong trào tình nguyện, hoạt động cộng đồng. Từ chiến dịch “Mùa hè xanh”, “Xuân tình nguyện”, đến các công trình, phần việc góp sức xây dựng nông thôn mới, nâng cấp lộ nông thôn, cất nhà cho hộ khó khăn về nhà ở, trao học bổng cho học sinh nghèo, ĐVTN đều góp sức đầy nhiệt huyết. Những chiếc áo xanh tình nguyện len lỏi khắp nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, trở thành hình ảnh đẹp của thế hệ trẻ sống có trách nhiệm, giàu lòng nhân ái.
Trong năm 2024, nhiều hoạt động hướng về cộng đồng được ĐVTN trong tỉnh thực hiện, như: Trồng hơn 315.489 cây xanh, vận động xây dựng 12 cầu giao thông nông thôn, vận động trao 462 thẻ bảo hiểm y tế, 50 thẻ bảo hiểm tai nạn, trao 60 căn nhà Nhân ái, 278 chiếc xe đạp, 1.002 suất học bổng cho học sinh nghèo; khám, chữa bệnh cho 14.150 lượt hộ gia đình khó khăn; tặng trên 47.506 phần quà cho gia đình chính sách… Ngay khi ra quân Tháng Thanh niên 2025, Ban Chỉ đạo Tháng Thanh niên cấp tỉnh vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm nguồn lực vật chất để thực hiện công trình, phần việc, hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội, tổng giá trị khoảng 3 tỷ đồng.
Một nét đặc biệt trong các hoạt động viết tiếp hòa bình của tuổi trẻ An Giang là sự hòa quyện, gắn bó, tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Hiểu rõ sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa, ĐVTN tỉnh nhà luôn nỗ lực giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống, làm giàu thêm bản sắc văn hóa, quảng bá nét đẹp ấy qua các kênh truyền thông, mạng xã hội.
ĐVTN An Giang ngày nay đang khẳng định vai trò tiên phong, là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng quê hương. Họ giữ gìn giá trị truyền thống được hun đúc qua bao thế hệ, phát triển những giá trị ấy bằng sức trẻ, sự sáng tạo và lòng yêu nước. Vững bước trên nền tảng của truyền thống, cùng với khát vọng vươn lên, tuổi trẻ An Giang hôm nay đủ bản lĩnh, trí tuệ và nhiệt huyết để tiếp tục góp sức gìn giữ nền hòa bình mà các thế hệ cha anh đã tạo nên bằng máu và sự hy sinh to lớn.
MỸ LINH