Kinh tế cả nước tiếp tục đà tăng trưởng
Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 5,05%, thuộc nhóm các nước cao nhất thế giới. Ngay lập tức, một số trang thông tin của các tổ chức phản động, thế lực thù địch tỏ ra hoài nghi với kết quả này, cho rằng “kinh tế Việt Nam không tăng trưởng”, “ngày càng thụt lùi so với thế giới”...
Sau khi kết quả được xác nhận và đánh giá cao bởi các tổ chức uy tín quốc tế, như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADP)... thì những kẻ chuyên xuyên tạc mới “im hơi lặng tiếng”. Liên Hiệp Quốc đã nâng Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Tiếp đà nỗ lực năm 2023, kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 1/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất - kinh doanh.
Ngay tháng đầu tiên của năm 2024, thu ngân sách nhà nước đạt 231.000 tỷ đồng, bằng 13,6% so dự toán năm; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 42%, nhập khẩu tăng 33,3%, xuất siêu 2,92 tỷ USD. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Việt Nam còn cung cấp lương thực cho toàn cầu, khi xuất khẩu gạo tháng 1/2024 đạt 500.000 tấn, kim ngạch 347 triệu USD, tăng 39,4% về lượng và tăng 86,1% về kim ngạch so cùng kỳ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, khi tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12/2023 (mức tăng đáng kể nhất kể từ tháng 9/2022).
Việt Nam đón trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 1/2024, tăng 73,6% so cùng kỳ 2023; vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) đăng ký đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 24,8%, vốn đăng ký tăng 52,8%, số lao động tăng 50,8%.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Việt Nam còn tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao diễn ra ngay từ đầu năm 2024; các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao được cụ thể hóa; uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên; tạo thuận lợi, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại; góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Đầu năm 2024, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam) đánh giá Việt Nam là “ngôi sao đang lên” về đầu tư trên toàn cầu và nêu bật vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam được Nikkei đánh giá là “thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài”…
Xác định chủ đề điều hành của năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 168 nhiệm vụ cụ thể thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 1/2024 với các địa phương, các báo cáo, ý kiến đều thống nhất đánh giá, với tinh thần không để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, ngay từ đầu năm mới 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, dứt khoát, rõ ràng, việc nào dứt việc đó. Nhờ vậy, kết quả KTXH tháng 1/2024 khá ấn tượng.
Năm 2024 được xem là năm tăng tốc phát triển KTXH khi nhiều luật quan trọng được thông qua, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi); quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch các tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan được phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng có kinh nghiệm hơn, bản lĩnh hơn, chủ động, linh hoạt hơn trong phản ứng chính sách. Đây là cơ sở để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024 - năm bản lề của cả giai đoạn 2021 - 2025.
Trong chiến lược phát triển, Việt Nam luôn chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm, hạn chế để rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phù hợp, khả thi nhất. Tuy nhiên, nếu cho rằng kinh tế Việt Nam “tăng trưởng ảo”, “thụt lùi” thì hoàn toàn là những suy diễn võ đoán, xuyên tạc trắng trợn, bởi kết quả thực tế đang chứng minh điều ngược lại.
N.H