Khiếu nại lấn chiếm đất nhà chùa

17/06/2021 - 04:06

 - Ông Trương Văn Hiệp (sinh năm 1949, ngụ ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đại diện chùa Bà Thiên Hậu khiếu nại, hộ liền kề tự chiếm đất nhà chùa sang bán, gây bức xúc trong người dân địa phương.

Trình bày vụ việc đến Báo An Giang, ông Trương Văn Hiệp cho biết, 11 năm qua, ông được bà con đồng bào dân tộc thiểu số Hoa giao làm "ông Từ" chăm lo, quản lý chùa, thờ cúng Bà Thiên Hậu. Về nguồn gốc đất nhà chùa là của gia đình ông Khưu Văn Tường hiến tặng từ rất lâu. Chùa được xây cất vào năm 1934. Sau đó, dù nhiều lần đo đạc, định vị ranh giới, nhưng đến nay chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Ước tính diện tích đất của nhà chùa khoảng 800m2. Qua mấy lần trùng tu, sửa chữa, ranh giới đất của chùa không thay đổi, trong đó trụ ranh đất, tảng đá lớn làm ranh giới vẫn còn.

“Nhà chùa dự định làm hàng rào. Trong thời gian chờ kinh phí, ông Đặng Văn Xuyên (nhà liền kề) tự ý cắm ranh đất phía sau chùa và sang bán đất cho người khác. Tôi ngăn cản không được, thông tin sự việc nhờ bà con lên tiếng, nhưng ông Xuyên vẫn làm theo ý mình. Biết không thể can thiệp, hòa giải được, tôi làm đơn gửi đến UBND thị trấn Núi Sập xem xét giải quyết” - ông Hiệp cho biết.

Ông Trương Văn Hiệp và người làm công quả, gắn bó với nhà chùa

 Hỏi về việc này, ông Ngan Minh Nhơn (đại diện tập thể người Hoa ở thị trấn Núi Sập) cho biết, tại đây có khoảng 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Hoa, tập trung nhiều ở chợ Núi Sập. Trong đó, phần lớn bà con tôn kính, sùng bái bà Lâm Mặc Nương (Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu - thờ trong chùa). Về việc lấn chiếm đất vừa qua, ông Nhơn đến hiện trường, khuyên bà con không được tập trung phản đối, đặc biệt không được gây mất trật tự địa phương. Thay vào đó, cố gắng tìm cách thương lượng, hòa giải với nhau, nếu không được thì khiếu nại theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phản đối việc bị cho là lấn chiếm đất của nhà chùa, ông Đặng Văn Xuyên (sinh năm 1967) thông tin, đất tranh chấp là thành quả lao động của cha mẹ ông để lại cho gia đình ông quản lý, sử dụng. Dù đất này chưa có GCNQSDĐ nhưng vẫn là tài sản của gia đình ông. Qua đó, ông có quyền định đoạt về tài sản này, không lấn chiếm, xâm phạm về quyền lợi của ai. 

Liên quan đến việc tranh chấp này, ông Khưu Văn Tường (78 tuổi) cho biết, nguồn gốc đất chùa Bà Thiên Hậu là của ông nội ông (ông Khưu Văn Chiêu) giao lại cho cha con ông sử dụng. Năm 1934, cha ông hiến cho khoảng đất rộng (không nhớ diện tích bao nhiêu) xây chùa ông Bổn và chùa Bà Thiên Hậu giáp ranh đất nhà ông, cùng phần đất ông Đặng Văn Xuyên.

Đối với một phần đất nhà của ông Xuyên trước đó là của gia đình ông. Lúc đầu, thấy bà Năm À (bà ngoại ông Xuyên) không đất ở, cha ông cho mượn đất cất nhà ở, sau nhiều năm sử dụng coi như được “hợp thức hóa”. Về phần đất chùa Bà Thiên Hậu, ông vẫn còn nhớ rõ mốc ranh đất. Đối với đất tranh chấp hiện vẫn còn nằm lọt trong mốc ranh giới ở phía sau (là tảng đá) nay vẫn còn tại vị.

UBND thị trấn Núi Sập thông tin, ngày 27-5-2021, qua đơn khiếu nại của ông Trương Văn Hiệp (đại diện chùa Bà Thiên Hậu), Hội đồng hòa giải địa phương mời 2 bên đến trụ sở, yêu cầu trình bày về nguồn gốc đất tranh chấp, cung cấp cơ sở, chứng cứ chứng minh. Tuy nhiên, cả 2 phía không thực hiện được, qua đó không đi đến thống nhất. Địa phương giải thích, động viên, đề nghị 2 bên tiếp tục thương lượng, thỏa thuận nhau nhằm giữ gìn tình nghĩa láng giềng. Trong lúc chờ xem xét, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, đề nghị giữ nguyên hiện trạng đất tranh chấp, không gây mất an ninh trật tự địa phương, bên nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, do phần đất tranh chấp nói trên không có GCNQSDĐ, trong đó một bên là cơ sở tôn giáo nên theo quy định của pháp luật, sự việc được UBND hoặc tòa án xem xét, giải quyết. Cụ thể, người khiếu nại phải làm cam kết chỉ chọn một cơ quan xem xét, giải quyết.

Bài ảnh: N.R

 

Liên kết hữu ích