Bà Phan Thị Kim Thúy trình bày sự việc
Trình bày sự việc đến Báo An Giang, bà Phan Thị Kim Thúy (sinh năm 1967, ngụ ấp Thanh Niên, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) trưng ra Tờ mua bán đất ngày 11-5-1990, khẳng định: Thời điểm trên, cha của bà (ông Phan Văn Kế, sinh năm 1942, ngụ ấp Phú Hữu, thị trấn Phú Hòa) bán đất cho ông Nguyễn Văn Nhàn (sinh năm 1931, ngụ cùng ấp), là chỗ quen biết. Đất sang nhượng tọa lạc ấp Phú Hữu, phía đông giáp đất ông Trần Văn Huyện, phía tây giáp bờ ao, phía nam giáp đất ông Nguyễn Văn Ngoán, phía bắc tiếp giáp đất ông Nguyễn Văn Giai. Giấy mua bán ghi rõ: Đất bán có hào lạng, ít cây cối, có ngôi mộ bà Lương Thị Chơi (mẹ ông Kế) ngang 7m, dài 9m và mồ mả của thân tộc. Người mua đất, phải chừa ra số đất có mồ mả, không được làm lúa, trồng cây và dành đường bơm nước cho ông Trần Văn Huyện.
Trên 213m2 đất có 3 mộ đá, 5 mộ đất, chưa được rào chắn, nằm liền kề 3.000m2 đất ruộng đã sang nhượng. “Thực tế, nhiều năm sang nhượng đất, ông Nhàn thực hiện đúng như cam kết mua, bán đất. Hơn 30 năm qua, chúng tôi yên tâm nghĩ rằng mọi việc ổn thỏa, kể cả khi con cháu thừa hưởng đất của ông Nhàn. Không ngờ, tháng 4-2021, ông N.T.B (cháu nội ông Nhàn) gây áp lực di dời 2 mộ đá, tự san lấp 5 mộ đất, trồng nhiều cây xóa dấu vết. Biết chúng tôi phản đối, ông B. không giải thích, đem nhiều trụ đá rào lưới B40, không cho gia đình tôi vào mộ thăm viếng, cúng kiến. Quá bức xúc, chúng tôi khiếu nại đến UBND thị trấn và địa phương. Hòa giải 3 lần không thành, ông B. vẫn không thay đổi hành động. Ông chỉ đồng ý trả phần đất mộ của bà Lương Thị Chơi, ngăn chúng tôi sử dụng đất ở 7 ngôi mộ liền kề” - bà Thúy kể lại.
Theo gia đình bà, đất tranh chấp được xác định thuộc thửa số 1, tờ bản đồ 42, diện tích khoảng 213m2, tọa lạc ấp Phú An nhưng chưa được cấp quyền sử dụng đất, gần đúng diện tích người bán chừa ra, yêu cầu không được sử dụng (ghi rõ trong giấy mua bán đất). “Đề nghị ông B. thực hiện theo giấy mua, bán đất. Chúng tôi mong muốn nhà nước xem xét và xử lý nghiêm về hành vi xâm hại mồ mả của ông B. theo quy định của pháp luật” - bà Lương Thị Tư (90 tuổi, người trong thân tộc) bức xúc.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Chuyến, Trưởng ban nhân dân ấp Phú An cho biết, địa phương đã hòa giải nhiều lần, ghi biên bản cụ thể. Trong đợt hòa giải tại ấp Phú An, ông B. cho biết, ông sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Nhàn, nhiều năm trồng cây ăn trái, nay san lấp đất để trồng thêm cây. Ông đã chừa lại mộ đá xây tường thành, thỏa thuận hỗ trợ tiền khi di dời mộ. Tổ hòa giải đề nghị ông chừa lối đi cho gia đình, người thân của bà Lương Thị Tư, bà Phan Thị Kim Thúy vào phần mộ, nhưng ông B. không đồng ý.
Về việc này, đại diện UBND thị trấn Phú Hòa thông tin, địa phương hòa giải 3 lần nhưng không thành. Bà Tư, bà Thúy yêu cầu trả lại và khắc phục phần đất bị san lấp, tháo dỡ hàng rào cho tộc họ vào viếng các phần mộ, nhưng ông B. không đồng ý. Ông nói, đối với mồ mả trên đất, ông hỗ trợ 500.000 đồng/mộ, bà con tự di dời, ông chỉ đồng ý trả lại phần đất mộ bà Lương Thị Chơi (ngang 7m, dài 9m), phần đất khác không cho sử dụng. Đất tranh chấp chưa có quyền sử dụng đất, hòa giải không thành, các đương sự có thể khởi kiện vụ việc đến tòa án xem xét giải quyết. Địa phương yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, đôi bên không làm phức tạp vụ việc, giữ gìn an ninh trật tự.
Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, bên bà Tư, bà Thúy nói nhiều ngôi mộ bị san lấp bà di dời; còn bên ông B. phản bác, cho rằng họ tự di dời mộ và ông có hỗ trợ tiền. Ý kiến khác nhau, nên việc này cần làm rõ. Tuy nhiên, mồ mả có niên đại gần trăm năm, biết thân nhân của người chết nhưng ông B. không thông báo, tự thực hiện hoặc gián tiếp thực hiện là dấu hiệu của hành vi xâm hại mồ mả. Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: “Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Bài, ảnh: N.R