Phụ huynh cần dành nhiều thời gian lắng nghe, tạo tâm lý vững vàng cho con vào lớp 1
Vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của đứa trẻ. Khi con vào lớp 1, bậc làm cha mẹ nào cũng không tránh khỏi những lo lắng, băn khoăn như vậy. Bởi, lớp 1 là nền tảng tri thức và “cái nền” phải vững thì những “tầng trên” mới chắc được. Do đó, có không ít phụ huynh đã đặt lên “bàn cân” việc chọn trường ngay từ khi con mới 4-5 tuổi.
“Năm học tới đây, con tôi bắt đầu bước vào lớp 1. Từ khi con chưa 5 tuổi, vợ chồng tôi đã nghĩ về việc chọn trường tiểu học cho con. Cũng có lúc, 2 vợ chồng không thống nhất quan điểm chọn trường nào cho thuận lợi công việc và tiện cho việc đưa đón con. Đến hiện tại, chúng tôi lại lo con bước vào môi trường mới có thích nghi không, ham đi học hay không… Nói thật, nhiều nỗi lo có tên và không tên làm chúng tôi phải đau đầu suy nghĩ” - chị Huỳnh Như (ngụ phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) Lê Thị Tú Anh cho rằng, việc lo lắng của phụ huynh là không thể tránh khỏi. Nhưng thay vì lo việc phải chọn trường thế nào cho con, cha mẹ cần dành nhiều thời gian để nắm bắt suy nghĩ, sở thích và mong muốn của trẻ. Đừng chọn trường cho con theo số đông mà hãy chọn trường phù hợp với điều kiện, đừng áp đặt con phải học trường nào.
Thay vào đó, cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho trẻ bằng những câu chuyện, chia sẻ để bé làm quen với môi trường mới và tránh bỡ ngỡ trong ngày đầu đi học. Việc này giúp ích khá nhiều vì sự khác biệt giữa môi trường mầm non và lớp 1 là rất lớn. Bởi, ở lớp mầm non bé chủ yếu vui chơi, đi lại thoải mái trong lớp, thích chơi khi nào tùy ý, không phải ngồi một chỗ quá lâu...
“Bé vào lớp 1 chưa biết đọc, chưa biết viết là việc bình thường, chắc chắn sau khi lên lớp 1 bé sẽ đọc và viết được theo chương trình chuẩn cơ bản. Việc cho con học thêm trong hè hoặc học trước chương trình, các bậc cha mẹ nên cân nhắc kỹ để lựa chọn thời điểm đúng và thời gian hợp lý. Đừng dồn ép hoặc tạo áp lực sẽ khiến bé cảm thấy nặng nề không ham học. Hơn nữa, khi bé đã học trước chương trình thì khi bước vào lớp 1, bé có khả năng chủ quan, ỷ lại và lơ là, thiếu tập trung, không hứng thú với việc học, gây ảnh hưởng đến kết quả lâu dài. Chưa kể, các bé được tập viết từ trước nhưng nếu không đúng phương pháp sẽ dẫn đến tình trạng bị quen tay, khó uốn nắn. Từ đó, dẫn tới việc chữ viết không đúng quy chuẩn và kích cỡ. Chương trình tiểu học đã được tính toán rất kỹ dựa trên quá trình nghiên cứu cụ thể. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng” - bà Lê Thị Tú Anh chia sẻ thêm.
Cũng theo bà Lê Thị Tú Anh, TP. Long Xuyên có 26 trường tiểu học công lập và 4 trường tiểu học ngoài công lập. Các phường, xã trên địa bàn có tối thiểu 1 trường tiểu học và tối đa là 3 trường tiểu học. TP. Long Xuyên luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn. Do vậy, cơ sở vật chất các trường đều được đầu tư nâng chất, đảm bảo cho việc giảng dạy, học tập, thu hút trẻ vào lớp 1. Sự chênh lệch về cơ sở vật chất giữa các trường nội ô và ngoại ô đã được rút ngắn đáng kể. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cấp 1 hầu hết đều đạt chuẩn, có thâm niên, yêu nghề, mến trẻ. Hàng năm, tổng số lượng học sinh vào lớp 1 trên địa bàn TP. Long Xuyên trên 4.000 trẻ. Theo chỉ tiêu huy động trẻ vào lớp 1 hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu.
Giai đoạn từ mầm non sang lớp 1 là bước chuyển lớn không chỉ với các bé mà còn với chính phụ huynh. Trẻ thì bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường học tập, còn phụ huynh thì bỡ ngỡ trước những thay đổi tâm lý của trẻ. Vì vậy, để trẻ bước vào môi trường tiểu học một cách thuận lợi, bên cạnh chuẩn bị tâm lý và kỹ năng cho các bé, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý để hiểu con và giúp con hòa nhập. Bên cạnh đó, phụ huynh cần dành nhiều thời gian nói chuyện với con, chuẩn bị cho con tâm lý khi đến học ở môi trường mới, đặc biệt chú ý hỏi han và động viên khi trẻ đi học về. Tránh trường hợp tỏ thái độ mất kiên nhẫn, cáu giận khi trẻ thể hiện không thích và không muốn đi học.
PHƯƠNG LAN