Trong ngôi nhà trưng bày kỉ vật chiến tranh nằm cạnh con đường bên bờ biển ở thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị, ông Ngô Duy Duyệt (SN 1975, trú tại TP Đông Hà) đang ngồi mân mê những món đồ được ông xem như báu vật.
Ông Duyệt chia sẻ, ông bắt đầu sưu tầm kỉ vật chiến tranh từ năm 2000. Hàng ngày, ông đi khắp các vùng trong tỉnh để góp nhặt từng kỉ vật.
Để có được bộ sưu tập kỷ vật đồ sộ như hiện tại, ông Duyệt mất hơn 20 năm lặn lội, sưu tầm.
Sau mỗi chuyến đi, ông lại mang về hàng tá món đồ cũ. Có những thứ đã nhuốm màu thời gian và phủ đầy bùn, đất.
Giờ đây, trong ngôi nhà đơn sơ, hơn 1.000 kỉ vật được ông bày biện, phân loại gọn gàng.
Vừa là chủ nhân vừa là người thuyết minh nên hễ có ai thắc mắc về hiện vật nào đấy, ông Duyệt lại say sưa kể về lai lịch và công năng, đặc điểm của món đồ. Gia tài của người đàn ông này phong phú đến nỗi, có những món đồ đến nay ông cũng chưa biết rõ tên gọi của nó.
Trong căn nhà chỉ rộng vài chục mét vuông, kỉ vật chiến tranh của ông Duyệt được treo, trưng bày kín 4 bức tường, nằm đầy trên các kệ, tủ và khắp các lối đi. Thậm chí, ông Duyệt còn dùng các món đồ để trang trí cổng vào nhà, sử dụng chén bát, ly, bình, bàn ghế,... để phục vụ việc sinh hoạt hàng ngày.
Để làm phong phú gian nhà nhỏ, ông Duyệt không chỉ tìm mua những kỉ vật của bộ đội Việt Nam mà sưu tầm cả những vật dụng của lính Mỹ. Bởi vậy, trong nếp nhà hẹp là đa dạng các vật dụng với đầy đủ kích thước, chất liệu đến từ nhiều thời kỳ khác nhau.
Mỗi lần tìm được vỏ bom, mảnh đạn hay chỉ là những vật dụng tư trang đời thường của người lính, ông Duyệt đều vui sướng như tìm được vàng.
Trong nhà có những vật dụng cầm tay như: bi đông, mũ, áo, đèn pin, chén bát, ly uống nước cho đến những vật dụng có kích thước to như: giường ngủ, bàn ghế, vỏ bom, đạn với nhiều chủng loại.
Theo bước chân của ông Duyệt, chúng tôi được chạm đến và chiêm ngưỡng những kỉ vật vô cùng độc đáo. Ông cũng bộc bạch về những khó khăn và sự thú vị trên hành trình đi tìm kỉ vật thời chiến của mình.
Ông Duyệt cho chúng tôi chiêm ngưỡng chiếc áo giáp.
Ông Duyệt chỉ tay vào những vỏ bom MK 82 còn nguyên đuôi định hướng và chia sẻ, vỏ bom này được ông mua từ tỉnh phía Bắc đưa về. Riêng phần thân vỏ bom có trọng lượng 120kg và phần đuôi định hướng có 4 cánh kim loại nặng gần 30kg, nhìn rất lạ và đẹp. Khi ông đưa vỏ bom ra trưng bày, rất nhiều người ngỏ ý muốn mua lại nhưng ông không bán.
Ông Duyệt chưa quên kỉ niệm cách đây khoảng 1 tháng, ông mày mò lên xã Linh Trường (huyện Gio Linh, Quảng Trị) để tìm mua vỏ bom thì người dân địa phương chỉ cho ông một vỏ bom nặng đến 500kg. Nhưng chuyện éo le là vỏ bom đó nằm dưới suối sâu.
Ông phải mất 1 tuần với nhiều phương tiện chuyên dụng như xe cẩu, xe múc mới đưa vỏ bom lên bờ được. Đây là vỏ bom khủng nhất trong gian nhà ông.
Đối với ông Duyệt, mỗi món đồ có giá trị về lịch sử riêng nên món nào cũng quý giá.
Ông Duyệt tâm sự: “Có thể đối với người khác, những món đồ này chỉ là đống sắt vụn nhưng đối với tôi nó là báu vật. Bởi vậy, tôi trân trọng và ngắm nghía các món đồ mọi lúc. Dù có hơn 1.000 món đồ nhưng tôi nhớ rõ công dụng và thuộc rõ vị trí đặt từng món đồ trong ngôi nhà”.
Ba quả bom ghép lại được đặt trước căn nhà.
Quan điểm của người đàn ông say mê sưu tầm kỉ vật này là mỗi món đồ đều mang dấu tích của lịch sử, của thời chiến tranh tàn khốc đã qua nên nó là vô giá.
Ông vui mừng khi tại gian nhà trưng bày kỉ vật chiến tranh này, ông gặp được những vị cựu chiến binh, những khách du lịch có chung niềm đam mê sưu tầm kỉ vật và hiểu rõ về chiến tranh cũng như ý nghĩa của các món đồ hiện hữu.
Vỏ bom còn nguyên đuôi định hướng mà ông Duyệt tự hào khi sưu tập được.
Ông Duyệt tỉ mẩn giới thiệu cho chúng tôi bộ sưu tập kỉ vật thời chiến của mình.
Từ kho tàng kỉ vật chiến tranh của mình, ông gửi gắm mong muốn thế hệ trẻ biết trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống hôm nay hơn.
Theo HƯƠNG LÀI (Vietnamnet)