Đó là nhà kho của mẹ, nơi mỗi lần muốn tìm một vật dụng gì đó cũ kỹ, tôi đều nghĩ đến. Mở cửa ra là thấy ngay luồng bụi bay lên qua những vệt nắng vàng hắt vào từ kẽ tường bị nứt. Ở đó, tôi tìm thấy chiếc cuốc cùn, kỷ vật của những năm bố vỡ vạc khai hoang lên mảnh đất này.
Những nhát cuốc từng tóe lửa vì đất cằn đá sỏi để bây giờ có màu xanh trù phú của cây cối tốt tươi. Tôi tìm thấy lưỡi cày cũ, chiếc đèn dầu, hòm quạt lúa đã bắt đầu mối mọt. Trong góc kho có để chiếc hộp thiếc đã gỉ, mở ra thấy vài bức ảnh cũ, cuộn kim chỉ ố màu, vài sợi tóc bạc của mẹ từng gói vào tờ giấy.
Ở quê tôi nhà nào cũng có một cái kho như thế. Để chứa toàn những đồ chẳng đáng giá gì. Cũng chẳng biết sau này có khi nào cần đến hay không, nhưng bảo mang vứt đi thì không ai nỡ. Không như ở phố, trong đống rác đầu ngõ có khi thấy cả con gấu bông còn mới, bức ảnh cưới cười tươi hạnh phúc, cuốn album chứa toàn ảnh gia đình.
Có thể vì nhà chật, có thể vì những người ở phố không ưa hoài niệm. Cái gì vứt được thì vứt đi để có chỗ chứa những điều mới mẻ. Nên mới thấy những ngôi nhà còn đẹp, người ta đã đập đi xây lại. Vỉa hè mới lát năm ngoái, năm nay lại đào lên lát lại. Những chậu hoa trang trí ngoài đường phố vẫn đang còn sắc thắm, người ta vội nhổ đi để trồng hoa mới.
Tôi bỗng nhớ đến khu vườn của mẹ, bao nhiêu năm vẫn đủ bao dung để không có bụi cây nào bị nhổ bỏ. Mẹ luôn nói: “Chẳng có cây cỏ nào vô ích. Cây cho quả, cây cho hoa. Có những cây cả đời không đơm hoa kết trái thì cũng dâng cho đời bóng mát tươi xanh. Đến rau dại cũng cho mình được bát canh ngon. Những loại cây tưởng mọc hoang vô ích lại có thể là bài thuốc quý”.
Trong bữa cơm nhà, mẹ hay có món rau tập tàng nấu canh với tôm khô. Cũng vì rau vừa dễ ăn, dễ trồng, dễ hái. Mà thật ra không ai trồng cả, thứ rau dân dã ấy từ đất mọc lên, rồi cứ thế lan ra các ngõ ngách trong vườn. Trời mưa, đến giờ nấu cơm, đứng trên hè thò tay ra cũng hái được nắm rau má, rau sam.
Đi làm đồng về trưa, ngồi nghỉ dưới tán cây, đưa tay hái nắm rau dền gai, mã đề, mồng tơi là đủ nấu bát canh ngon cho cả gia đình. Ngay cái tên “tập tàng” cũng mộc mạc biết bao. Hiểu một cách nôm na là tập hợp nhiều loại rau cỏ mọc hoang dã tự nhiên. Chẳng tốn nhiều đất đai, chẳng dày công chăm bón mà quanh năm vẫn có rau ăn.
Những đứa nhỏ trong nhà quen với thuốc vườn bà. Sốt đã có rau diếp, nhọ nồi, gừng tươi, sài hồ, kinh giới, tía tô. Nửa đêm đau bụng tiêu chảy, bà soi đèn ra vườn hái nắm búp ổi non, rửa sạch, nhai với vài hạt muối. Chảy máu cam đã có rễ cỏ tranh mọc ngoài hàng rào, rửa sạch, giã nhỏ nấu lên, chắt lấy nước, thêm một ít đường phèn uống vào hiệu nghiệm. Nếu chẳng may bị đứt tay chân, vặt ngay búp chuối non nhá nát đắp vào là cầm máu. Mẹ đi đâu cũng tha cây về nhà. Thấy có bài thuốc quý nào từ cây đều lùng tìm mua sách hoặc tự tay chép lại.
Mẹ yêu sự chật chội trong vườn vì coi đó là lẽ tự nhiên. Vườn có cây tán cao, tán thấp, cây mọc lan dưới đất, bao dung và che chở cho nhau.
Theo TRANG VŨ (Sài Gòn Giải Phóng)