Ông Nguyễn Hoàng Long (60 tuổi, ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) chia sẻ, Tết xưa là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tết bây giờ đơn giản hơn nhiều. Thậm chí, những món ăn ngày Tết không còn đặc biệt, khi ngày thường vẫn có thể thưởng thức. Mọi người có nhiều sự lựa chọn cho mùa xuân của mình. Vì thế, sắp đặt “không gian Tết xưa” ở những nơi công cộng hay các quán cà-phê để các gia đình và người tham quan, chụp hình lưu giữ kỷ niệm là cách giúp con, cháu hiểu biết về phong tục, tập quán của ông bà xưa.
Lưu giữ khoảnh khắc cùng không gian Tết xưa
Mỗi tiểu cảnh không gian ngày Tết của người Việt Nam mang dấu ấn riêng, nhưng nổi bật vẫn là những tiểu cảnh tái hiện nét văn hóa truyền thống của ngày Tết cổ truyền dân tộc qua từng vật dụng, cách bày trí. Trước sân nhà là cây mai vàng rực rỡ, với những chiếc lồng đèn lung linh màu sắc trên cửa nhà, rộn ràng với những bản nhạc xuân. Bên hiên, những đòn gánh đầy ắp trái cây thể hiện mong ước một năm mới ấm no, hạnh phúc, được mùa…
Đối với nhiều người cao tuổi, không gian Tết xưa đã mang đến cho họ những ký ức, gợi nhớ về không gian xưa. Bà Lê Thị Hoa (55 tuổi, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Nhìn những mái lá, cái ghế, cái bàn, đòn gánh, cái thúng, cái mẹt, giàn máy may… làm tôi nhớ lại lúc còn nhỏ bên gia đình ở quê, tuy cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng Tết xưa vui vẻ và ấm áp”.
Tết năm nào cũng vậy, quán Panda Cafe (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đều dành không gian rộng lớn để trang trí các tiểu cảnh tái hiện không gian Tết xưa, với ngôi nhà lá truyền thống của người Nam Bộ và nhiều chi tiết khác, gắn liền với cảnh sinh hoạt ở thôn quê, gợi lại những kỷ niệm tuổi thơ, tình cảm gia đình gắn bó và hương vị đặc trưng của ngày Tết cổ truyền.
Ông Lê Thành Mẫn (Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nguyễn Huệ, đơn vị quản lý Panda Cafe) chia sẻ: “Mỗi khi Tết đến, chúng tôi phục dựng và tái hiện không gian Tết xưa, mặc dù rất đơn sơ, giản dị nhưng mang không khí gần gũi và sum vầy. Qua đó, vừa tạo không gian độc đáo thu hút người dân đến tham quan, trải nghiệm, lưu giữ những hình ảnh đẹp cùng gia đình và người thân trong dịp Tết, vừa giúp mỗi người, mỗi thế hệ thêm gợi nhớ, yêu những nét đẹp bình dị của Tết xưa”.
Dù là xưa hay nay, Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt. Đó là thời khắc mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, sum vầy, quây quần bên nhau hướng tới một năm mới an lành, hạnh phúc.
KHÁNH MY