Khúc tráng ca bất tử

25/07/2023 - 06:27

 - Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là “địa chỉ đỏ”, có bề dày truyền thống cách mạng của miền Đông Nam Bộ. Trải qua thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn còn ghi lại khúc tráng ca bất tử của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc. Mỗi khi nhắc về các anh, chúng tôi nghẹn lòng, cảm phục!

Các anh đã hòa vào lòng đất

Từ con lộ đất đỏ vào khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam dài khoảng 10km. Dù chiến tranh lùi xa, nhưng khu rừng Mã Đà vẫn còn những ngôi mộ gió, ngôi mộ vô danh của các Anh hùng liệt sĩ bất diệt nằm yên nghỉ ở đó.

Hôm về thắp nén hương tại khu căn cứ Chiến khu Đ, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Thủy (hướng dẫn viên khu căn cứ) thuyết trình về mảnh đất giàu truyền thống của mấy mươi năm về trước. Nơi đây từng là chiến trường khốc liệt đầy máu lửa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Chị Nguyễn Thị Thủy cho biết, sau khi Trung ương Cục miền Nam chuyển lên Tây Ninh, mảnh đất này vẫn là nơi đóng chân của Dân y Viện K72 và quân chủ lực miền Nam. Vì vậy, ngoài những chiến sĩ hy sinh trực tiếp tại chiến trường, còn có thương binh từ các mặt trận khác được di chuyển tới đây để cứu thương. Những chiến sĩ thương binh được cứu sống tiếp tục lên đường chiến đấu. Nếu không cứu được đành phải “nằm lại” giữa rừng. “Trong chiến tranh, không ai biết mình sống chết ra sao, chỉ biết rằng, người còn sống chôn người hy sinh” - chị Nguyễn Thị Thủy ngậm ngùi.

Cổng làng thu nhỏ dưới tán cây đa già

Ngoài ra, khu rừng này còn có những nấm mồ tập thể chôn chung nhiều người vào một ngôi mộ. Rừng Mã Đà với thổ nhưỡng đặc thù, mùa khô thì đất rất cứng, các chiến sĩ phải đào vội để chôn đồng đội, rồi ra trận. Vào mùa mưa, những trận lũ lớn cuốn xác đồng đội hòa vào đất mẹ. Do vậy, mới có câu: “Có tên mà vẫn vô danh. Có quê mà phải gửi mình nơi đây”. Máu, xương các anh đã hòa vào lòng đất, cho non sông, đất nước có ngày độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc như hôm nay.

Khác với những nghĩa trang liệt sĩ khác, đến Mã Đà, chúng tôi thấy rất ít những ngôi mộ được xây trong khuôn viên nghĩa trang. Chỉ thấy đó 70 ngôi mộ được xây lên. Đây là một con số rất ít, nhưng với diện tích rừng rộng lớn bạt ngàn, khó có thể đào lên hết để tìm hài cốt các anh. Dù cho mộ chí ở đây có tên hay không tên, được tôn tạo hay còn bị vùi lấp, mỗi nắm đất nơi này đều là xương, máu, là cả tuổi thanh xuân của các liệt sĩ: “Mỗi tấc đất một cuộc đời có thật” - là lẽ như vậy. Chính nơi này đang ôm ấp không biết bao nhiêu hình hài của biết bao nhiêu người con ưu tú kiên trung của Tổ quốc.

Những câu chuyện xúc động trong rừng già

Hôm nghe kể về những câu chuyện ở Chiến khu Đ, chúng tôi rất ấn tượng trước một đền thờ các liệt sĩ nằm dưới cội đa già, rũ xuống 2 bên giống như cổng làng thu nhỏ ở miền Bắc. Với người Việt Nam, cổng làng quan trọng trong đời sống tinh thần. Bởi, bước qua cổng làng, chúng ta về với ngôi nhà thân yêu trong gia đình và bao hạnh phúc ấp ủ chờ mong. Ở nghĩa trang Mã Đà cũng vậy, khi bước qua gốc cây đa là đến “ngôi nhà chung” của các Anh hùng liệt sĩ! Bởi, lúc bấy giờ ở chiến trường này, tất cả những người con trên đất nước ta theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để cùng về đây tham gia chiến đấu, bảo vệ non sông.

Có những người may mắn sống sót, sau cuộc chiến họ trở về với gia đình đang ngày đêm mong ngóng. Còn những người không may mắn đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Chị Thủy cho hay: “Đền thờ các liệt sĩ được xây dưới cội đa già, để các anh linh biết đây là nhà, quê hương của mình khi trở về”.

Ngoài ra, ở đây có một câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Sỹ Việt (quê ở tỉnh Nghệ An). Mộ của anh nằm ven con suối. Anh vào đây tham gia chiến đấu và hy sinh tại Chiến khu Đ. Giấy báo tử được gửi về gia đình, nhưng hòa bình lập lại, người thân vẫn chờ mong sự trở về của anh; hay ít nhất thì cũng mong có thể tìm thấy hài cốt để đưa về quê an táng. Sự chờ đợi mỏi mòn của mẹ anh Việt rồi cũng có hy vọng.

Chị Nguyễn Thị Thủy kể rằng, anh có về báo mộng cho mẹ là hài cốt của mình đang nằm cạnh một con suối. Sau đó, gia đình lên chiến khu tìm được mộ anh. Sau khi đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Sỹ Việt về quê, gia đình đã gửi lại bức hình của đồng chí và được đặt trang trọng trong đền thờ cho tới hôm nay.

Ở Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà vẫn có biết bao câu chuyện về những chàng trai gác bút nghiên đi theo tiếng gọi của Tổ quốc khi tuổi đời còn rất trẻ. Hành trang các anh mang theo là sự quyết tâm đánh giặc, lời hứa với người yêu sẽ cưới nhau vào mùa trăng. Nhưng trăng chưa kịp tròn, lúa chưa kịp gặt thì chàng trai đã mang theo lời hứa chôn chặt vĩnh viễn vào đất mẹ…

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau mà cuộc chiến để lại vẫn âm thầm lặng lẽ trong lòng những người ở lại không bao giờ nguôi. Nay về thăm chiến khu xưa, chúng tôi thực sự khâm phục trước sự hy sinh của các anh. Thắp nén nhang dưới tán rừng già để chia tay các Anh hùng liệt sĩ, chúng tôi thật xúc động và nghẹn ngào khi nghe chị Nguyễn Thị Thủy khẽ ngâm bài thơ “Tấc đất thành cổ” của Phạm Đình Lân:

Thắp một nén nhang và khóc ít thôi

Tôi thầm nhủ lòng mình như vậy

Để một phút lắng lòng nghe bạn gọi

Bạn nằm lại nơi nào bạn ơi?

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ…

LƯU MỸ