Khuyến cáo việc người dân cần làm để tránh siêu bão Yagi
06/09/2024 - 18:36
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT, khi bão chưa vào đất liền, mọi người cần thực hiện nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương, chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh, neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn; sơ tán người dân khỏi các nhà canh, nuôi trồng thủy hải sản...
AA
Bão số 3 cách Quảng Ninh khoảng 420 km.
Chiều 6/9, chia sẻ về cơn bão số 3, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia lưu ý, trước khi bão đến sẽ vẫn có mối nguy hiểm do mưa dông trước bão, trong cơn dông có thể gây gió giật mạnh như gió trong bão mạnh.
“Người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 cần: Tuyệt đối không cố ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp, dự báo từ đêm nay ở các huyện đảo, sau đó là khu vực đất ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa (dự báo trong khoảng sáng đến chiều tối mai). Các tỉnh, thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...), cần tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn. Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên cần hết sức đề phòng”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Cơn bão nhiều điểm đặc biệt
Theo ông Khiêm, hiện tại cơn bão số 3 vẫn đang ở cấp siêu bão (cấp 16, giật trên cấp 17). Vị trí lúc 16h ngày 6/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc); cách Quảng Ninh khoảng 420km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm khi có bão hình thành siêu bão ngay trên Biển Đông.
Theo thống kê thì chưa có cơn bão nào đi vào Biển Đông mà mạnh lên thành cấp siêu bão (cấp 16), chỉ có 2 cơn đi từ Tây Bắc Thái Bình Dương vào khu vực Biển Đông đạt cấp siêu bão nhưng không ảnh hưởng đến đất liền nước ta, cụ thể: Cơn bão RAI (Cơn bão số 9) tháng 12/2021 đạt cấp 16 trên khu vực Biển Đông hướng vào miền Trung sau đi vòng lên, sau tan dần trên Bắc Biển Đông và không ảnh hưởng đến nước ta. Cơn bão SAOLA (Cơn bão số 3) cuối tháng 8 đầu tháng 9/2023 đạt cấp 16 trên khu vực Biển Đông đi vào Nam Trung Quốc và tan dần, không ảnh hưởng đến nước ta.
“Bão số 3 cũng có quá trình mạnh lên rất nhanh, từ thời điểm vào Biển Đông (ngày 2/9) cấp 8, đến hơn 2 ngày sau bão đã mạnh thêm tới 8 cấp, đạt cấp siêu bão vào ngày 5/9. Điều này cũng tương đối hiếm gặp đối với bão trên Biển Đông. Thời gian duy trì cường độ cấp 16 hơn một ngày cũng là khá dài đối với một cơn bão trên Biển Đông”, ông Khiêm nói.
Chia sẻ về các tác động chính của cơn bão số 3, ông Khiêm cho biết, thứ nhất là về gió mạnh, bão số 3 có thể gây ra gió mạnh cấp 16, giật cấp 17 trên khu vực Bắc Biển Đông; cấp 13-14, giật cấp 17 ở Bắc Vịnh Bắc Bộ; cấp 11-12, giật cấp 14 ở vùng biển ven bờ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình. Thứ hai là về sóng lớn, nước dâng do bão, trên Biển Đông sóng biển có thể cao từ 10-12m, vùng ven biển ven bờ Quảng Ninh – Thanh Hóa từ 2-5m. Thứ ba là về mưa lớn, bão số 3 có thể gây ra một đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó trọng tâm là khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa với lượng mưa phổ biển từ 100-350mm, có nơi trên 500mm.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT. Ảnh: Hoài Linh
Những khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 3
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ đêm 6/9 và gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14. Nơi đón gió mạnh đầu tiên trên đất liền nhiều khả năng là khu vực Móng Cái (Quảng Ninh), từ khoảng 1-4h ngày 7/9. Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ trưa đến tối 7/9.
Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ, bao gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió mạnh muộn hơn và yếu hơn, phổ biến sẽ có gió cấp 6-8, giật cấp 9-11 từ trưa 7/9.
Trên biển và vùng ven biển, sóng do bão rất lớn nên sẽ tác động mạnh tới khu vực neo đậu tàu/thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, sạt lở đê biển. Ngoài ra, mặc dù thời điểm bão vào bờ có thủy triều thấp, tuy nhiên do nước dâng và sóng trong bão nên khả năng nhiều khu vực trũng, thấp ven biển vẫn bị ngập.
“Về mưa lớn, từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm; vùng mưa to sẽ dịch dần từ Đông sang Tây theo quỹ đạo của bão số 3; trong đó vùng mưa to nhất tập trung ở phía Đông Bắc Bộ và xảy ra trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ có lượng mưa nhỏ hơn và tập trung mưa từ tối 7/9 đến đêm 8/9”, ông Khiêm nhận định.
Với diễn biến như vậy, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng sẽ có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4; khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Theo Báo Pháp Luật
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: