Gắn kết cơ sở
Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, An Giang có sáng kiến thành lập tổ phản ứng nhanh nông nghiệp, phát huy được hiệu quả cao. Theo Quyết định 318/QĐ-TTg, ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí “tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả” là một trong những tiêu chí trong đánh giá và công nhận xã NTM, NTM nâng cao. Trên cơ sở tổ phản ứng nhanh nông nghiệp, An Giang nhanh chóng thành lập tổ khuyến nông cộng đồng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên cho biết, đến nay, toàn tỉnh thành lập được 125 tổ khuyến nông cộng đồng, với 1.529 thành viên. Mỗi tổ có tối thiểu 5 thành viên, do một Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng; thành phần nòng cốt là cán bộ khuyến nông cơ sở và cán bộ nông nghiệp, công chức, viên chức, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, doanh nghiệp (DN0), nông dân giỏi...
Vai trò khuyến nông cộng đồng rất quan trọng
Trong quá trình hoạt động, các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng được tham gia những lớp đào tạo nâng cao kỹ năng, phương pháp nghiệp vụ; tư vấn thành lập, nâng cao năng lực hợp tác xã (HTX); kỹ năng tư vấn, phương pháp sản xuất - kinh doanh trong HTX; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh; cập nhật tiến bộ kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu DN, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, chính sách liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị...
Nhờ hệ thống cán bộ nông nghiệp của An Giang được tổ chức theo ngành dọc từ cấp tỉnh đến cơ sở (khuyến nông, trồng trọt và bảo vệ thực vật, thủy sản, chăn nuôi và thú y), có trình độ chuyên môn đa dạng lĩnh vực, khi cử tham gia tổ khuyến nông cộng đồng, cán bộ có điều kiện áp dụng chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn, thuận lợi triển khai nhiệm vụ, nhất là phối hợp với địa phương và nông dân phát huy hiệu quả hoạt động.
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh An Giang về thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch triển khai và phân công nhiệm vụ đơn vị liên quan (Kế hoạch 73/KH-SNNPTNT, ngày 5/6/2024). Trong đó, lực lượng khuyến nông và tổ khuyến nông cộng đồng có vai trò quan trọng trong triển khai đề án.
Bà Huỳnh Đào Nguyên cho biết, tổ khuyến nông cộng đồng có chức năng tư vấn, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, trong đó có chuyển giao công nghệ sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chính sách khuyến khích canh tác giảm phát thải, tăng thu nhập bền vững.
Khi tham gia Đề án 1 triệu héc-ta, tổ khuyến nông cộng đồng có nhiệm vụ phối hợp các ngành chức năng, địa phương rà soát, xác nhận vùng sản xuất lúa tham gia đáp ứng tiêu chí của đề án, vùng tiềm năng có thể đạt diện tích và mục tiêu đề án mà tỉnh đăng ký theo giai đoạn (đến năm 2025 và đến năm 2030). Tổ tham gia triển khai các hoạt động kỹ thuật để đảm bảo đạt mục tiêu của đề án, có thể lồng ghép từ các chương trình, kế hoạch hiện có, nguồn từ ngân sách tỉnh, Trung ương (kế hoạch hỗ trợ người trồng lúa, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM...).
Cần cơ chế khuyến khích
Thông qua các hoạt động tập huấn, tọa đàm, tư vấn, hướng dẫn... tổ khuyến nông cộng đồng giúp nông dân, HTX, tổ hợp tác hiểu rõ yêu cầu, mục tiêu, ý nghĩa của đề án; vận động, hướng dẫn nông dân, HTX tham gia liên kết tiêu thụ lúa với DN tham gia. Đồng thời, tiếp tục gắn kết DN thực hiện các mô hình hiệu quả, ký hợp đồng liên kết với nông dân, HTX theo hướng cung ứng vật tư đầu vào, đảm bảo sản xuất đạt chuẩn yêu cầu và tiêu thụ đầu ra.
Dù có vai trò quan trọng nhưng thực tế thời gian qua, việc vận hành, hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng còn khá rời rạc. Nguyên nhân do các thành viên của tổ kiêm nhiệm nhiều công việc tại địa phương, tại cơ quan ngành dọc nhưng chế độ, chính sách hỗ trợ chưa quy định rõ, chưa cụ thể; tổ chưa có kinh phí hoạt động, chủ yếu lồng ghép kinh phí theo nhiệm vụ chuyên ngành dọc. Trong khi đó, công cụ, trang thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ của tổ còn thiếu.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên đề nghị, cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao kiến thức cho tổ khuyến nông cộng đồng về: Áp dụng các công nghệ giảm phát thải và giám sát, đo đạc MRV; quy trình canh tác, thị trường carbon, mối liên quan giữa thị trường carbon và sản xuất nông nghiệp, hình thức chi trả tín chỉ carbon...
Đồng thời, tạo điều kiện cho tổ khuyến nông cộng đồng tiếp cận, tham gia triển khai hoặc hỗ trợ để thực hiện thí điểm các mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất lúa (biện pháp đo đạc khí phát thải, ghi chép nhật ký điện tử, ứng dụng cơ giới hóa...). Quan trọng hơn, cần có hướng dẫn cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.
NGÔ CHUẨN