Kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi

09/08/2024 - 06:54

 - Từ nay đến cuối năm 2024 và chuẩn bị Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung trong tỉnh chưa đáp ứng đủ. Ngành chăn nuôi và thú y (CN&TY) An Giang tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trang trại, hộ nuôi tăng đàn, tận dụng cơ hội thị trường.

Bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh phức tạp

Theo tổng hợp trên phần mềm VAHIS của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 7 ổ dịch cúm gia cầm tại 7 tỉnh, với 13.658 con gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc; 691 ổ dịch tả heo Châu Phi tại 45 tỉnh, thành phố, với tổng số heo tiêu hủy là 46.681 con; 80 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại 16 tỉnh, có 457 con trâu, bò mắc bệnh; 45 ổ dịch lở mồm long móng tại 14 tỉnh, 1.428 gia súc mắc bệnh; 164 ổ dịch dại trên động vật tại 34 tỉnh, thành phố.

Ngay tại ĐBSCL, cúm gia cầm xảy ra tại 3 tỉnh (Long An, Tiền Giang và Vĩnh Long); viêm da nổi cục và lở mồm long móng xảy ra tại tỉnh Tiền Giang; dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 9 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau); bệnh dại trên động vật xảy ra tại 7 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau).

Chi cục trưởng Chi cục CN&TY An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi của tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt. Trong tháng 3/2024, đã xảy ra 2 ổ dịch dại tại xã Ô Long Vĩ và Bình Phú (huyện Châu Phú), do chủ nuôi chó chưa thực hiện phòng bệnh bằng vaccine. Nhờ ngành CN&TY triển khai xử lý kịp thời nên chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh và tử vong do bệnh dại. Hầu hết các trường hợp người bị chó, mèo dại, nghi dại cắn đều được tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Với sự hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương, ngành CN&TY thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, giúp ổn định ngành chăn nuôi. Cán bộ CN&TY đẩy mạnh tiêm vaccine phòng các bệnh bắt buộc theo quy định trên vật nuôi, đảm bảo vật nuôi đều được tiêm phòng đầy đủ và đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80% so với tổng đàn. Trong đó, tỷ lệ tiêm phòng bệnh lở mồm long móng còn bảo hộ trên đàn trâu, bò đạt tỷ lệ 93%; viêm da nổi cục trên trâu, bò đạt 91%; dại chó đạt 93%; tiêm cúm gia cầm trên đàn vịt còn bảo hộ đạt tỷ lệ 143%, đàn gà đạt 94%. Đối với tiêm phòng vaccine dịch tả heo Châu Phi theo hướng xã hội hóa, được các huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Thành, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên thực hiện, với 800 con heo được tiêm.

Phát triển chăn nuôi tập trung

Tính đến giữa năm 2024, đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh có khoảng 48.000 con, đàn heo gần 153.400 con, đàn gia cầm gần 7,6 triệu con, đàn dê khoảng 11.000 con, đàn thỏ 3.500 con, có khoảng 1.000 nhà nuôi chim yến... Về quy mô, hiện có 115 trang trại chăn nuôi heo quy mô từ 50 con (38.114 con); 237 trang trại chăn nuôi bò quy mô từ 14 con (6.037 con); 13 trang trại nuôi gà quy mô từ 2.000 con (283.000 con) và 171 trang trại nuôi vịt.

Ông Trần Tiến Hiệp cho biết, ước tăng trưởng chăn nuôi trong 6 tháng tăng khoảng 126,4 tỷ đồng, đạt 51,7% kế hoạch năm 2024, trong đó heo thịt tăng khoảng 66 tỷ đồng, vịt thịt tăng 4,9 tỷ đồng, gà thịt tăng 4,4 tỷ đồng, vịt đẻ trứng tăng 32,4 tỷ đồng, bò thịt tăng 7 tỷ đồng, sản phẩm từ chim yến tăng khoảng 11,7 tỷ đồng.

Thời gian qua, giá các sản phẩm chăn nuôi duy trì ở mức khá, có khuynh hướng tăng, trong đó giá thịt heo hơi từ 69.000 - 70.000 đồng/kg, thịt bò hơi từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, gà thịt lông màu (gà ta) duy trì mức 75.000 đồng/kg, trứng vịt từ 3.000 - 3.300 đồng/trứng, trứng gà công nghiệp từ 2.800 - 3.200 đồng/trứng...

Nhằm thúc đẩy chăn nuôi phát triển, ngành CN&TY tiếp tục tăng cường kiểm soát tốt dịch bệnh, triển khai lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng cúm gia cầm và giám sát lưu hành bệnh cúm gia cầm; lấy mẫu giám sát sự lưu hành và sau tiêm phòng lở mồm long móng; lấy mẫu kiểm tra kháng thể sau tiêm phòng dại chó... Tỉnh khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, xây dựng thêm tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi để liên kết đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, nghiên cứu thêm một số mô hình mới, như: Chăn nuôi gà giống Ai Cập trong hệ thống chuồng lồng ứng dụng công nghệ cao, cung cấp trứng gà an toàn cho các trường học tại địa phương; mô hình nuôi ong mật trong thùng theo hướng VietGAP dưới tán rừng tràm Trà Sư; hỗ trợ nuôi gà đẻ trứng ở huyện Châu Phú; hỗ trợ kinh phí xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm xã Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới)...

Với tiềm năng phát triển và giá trị của nghề nuôi chim yến lấy tổ, Chi cục CN&TY tập trung điều chỉnh nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 19/2021/NQ-HĐND, ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh An Giang theo ý kiến góp ý của tổ đại biểu HĐND tỉnh, sau đó tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy ý kiến các sở, ban, ngành, các tổ chức có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố để hoàn chỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới, tạo hành lang pháp lý cho nghề nuôi chim yến phát triển. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đối với tổ yến nhằm nâng cao giá trị.

Chi cục CN&TY An Giang đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố tham mưu UBND cấp huyện phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh trên động vật tại địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo để chủ động tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.


NGÔ CHUẨN