Kiến ba khoang vào mùa bùng phát, bác sĩ hướng dẫn cách xử trí

03/11/2023 - 18:06

Thời gian gần đây tại Hà Nội, số lượng bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang gia tăng mạnh, những trường hợp nhẹ chỉ gặp tổn thương khu trú ở vùng da nhỏ, nhưng một số trường hợp nặng gây tổn thương lan rộng trên cơ thể, khiến người nhiễm bị tổn thương, đau rát, lở loét...

Tuần đầu tháng 11/2023, chị Nguyễn Thị Ngọc (37 tuổi, trú tại quận Long Biên) tìm đến bác sĩ da liễu sau thăm khám sau 2 ngày sốt cao, mặt, cổ xuất hiện nhiều tổn thương lở loét, đau rát. Người phụ nữ chia sẻ, cách đây một tuần khi ngủ dậy vào buổi sáng, chị phát hiện vùng mặt nổi lên một số vết thương đỏ, kèm bọng nước, bỏng rát. Nghĩ mình bị zona thần kinh, chị Ngọc ra hiệu thuốc miêu tả triệu chứng và được dược sĩ kê đơn tuýp thuốc bôi ngoài da.

Khi bị kiến ba khoang đốt, nhiều người có biểu hiện viêm da với những triệu chứng như ngứa da, nổi bọng nước, viêm loét da hoặc đau, ngứa rát trên da... 

Tuy nhiên, sau 2 ngày bôi thuốc, vết thương không khô hay bớt bỏng rát, mà ngày càng nghiêm trọng. Vùng bọng nước gây ngứa râm ran, khiến chị Ngọc dùng tay dụi, khiến tổn thương vỡ, lan rộng ra nhiều vùng khác. Ngày thứ 3 sau khi bôi thuốc, chị Ngọc phát sốt, kèm đau nhức chảy dịch vàng vùng tổn thương, nên quyết định đến gặp bác sĩ thăm khám. Chị Ngọc được chẩn đoán bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

Tương tự, tìm đến gặp bác sĩ khi tiếp xúc với kiến ba khoang, anh Trần Văn Nam (25 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) bị sưng đỏ phần mắt, một mắt trái không thể mở. Anh Nam cho biết có đi cà phê cùng bạn bè ở một quá nhiều cây xanh, sau đó bị kiến ba khoang bay tới đậu lên phần mí mắt. Theo phản xạ, anh dùng tay phủi kiến khỏi mắt, nhưng một lúc sau phần mắt nóng rát và đỏ lên.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, ngay sau quá trình sơ cứu ban đầu, bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt, nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để điều trị; hạn chế việc tự chữa bệnh tại nhà.

Về đến nhà mắt anh Nam sưng đỏ, không thể mở mắt, nên tìm đến bác sĩ để thăm khám. “Tôi đến gặp bác sĩ trực tiếp để thăm khám và dùng thuốc, vì vết tổn thương nằm ngay ở mắt, dễ bị biến chứng khi dùng thuốc bên ngoài....”, anh Nam chia sẻ.

ThS. BS Chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành, Thành viên Hội Da liễu Việt Nam, người trực tiếp thăm khám cho chị Ngọc và anh Nam cho hay, hai bệnh nhân đều bị viêm da tiếp xúc do độc của kiến ba khoang gây ra. Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gia tăng mạnh. Những trường hợp nhẹ chỉ gặp tổn thương khu trú ở một vùng da nhỏ. Một số trường hợp nặng tổn thương lan rộng ra nhiều vùng da trên cơ thể. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân trước đó bị chẩn đoán nhầm thành bệnh zona, dẫn đến điều trị sai cách.

Theo vị chuyên gia da liễu, thời gian từ tháng 10 - 11 hàng năm, kiến ba khoang xuất hiện nhiều do vào mùa sinh sản. Không chỉ xuất hiện ở nhà mặt đất, mà ngay cả người dân sống trong các căn hộ chung cư cao tầng cũng có thể bị kiến ba khoang bay vào nhà. Độc tố trong kiến ba khoang mạnh, mặc dù loài côn trùng này không cắn hoặc chích, chỉ do mọi người vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang.

“Khi kiến bị tác động, chà xát hay bị giết thường giải phóng dịch lỏng coelomic có chứa paederin, chất gây phồng rộp da mạnh, có thể làm bỏng da, viêm da. Kiến ba khoang sống trong môi trường tự nhiên dễ bị hấp dẫn bởi ánh sáng đèn vào ban đêm và vào nhà. Người dân nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng. Điều quan trọng không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da, cần nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác....", Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành khuyến cáo.

Theo Báo Tin Tức