Cách đây hơn 10 năm, để đi tìm quán ăn uống tại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) khách hàng không có nhiều lựa chọn, nhưng đến thời điểm hiện tại, có nhiều khu tập trung các quán ăn, sẵn sàng phục vụ khách ngày đêm, với rất nhiều món ăn từ bình dân đến sang trọng, từ món truyền thống đến các món ăn theo phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản, được giới trẻ ưa chuộng.
Dạo quanh các tuyến đường, như: Lý Thái Tổ (nối dài), Ung Văn Khiêm là cả một thế giới ăn vặt, vui chơi đầy sức hấp dẫn. “Khu này cần ăn uống món gì cũng có, từ ăn vặt đến các món chính, như: Lẩu bò, hải sản, ốc đồng… Cuối tuần, bạn bè có thể rủ nhau cùng thưởng thức món ăn, cùng ngồi trò chuyện và ngắm phố phường về đêm, cảm giác rất thoải mái, vui tươi và nhộn nhịp” - Nguyễn Thanh Sang (sinh viên ở trọ khu vực gần Trường Đại học An Giang) chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu ăn uống của khách hàng ngày càng đa dạng ở nhiều nhóm khách, một số bạn trẻ đã mạnh dạn kinh doanh dịch vụ ăn uống, một nghề dễ kiếm tiền nhưng trăm bề vất vả. Vừa mở một quầy giải khát bán lề đường phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), anh Trần Thanh Huy bộc bạch: “Tôi lựa chọn bán cà-phê pha máy loại ngon, với mức giá bình dân từ 13.000-18.000 đồng/ly, phục vụ mang đi, dành cho người không có thời gian ngồi uống tại chỗ. Dù là cà-phê lề đường nhưng tôi chọn loại cà-phê ngon, pha đúng kỹ thuật, công thức, bán với mức giá phù hợp thì mới kéo được khách ghé mua thường xuyên”.
Những bạn trẻ khác lại chọn món khởi nghiệp kinh doanh của mình là hàng trà sữa các loại, trà đào cam sả, bánh bao cadé, bánh tráng nướng, lẩu hải sản, bò sốt hàu, bún cá, bún mộc… “Nếu đi theo mảng kinh doanh ăn uống, bạn phải chịu khó tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của giới trẻ, khách hàng mọi lứa tuổi và chọn phân khúc, cách kinh doanh phù hợp. Khi mình đi sau nhiều thương hiệu nổi tiếng bắt buộc món ăn phải độc đáo, ngon và lạ thì mới thu hút khách, sau đó là luôn đảm bảo chất lượng món ăn và có sự đổi mới thường xuyên để khách không nhàm chán” - một bạn trẻ bán đồ ăn vặt khu vực đường Bùi Văn Danh (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) nhận định.
Góp phần làm phong phú thêm món ăn cho TP. Long Xuyên, anh Hà Quế Dương (chủ quán vịt xiêm 3 món Út Giang, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi chọn hướng kinh doanh từ chế biến vịt xiêm thành các món ăn bình dân của các vùng miền, như: Vịt nấu chao, vịt nấu măng, vịt nướng giả chồn… với mức giá bình dân để phục vụ khách. Vịt xiêm là món ăn dân dã, không khó trong khâu chế biến và có thể làm thành nhiều món ăn cho khách lựa chọn. Từ thực tế kinh doanh hơn 3 tháng, tôi thấy nhiều người yêu thích món vịt đang tìm đến. Do vậy, chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng món ăn và chất lượng phục vụ khách tại chỗ hoặc mang đi”.
Thành công với mảng kinh doanh dịch vụ ăn uống, đãi tiệc, quán Nhật Thanh (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) đang mở rộng kinh doanh để phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Ấp ủ ý tưởng kinh doanh nhà hàng chay nhiều năm, chị Đoàn Mỹ Hoa (chủ quán ẩm thực chay Nhật Thanh) chia sẻ: “Từ kinh doanh quán ăn bình dân nhiều năm, vợ chồng tôi mạnh dạn mở thêm nhà hàng chay để phục vụ khách có nhu cầu ăn uống, đãi tiệc chay. Ban đầu, chúng tôi gặp phải nhiều ý kiến trái chiều vì cho rằng lượng khách sẽ không nhiều, không mang lại hiệu quả kinh doanh. Thế nhưng, kiên trì vượt qua 1 năm đầu đầy khó khăn, đến nay chúng tôi đã có được lượng khách ổn định. Chúng tôi luôn nâng cao chất lượng món ăn và đủ sức phục vụ vài trăm thực khách cùng thời điểm. Chúng tôi đang chuyển đổi địa điểm kinh doanh, thiết kế lại không gian quán để phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng đến thưởng thức”.
Kinh doanh dịch vụ ăn uống là ngành đầy sức hấp dẫn, bởi phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày cho người dân. Thế nhưng, không phải ai cũng dễ dàng thành công nếu không lựa chọn hình thức, vị trí kinh doanh phù hợp.
"Không ít bạn trẻ đam mê kinh doanh quán cà-phê, quán ăn nhỏ phải chịu cảnh lỗ vốn và phải sang quán để thu hồi phần nào vốn đầu tư. Theo tâm sự của các chủ quán, nếu không có mặt bằng tại nhà, phải chịu chi phí thuê mặt bằng cao, chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trang trí quán, tiền thuê nhân viên và các chi phí điện, nước, chi phí rủi ro cho những thực phẩm, nước uống phải bỏ đi trong những ngày không bán được rất cao. Để kinh doanh thành công trên lĩnh vực ăn uống, đòi hỏi người kinh doanh phải có khả năng kinh doanh, điều hành tốt và quan trọng là phải có sự linh hoạt thích ứng và niềm đam mê, kiên trì nhiều năm” - anh Trần Ngọc Lễ (người chuyên thanh lý các quán ăn uống) phân tích.
Giống như bao ngành nghề khác, kinh doanh ăn uống cũng là một ngành nghề đầy cơ hội và thách thức, bởi người kinh doanh không chỉ đơn thuần bán một sản phẩm về vật chất mà còn là sự thỏa mãn về tinh thần, thị hiếu của khách hàng. Do vậy, để bắt đầu kinh doanh và muốn góp sức mình làm phong phú cho ẩm thực địa phương, người kinh doanh cần học hỏi, đổi mới liên tục để có thể tồn tại và phát triển trong trào lưu ẩm thực ngày càng đa dạng của khách hàng.
NGỌC GIANG