Kinh tế Việt Nam 2018: Hé lộ nhiều gam màu sáng đầy hy vọng

11/10/2018 - 14:50

Đã bước qua 3/4 chặng đường của năm, bức tranh toàn cảnh nền kinh tế năm 2018 với những gam màu sáng bắt đầu hé lộ, đây sẽ là bước đệm đầy triển vọng cho kinh tế năm 2019.

GDP tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2018, GDP tăng 6,98%, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011.

Tại Hội nghị Trung ương 8 mới đây, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá, 9 tháng năm 2018, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.

Dự báo, đến cuối năm 2018, có thể hoàn thành 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 6,6-6,8%, quy mô GDP khoảng 240,5 tỷ USD.

Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công có xu hướng giảm. Xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017; xuất siêu hơn 3 tỷ USD.

Những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2018 tạo đà và là động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016-2020.

CPI tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2017

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý III năm 2018, CPI tăng 0,72% so với quý trước và tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu 9 tháng xuất hiện nhiều gam màu sáng

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, trong thời gian này có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,2%.

Thu hút FDI tăng mạnh trong 9 tháng qua

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm tới nay, cả nước có 1.432 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 11,03 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ 2014. Cùng với đó, có 462 lượt dự án FDI đăng ký tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 6,11 tỷ USD, tăng 72,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Kinh tế khởi sắc với những điểm nhấn ấn tượng

Theo Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Dương chủ đề “Chèo lái qua bất ổn” được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố mới đây, Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2018 so với con số 6,5% được tổ chức này đưa ra hồi tháng 4.

Trong hai năm tới, World Bank (WB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ chững lại với tốc độ lần lượt là 6,6% và 6,5% do sức cầu trên toàn cầu dự kiến chậm lại theo chu kỳ.

Theo nhận định của tổ chức này, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ kinh tế toàn cầu khôi phục bền vững và những cải cách trong nước đang được thực hiện. Tăng trưởng cao dẫn đến tạo việc làm và tăng thu nhập, đem lại những thành quả chung về phúc lợi và giảm nghèo.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận định, kinh tế 9 tháng năm 2018 đã đạt kết quả tăng trưởng rất tích cực, toàn diện, cao nhất trong 9 năm gần đây. Nhiều chỉ tiêu kế hoạch đều đạt được thậm chí có thể vượt kế hoạch.

Theo ông Lưu Bích Hồ, những kết quả đạt được đã chứng minh một điều, nền kinh tế đang đi đúng hướng, ổn định, tăng trưởng hợp lý và tái cơ cấu có bước tiến tích cực trong điều kiện thế giới có nhiều khó khăn biến động, trong nước thiên tai xảy ra nghiêm trọng. Đây là những nỗ lực to lớn của doanh nghiệp và nhân dân dưới sự điều hành quyết liệt và có hiệu quả của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

“Điểm nổi bật là nông nghiệp và xuất khẩu, trong đó xuất khẩu đã bớt phụ thuộc hơn vào kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu tốt, trong khi công nghiệp chế biến chế tạo vẫn phát huy vai trò động lực tăng trưởng lớn. Khó khăn và hạn chế chủ yếu do môi trường bên ngoài có thêm diễn biến phức tạp về giá cả và bảo hộ thương mại; bên trong thì cải cách bộ máy quản lý hành chính mang tính quyết định đang còn nhiều thách thức phải vượt qua”, TS. Lưu Bích Hồ cho biết.

Có cùng nhận định lạc quan, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kinh tế - xã hội nước ta trong quý III và 9 tháng năm 2018 đạt nhiều kết quả tích cực. Nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu Quốc hội.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đảm bảo vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tình hình thực hiện vốn đầu tư có chuyển biến tích cực với nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá. Tình hình giải quyết việc làm và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

“Các ngành nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của đất nước. Năng lực sản xuất của nền kinh tế được mở rộng tạo đà cho kinh tế nước ta phát triển trong những năm tới”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2018 là năm bản lề và có ý nghĩa trong việc đánh giá, định hình lại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

“Chúng ta đã đi được một nửa chặng đường của kế hoạch này với những chuyển biến rất tốt. Tăng trưởng GDP của 2 năm đầu tiên trong giai đoạn này là tương đối cao. GDP năm 2018 dự kiến sẽ đạt hoặc vượt mức 6,7%. Đáng chú ý, kinh tế phát triển đồng đều trên các lĩnh vực. Khác với nhiều năm trước, phát triển văn hóa - xã hội đã được đặt trong vị thế cân bằng với phát triển kinh tế trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Đây là chủ trương của Đảng, Chính phủ và đang được thực hiện một cách rất tích cực từ Trung ương đến địa phương”, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phác họa kế hoạch năm 2019. Theo đó, dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018. Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4-5%.

Xuất khẩu hàng hóa năm 2019 dự kiến đạt khoảng 256 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 261 tỷ USD, tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, chiếm dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về điều hành chính sách tiền tệ, 9 tháng qua, hoạt động của ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả khá tích cực. Trong đó, quan trọng nhất là diễn biến lạm phát cơ bản được duy trì trong biên độ từ 1,3%-1,5%, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Thị Mùi, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt và phù hợp với diễn biến của nền kinh tế;

Cũng theo bà Mùi, trong 9 tháng qua, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng về cơ bản đảm bảo thanh khoản, thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối cũng ổn định và có sự liên thông với nhau, tạo điều kiện không tác động nhiều đến vấn đề lãi suất và cũng hỗ trợ cho lãi suất ổn định; Dòng vốn tín dụng đã tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và kiểm soát chặt chẽ những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như: chứng khoán, bất động sản; Tăng trưởng của các tổ chức tín dụng cũng gắn với việc nâng cao chất lượng tín dụng.

Khó khăn, thách thức vẫn tiềm ẩn

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chỉ ra những khó khăn và thách thức mà nền kinh tế đất nước sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Đó là, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã nâng lãi suất đồng USD, trước đây chỉ có 0,25% nhưng hiện nay đã nâng lên 2,25%, trong khi đó lãi suất đồng USD ở Việt Nam là 0%, điều này sẽ tác động rất nhiều đến thu hút FDI và việc giữ ngoại tệ ở nước ta.

Một điều nữa là đồng tiền trong khu vực đều bị giảm sút, đồng tiền của Indonesia, Philippines, Ấn Độ và đặc biệt là đồng tiền của Trung Quốc đều giảm giá. Riêng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hiện đã giảm giá tới 9,2%, khiến hàng hóa của họ đã rẻ nay lại rẻ hơn, nguy cơ hàng hóa của Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam.

TS. Lê Đăng Doanh quan ngại, thách thức lớn nhất trong những tháng còn lại của năm 2018 và năm 2019 đó là biến động của thị trường thế giới. Nếu như quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc tiếp tục căng thẳng thì rất có thể giá dầu sẽ tăng lên. Nếu giá dầu tăng sẽ tác động đến giá thành của các sản phẩm của Việt Nam. Đặc biệt là chi phí về giao thông vận tải và làm tăng sức ép đối với lạm phát, với nước ta.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc còn làm cho môi trường kinh doanh trên thế giới, môi trường thương mại không ổn định, Hiệp định thương mại hay những hợp đồng đã được ký kết thì ngày nay có nguy cơ bị phá vỡ…

Đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách thể chế

Mặc dù khó khăn còn chồng chất khó khăn, các chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan tin tưởng rằng, tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 sẽ chắc đạt mục tiêu trên 6,7% nếu không có biến động của môi trường bên ngoài và thiên tai trong nước. Kinh tế trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng trưởng bằng hoặc cao hơn năm 2018, mức tăng có thể không nhiều nhưng chất lượng tăng trưởng sẽ được cải thiện hơn do kết quả của tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa năm 2018 sẽ kết thúc, để đạt được mục như kỳ vọng, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, cần nắm vững và thúc đẩy mạnh hơn tái cơ cấu kinh tế thực chất. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, tinh gọn bộ máy hành chính, hợp nhất, giảm bớt đầu mối, cải tiến phương thức làm việc theo công nghiệp 4.0 với Chính phủ và chính quyền điện tử.

Đồng thời, gia tăng tốc độ tái cơ cấu DNNN, phát huy vai trò của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN; Cải thiện việc giải ngân vốn đầu tư công, quyết liệt giảm chi thường xuyên của ngân sách; Chọn lựa FDI chất lượng hơn. Vượt qua hàng rào bảo hộ, tìm thêm thị trường xuất khẩu mới; Thúc đẩy DN khởi nghiệp đi cùng hỗ trợ điều kiện để giảm bớt DN ngừng hoạt động. Chú trọng khai thác các hiệp định FTA để giảm thiểu tác động bất lợi của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…

Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách thể chế, đặc biệt là giảm các giấy phép con, giảm các điều kiện kinh doanh để cắt giảm các chi phí không chính thức về thời gian và tiền bạc đối với DN.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, phải đẩy mạnh việc tái cơ cấu nền kinh tế, cần đầu tư nhiều hơn vào KHCN, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

“Cần đẩy mạnh tiến trình hội nhập, phải thông qua CPTPP, đồng thời thúc đẩy thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, vì đây là 2 thị trường lớn nhất của Việt Nam, ngoài Trung Quốc.

Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8, trên cơ sở phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những yếu tố tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương xác định, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2018.

Trong năm 2019, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới; duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo CHUNG THỦY (VOV)