Muốn về An Giang, ngán ngại đường đi
Về đường bộ, An Giang hiện có 150km quốc lộ; 19 tuyến tỉnh lộ, với tổng chiều dài 530km; trên 4.200km đường giao thông nông thôn. Về đường thủy, tỉnh hiện có 314 tuyến, tổng chiều dài 2.708km. Hiện nay, trên đường bộ, kết cấu, quy mô nhiều tuyến đường huyết mạch chưa đồng bộ, đang xuống cấp, thiếu vốn đầu tư. Đây được xem là điểm nghẽn lớn nhất trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đại biểu Quốc hội Chau Chắc thông tin về Quốc lộ 91 tại nghị trường Quốc hội
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Chau Chắc (Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) nhận định, qua hơn 16 năm xây dựng, đường cao tốc nước ta đã đưa 1.163km vào khai thác, đạt khoảng 18% so với quy hoạch. Đối với vùng ĐBSCL, đường cao tốc chỉ đạt 2,29km/triệu dân, trong khi bình quân chung cả nước đạt 11,42km/triệu dân (20,5% so với cả nước). Đối với mạng lưới đường bộ, chỉ đáp ứng dưới 30% khối lượng vận tải hàng hóa, 80% khối lượng hành khách.
Trong khi đó, số lượng vận tải hành khách và hàng hóa trên năm của vùng chiếm khoảng 20% cả nước. Bình quân khối lượng vận chuyển hàng năm tăng từ 10 đến 15%. Qua số liệu, Quốc lộ 91 đã vượt qua năng lực thông hành xe khoảng 10%/ngày đêm.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 91 ngày 28/4/2023
Trên địa bàn tỉnh An Giang, Quốc lộ 91 có đến 32.176 xe/ngày đêm. Trong khi đó, năng lực thông hành xe theo quy định chỉ 10.000 xe/ngày đêm, vượt quá mức thông hành xe rất cao. Đây là đường giao thông chính của tỉnh, đi từ Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên đến TP. Long Xuyên (91km), được đưa vào sử dụng từ năm 2000, đến nay đã xuống cấp, thường bị ùn tắc, xảy ra tai nạn giao thông và sạt lở.
Trong buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh bày tỏ: “Nhiệm kỳ này, rất mong Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm đề xuất Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương hỗ trợ địa phương nhiều hơn nữa trong lĩnh vực giao thông. Chúng ta cần đường vành đai quanh khu vực tuyến Quốc lộ đi ngang. Nhìn lại thực tế, An Giang chỉ có Quốc lộ 91, nhưng tốc độ lưu thông chỉ mang tính chất “đường đô thị” chứ không phải “đường giao thông”. An Giang cần được “tiếp sức” về nguồn lực, cơ chế, từng bước có những con đường thay thế Quốc lộ 91”.
An Giang thu hút khách phương xa nhờ vào Khu du lịch quốc gia Núi Sam (TP. Châu Đốc), hệ thống Bảy Núi kỳ vĩ, danh lam thắng cảnh hữu tình vùng biên giới. Thế nhưng, không ít du khách ngán ngại đường đến An Giang, bởi tốn quá nhiều thời gian qua phà, đò, lại gặp cảnh đường nhỏ, ùn tắc giao thông. Trên tuyến Quốc lộ 91, nút thắt cổ chai tại thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú) là ví dụ điển hình.
Ông Nguyễn Vân (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) cho biết: “Hễ đến dịp lễ, Tết, vía Bà Chúa xứ núi Sam… khu vực này thường xuyên kẹt xe, có khi phương tiện nối đuôi nhau 2-3km. Tôi đề nghị sớm đầu tư đường tránh, mở rộng quốc lộ để giảm bớt tình trạng trên”.
Tuyến giao thông thủy ở ĐBSCL không thể “chia lửa” cho đường bộ
Tuyến đường thủy của An Giang cũng gặp khó, khi hệ thống, bến bãi tập kết hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu cho hoạt động vận chuyển. Kết nối giữa đường thủy và đường bộ thiếu đồng bộ. Mạng lưới đường bộ địa phương chưa phát triển đồng bộ về số lượng và chất lượng, do bị sông, kênh chia cắt nhiều. Nguy cơ ngập lụt thường xuyên, hoạt động tuyến đường thủy không hiệu quả. Điển hình, luồng sông Hậu đoạn từ sông Vàm Nao đến cảng Bình Long (huyện Châu Phú) cần được nạo vét, nhằm đảm bảo phương tiện tải trọng 3.000 tấn hoạt động ổn định.
Hiện thực hóa những giấc mơ
Từ những bất cập ấy, việc tập trung đầu tư các công trình trọng điểm có tính chất liên kết vùng, nhằm lan tỏa hiệu quả khai thác cho toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh là điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, An Giang đang có lợi thế phát triển từ 3 công trình trọng điểm. Đó là cầu Châu Đốc – N1 (vốn đầu tư 2.131 tỷ đồng), thực hiện đến hết năm 2024. Bộ Giao thông vận tải khảo sát, lập hồ sơ tiền khả thi để thực hiện cầu này và cầu Tân Châu – Hồng Ngự, với số vốn gần 7.000 tỷ đồng.
N1 là đường cấp III đồng bằng, nền đường 12m, mặt đường lưu thông 7m. Đường sẽ là điểm sáng, chia lửa bớt cho Quốc lộ 91. Người dân về An Giang từ miền Đông, TP. Hồ Chí Minh, miền Tây, qua tuyến đường này để đến với Khu du lịch núi Sam, rừng tràm Trà Sư, núi Cấm… thuận lợi hơn. Đường N1 vốn của Trung ương, nhưng được giao quyền quản lý cho UBND tỉnh. Vì thế, trọng trách của tỉnh là đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, hợp đồng ký kết.
Công trình đặc biệt quan trọng kế tiếp là tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, được khởi công ngày 18/12022, kỳ vọng đến tháng 8/2023 thông xe kỹ thuật, đưa vào sử dụng cuối năm 2023. Tỉnh vừa bổ sung quy hoạch thực hiện đường kết nối đi thẳng đến Tỉnh lộ 941 (xã Cần Đăng), tạo đường tránh thị trấn An Châu (huyện Châu Thành). Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành “giấc mơ đường tránh” của lãnh đạo, nhân dân An Giang mấy mươi năm qua.
“Kỳ họp thứ 3 đánh dấu lần đầu tiên tại 1 kỳ họp, Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng. Trong đó, An Giang có liên quan đến dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Đây là dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, An Giang nói riêng” - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh thông tin.
Để góp phần “đưa” dự án trở thành hiện thực, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nỗ lực rất nhiều. ĐBQH Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chia sẻ: “Dự án này hết sức cốt yếu với tỉnh An Giang, giải quyết nhiều vướng mắc hiện hữu. Từ khóa XIV, sang khóa XV, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh cùng lãnh đạo tỉnh kiên trì thuyết phục các bộ, ngành Trung ương đưa dự án từ nội dung quy hoạch “sau năm 2030” lên trước năm 2030, rồi trước năm 2025, cuối cùng là triển khai sớm ngay lập tức. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, khi dự án được đưa ra diễn đàn, ĐBQH tỉnh phát biểu sâu về chủ trương đầu tư dự án, khẳng định tinh thần trách nhiệm cao, sự chuyên nghiệp và đổi mới, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của nhân dân”.
“Ngày xưa, An Giang có công trình lịch sử kênh Thoại Hà, Vĩnh Tế, thì 200 năm sau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng cũng mang dấu ấn đặc biệt, xứng tầm, giúp vận chuyển hàng hóa đường bộ lẫn đường thủy thuận lợi, tạo sự kết nối liên hoàn. Sau khi hoàn thành 2 giai đoạn (năm 2027), đường có vận tốc thiết kế 100km/h, 6 làn xe, nền đường trên 32m. Chính phủ giao 4 tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư, quản lý trực tiếp 4 thành phần dự án (TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dự án rất lớn, kỹ thuật rất cao như thế được giao về cho địa phương quản lý, thay vì Trung ương. Đây là trách nhiệm hết sức nặng nề với cả hệ thống chính trị” – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải An Giang Đỗ Văn Thơm bày tỏ.
An Giang ước mong cao tốc hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Trong công trình lịch sử này, UBND tỉnh An Giang được phân cấp là cơ quan chủ quản của dự án thành phần 1 (chiều dài tuyến 57,2km, điểm đầu tuyến tránh Quốc lộ 91, điểm cuối huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ). Tỉnh đang “chạy đua với thời gian”, đặt quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực hoàn thành các mốc thời gian Trung ương quy định; phấn đấu giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu khởi công trước ngày 30/6/2023 (phần còn lại giao trước ngày 31/12/2023)...
ĐBQH Phan Huỳnh Sơn (Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh An Giang) bày tỏ nhiều cảm xúc khi Quốc hội thông qua các dự án này: Vui mừng, trăn trở, lo lắng... Nhưng tựu trung là niềm tin lớn vào sự thịnh vượng cho địa phương. “Dự án chắp nối cho ước mong của An Giang: Không còn nhận trợ cấp Trung ương, nôm na giống như “hộ nghèo vươn lên”, giảm bớt gánh nặng cho đất nước” – ông Sơn chia sẻ.
An Giang đang chờ đợi dự án cầu Tôn Đức Thắng (kết nối TP. Long Xuyên với xã Mỹ Hòa Hưng) dài gần 2.000m (tổng mức đầu tư dự kiến trên 3.000 tỷ đồng); cầu Tân Châu – Hồng Ngự trên tuyến Quốc lộ N1, bắc qua sông Tiền dài gần 2.600m (dự kiến 6.200 tỷ đồng); cầu Vàm Nao nối huyện Chợ Mới và Phú Tân, dài hơn 2.000m (khoảng 2.800 tỷ đồng); cầu Năng Gù nối liền huyện Châu Phú và Phú Tân, dài 1.400m (khoảng 688 tỷ đồng). Tất cả tâm tư này đều được Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang lần lượt chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương, bằng nhiều cách thức phù hợp
|
GIA KHÁNH (còn tiếp)
Kỳ cuối: Đôi tay cùng vỗ