Lắng nghe, đồng hành và kết nối

Kỳ cuối: Đôi bàn tay cùng vỗ

04/05/2023 - 17:57

 - Mang sứ mệnh đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tỉnh nhà bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang đã nỗ lực hoàn thành trọng trách. Tuy nhiên, “một bàn tay vỗ không kêu”. Vì thế, An Giang muốn phát triển, phải có sự kết nối, đồng hành sâu sát cùng ĐBQH.

Trách nhiệm không của riêng ai

Có thể dẫn chứng bằng dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). “Ngay sau khi dự án được thông qua, tỉnh An Giang đã có động thái cam kết triển khai dự án qua địa bàn. Bí thư Tỉnh ủy giữ vai trò Trưởng Ban chỉ đạo; tỉnh cam kết với Chính phủ nâng mức khai thác cát sông đáp ứng cho cả dự án này lẫn dự án khác của ĐBSCL” – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho biết.

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang phản hồi ý kiến băn khoăn của cử tri tại các kỳ tiếp xúc

Đồng thời, HĐND tỉnh An Giang ban hành nghị quyết phân bổ kinh phí 1.380 tỷ đồng (từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý) để tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án. Cụ thể, bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng chung. Phần còn lại giảm từ phần vốn ngân sách tỉnh đối ứng thực hiện dự án xây dựng hệ thống hồ trữ nước  ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (230 tỷ đồng); giảm từ phần vốn ngân sách tỉnh bố trí thực hiện dự án Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt tỉnh An Giang (150 tỷ đồng). Tiến độ bố trí vốn năm 2022 là 380 tỷ đồng; năm 2023 là 1.000 tỷ đồng. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư (so với quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt), tỉnh An Giang sẽ bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng từ nguồn ngân sách địa phương.

“An Giang xác định rõ trách nhiệm cùng Chính phủ, bộ ngành Trung ương tham gia triển khai dự án mang tầm quốc gia. Là tỉnh được thụ hưởng dự án, không có lý gì, chúng tôi không huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành trong tỉnh. Tỉnh chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố có đường cao tốc đi qua, phải cam kết nâng cao trách nhiệm; giữ nguyên hiện trạng phục vụ công tác giải tỏa, đền bù. Với kinh nghiệm thực hiện các dự án trước đó, rất mong Trung ương đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các địa phương (chủ dự án thành phần) hoàn thành nhiệm vụ được giao” – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trần Thị Thanh Hương khẳng định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong động viên cử tri cùng đồng hành với địa phương   

Cuối tháng 4/2023, nhân dịp tiếp xúc cử tri An Giang trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Đôn Tuấn Phong (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) nhắc lại trách nhiệm và tâm huyết đối với dự án này. Ông nhắn nhủ: “Quá trình thực hiện dự án, phần khó nhất là bố trí ngân sách, thì chúng ta đã tranh thủ được, chỉ cần xốc vác triển khai. An Giang cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, triển khai kịp tiến độ đề ra. Mong rằng, cử tri và nhân dân tỉnh nhà ủng hộ, phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng. Tuyến cao tốc triển khai sớm ngày nào, tốt cho An Giang ngày ấy”.

Tạo chất mới trên nền cũ

Lần tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri An Giang vẫn trăn trở về giao thông, nông nghiệp, những khó khăn đặc thù chưa thể thoát ra khỏi của ĐBSCL. Do đó, họ vẫn tiếp tục thông qua ĐBQH gửi gắm kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương, mong đợi những quyết sách hữu hiệu, đột phá, phù hợp với vùng.

Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri tại huyện Thoại Sơn

Suốt 15 năm nay, tỷ trọng công nghiệp của An Giang không vượt qua được con số 15%, hiện lại đang chiều hướng giảm xuống. “Phi nông bất ổn, phi công bất phú”, công nghiệp mới giúp tỉnh phát triển nhanh, thay vì chỉ dựa vào nông nghiệp, dịch vụ. Tỉnh chưa tăng trưởng nhanh, chưa giàu nhanh là do chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Nông dân An Giang cần năng động, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp để làm chủ nông sản

“Dẫu biết rằng, sứ mệnh của An Giang là đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, là sản xuất nông nghiệp. Nhưng rõ ràng chúng ta chưa tìm được con đường để tăng trưởng công nghiệp nhanh hơn, hiệu quả hơn. Từng lĩnh vực chưa được nâng chất nhiều, chưa tạo được chất mới trên nền tảng cũ. Qua những giai đoạn khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, lúc nào nông nghiệp cũng là trụ đỡ nền kinh tế.

 Trong “cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ nhất”, An Giang xóa bỏ đói nghèo, vươn lên giải phóng sức sản xuất, đưa nông nghiệp An Giang trở thành tỉnh đứng nhất nhì cả nước về xuất khẩu gạo. Với điều kiện hiện nay, chúng ta làm “cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ hai”, chuyển giá trị sản xuất nông nghiệp theo kịp yêu cầu của thị trường, nâng đời sống vật chất tinh thần của nông dân lên tương xứng nhiều hơn với công sức họ đóng góp cho đất nước” – Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân (ĐBQH tỉnh An Giang) nhận định.

Bà Võ Thị Ánh Xuân gợi mở trách nhiệm của chính quyền địa phương, của nông dân là thay đổi tư duy, vươn lên làm chủ hạt gạo của mình, quyết định giá cả để bán, thay vì lệ thuộc thị trường. Cùng với đó là thay đổi cách ứng xử, giữ chữ tín trong liên kết sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng “đường hai chiều”

Đó là chiều kiến nghị từ cơ sở đến Trung ương, và ngược lại. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cùng các vị ĐBQH là cầu nối hữu hiệu, hỗ trợ rất nhiều cho địa phương. Theo thông lệ, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh có buổi làm việc cùng lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành, để lắng nghe đề xuất, kiến nghị của tỉnh gửi đến Trung ương. Nhiều vấn đề được Trung ương phản hồi trước kỳ họp kế tiếp của Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh tháo gỡ băn khoăn, vướng mắc.

Các vị đại biểu Quốc hội vận động nguồn kinh phí chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang

Song song đó, Đoàn ĐBQH và từng vị ĐBQH ghi nhận ý kiến của cử tr, “đại cử tri” là lãnh đạo cấp tỉnh. Trên từng góc độ công việc, ĐBQH sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, MTTQ… tại các diễn đàn phù hợp, tạo thành sức mạnh chung, đem lại chính sách mới. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, ĐBQH và lãnh đạo tỉnh mong giảm đi băn khoăn, trăn trở, kiến nghị; tăng thêm sáng kiến, sáng tạo, hiến kế cho sự phát triển của đất nước, địa phương.

Đoàn đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến đề xuất của lãnh đạo UBND tỉnh

Theo bà Trần Thị Thanh Hương, tại mỗi kỳ họp Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển tải gần hàng chục lượt ý kiến đến nghị trường Quốc hội, nỗ lực hoàn thành trọng trách với tỉnh và bà con cử tri. Tại kỳ họp sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục chuyển tải đề xuất, kiến nghị tổng hợp được sau đợt tiếp xúc cử tri và gặp gỡ lãnh đạo tỉnh.

“Tuy nhiên, để quá trình chuyển tải ý kiến đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành được hiệu quả hơn, rất mong tỉnh đồng hành với ĐBQH trong suốt kỳ họp, kịp thời cung cấp thông tin, số liệu, vấn đề cụ thể; tăng cường cơ chế phối hợp tốt hơn giữa các bên, cùng hướng đến sự phát triển của tỉnh. Mặt khác, rất nhiều nội dung được bàn luận, trao đổi, quyết định tại kỳ họp, cần được cử tri và nhân dân tỉnh nhà theo dõi; thông tin rộng rãi trên phương tiện truyền thông, lan tỏa sâu rộng đến mọi cán bộ, đảng viên” – bà Trần Thị Thanh Hương đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ viếng Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (TP. Long Xuyên, An Giang)

“An Giang là tỉnh có truyền thống cung cấp nhiều sáng kiến, mô hình mới cho Trung ương trong các lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tôi mong, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng kiên cường - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - đoàn kết “nhất hô bá ứng, tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Từ đó, hóa giải khó khăn, tiến tới thắng lợi hơn nữa” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi gắm, nhân chuyến công tác tại An Giang trước thềm năm mới 2023

 

GIA KHÁNH