Lắng nghe, đồng hành và kết nối

Kỳ 2: Cùng giải bài toán nông nghiệp

02/05/2023 - 13:35

 - Là tỉnh dân số đông thứ 8 cả nước, thứ 1 ĐBSCL, với thế mạnh nông nghiệp, An Giang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của vùng và đất nước. Tỉnh đang nỗ lực thực hiện tốt sứ mệnh phát triển kinh tế nông nghiệp, tiên phong thực hiện cuộc cách mạng lần thứ hai trong nông nghiệp, nông thôn. Thế nhưng, rất nhiều rào cản khách quan lẫn chủ quan đang làm chậm tiến trình này.

“Đừng để nông dân thua trên sân nhà”

 “Khi trở thành ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tôi đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu khó khăn, vướng mắc trong mọi mặt đời sống của tỉnh. Khi được cử tri bầu, chính thức trở thành ĐBQH, tôi cảm thấy rất vinh dự, nhưng đi kèm đó là trách nhiệm nặng nề. Tôi chọn các vấn đề bản thân đặc biệt quan tâm, đang là trọng điểm của tỉnh, như: Nông nghiệp, giao thông, du lịch, văn hóa…, quyết tâm cùng Đoàn ĐBQH hỗ trợ, góp sức đưa An Giang cất cánh trong thời kỳ mới” – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh nêu thực trạng nông nghiệp tại ĐBSCL

Mang tiếng nói của ĐBSCL đến với Trung ương, ĐBQH Trình Lam Sinh bày tỏ, thời gian gần đây, ĐBSCL được Chính phủ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, là điều kiện tạo đà phát triển, nhất là khâu lưu thông hàng hóa nông nghiệp, giúp người dân nâng cao đời sống. Rõ ràng, nông nghiệp vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức, như: Công tác lai tạo giống chất lượng, hiệu quả, mang lại thương hiệu cho Việt Nam còn khiêm tốn; khâu chế biến và tiêu thụ hàng hóa chưa thu hút nhà đầu tư lĩnh vực nông nghiệp (còn nhiều rủi ro, tính cạnh tranh các nước trong khu vực và thế giới thấp, chất lượng sản phẩm thấp, một số doanh nghiệp làm ăn chưa tốt…).

An Giang có lợi thế về nông nghiệp, nhưng chưa phát huy hết tiềm năng

Gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp luôn là nội dung được cử tri An Giang quan tâm nhiều nhất. Bà Trần Thị Yến Châu (ngụ huyện Chợ Mới) băn khoăn: “80% người dân huyện sống bằng nghề nông. Dịch bệnh khiến sản phẩm làm ra của nông dân bấp bênh, thị trường tiêu thụ ách tắc. Giá phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi… tăng “phi mã”, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nông dân. Tính ra, nông dân ĐBSCL chịu nhiều thiệt thòi. Đề nghị Trung ương sớm có giải pháp tháo gỡ vấn đề này; ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL; tập trung đầu tư cho ĐBSCL một cách đúng mức; có quy chuẩn, hành lang pháp lý, biện pháp chế tài đối với doanh nghiệp làm ăn gian dối; chính sách hỗ trợ đầu tư cho người làm khoa học cơ bản, góp phần phát triển nông nghiệp”.

Cử tri tỉnh An Giang luôn đau đáu vấn đề khó khăn trong sản xuất nông nghiệp

Tương tự, ông Phó Văn Nghệ (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) cảm khái: “Chúng tôi là những người trồng lúa 1 năm 3 vụ. Lúc trước, chi phí phân bón chỉ 1,4 triệu đồng/công tầm cắt, bán giá lúa trên 6.000 đồng/kg. Giờ, mỗi công đầu tư 2 triệu đồng tiền phân bón, còn giá lúa cứ đứng chựng hoặc hạ thấp. Không phải chúng tôi kêu ca vì muốn được phần mình, mà cho phần đông nông dân đang “chết đứng”. Hoặc nhà nước cần tiếp tục khuyến khích nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp, vì hiện nay chưa ai mặn mà”.

Giá vật tư nông nghiệp leo thang khiến lợi nhuận của nông dân càng giảm xuống

Tham dự buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành) nêu ý kiến: “Trong “liên kết 4 nhà”, dường như nông dân là “nhà thiệt thòi nhất”, bị phụ thuộc vào 3 nhà còn lại. Nông dân chỉ biết lao động, ăn may khi được giá, còn lại thua ngay trên sân nhà. Phải làm sao để nông dân sản xuất có lợi nhuận tối thiểu 30% như Trung ương từng đưa ra? Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ tìm giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này”.

Gỡ khó từ tư duy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, ĐBQH tỉnh An Giang, bày tỏ: “Rõ ràng, người trồng lúa đang gặp rất nhiều thiệt thòi, chúng tôi nhận thấy nên đã và đang kiến nghị Trung ương để có chính sách phù hợp. Trong đó, hướng đến chính sách cụ thể như bảo hiểm cho người trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia”.

Ông Lương Quốc Đoàn dành thời gian phân tích những vướng mắc mà bà con đang gặp phải, nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan: Sản xuất nông sản tràn lan, không theo quy hoạch, quy chuẩn chất lượng; chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch và phụ thuộc vào 1 thị trường lớn; chưa định được thị trường cung cầu thực chất; vì sao giá phân bón tăng... Ông khuyên nông dân tích cực tham gia hợp tác xã, để hợp tác xã đứng ra kết nối với doanh nghiệp, tránh tình trạng nông dân và doanh nghiệp “bẻ kèo”, do chưa đủ niềm tin với nhau; hướng đến xây dựng nguồn nguyên liệu nông sản, trong đó An Giang – Đồng Tháp là 2 tỉnh đầu mối.

“Tư duy “tăng 1 chút phân bón, 1 chút thuốc bảo vệ thực vật” gây lãng phí rất lớn. Nếu giảm bớt hoạt động này, tương đương với việc tiết kiệm 35-40% chi phí bỏ ra cho phân bón. Do đó, tất cả cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc, tuyên truyền vận động nông dân bỏ thói quen không tốt này. Thay vì bỏ tiền ra mua phân bón, bà con nên tích cực sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất phân bón hữu cơ một cách đơn giản. Có như thế, chúng ta sẽ giải quyết được bài toán giảm giá đầu vào cho nông nghiệp, tăng chất lượng sản phẩm đầu ra” – ông Đoàn chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương phát biểu về nông nghiệp trước diễn đàn Quốc hội

Thường xuyên nêu ý kiến trước diễn đàn Quốc hội khóa XV, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trần Thị Thanh Hương cho biết, ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước. Mặc dù lúa, gạo không còn độc tôn như trước đây, nhưng vẫn giữ vai trò chiến lược trong đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng nông nghiệp, là sinh kế của hàng triệu nông dân.

“Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế, sự phát triển của vùng ĐBSCL vẫn chưa tương xứng, còn đó những điểm nghẽn. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành khẩn trương xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách ưu tiên có tính chất đặc thù cho ĐBSCL, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho vùng thông qua hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cung cấp thông tin, dự báo thị trường, giúp nông dân kịp thời điều chỉnh sản xuất phù hợp…” – bà Trần Thị Thanh Hương đề xuất.

Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân thăm hỏi tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân huyện Châu Thành

Rất nhiều lần, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang ghi nhận, có kiến nghị phù hợp trong diễn đàn Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cùng góp sức để phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương, nơi có mấy trăm ngàn ha đất nông nghiệp màu mỡ. Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân (ĐBQH tỉnh An Giang) chia sẻ: “Trong giai đoạn dịch bệnh, nếu không có nền nông nghiệp ổn định, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm cho nhân dân, chúng ta sẽ không biết dựa vào đâu, khi tất cả đều ngưng trệ. Thế mạnh đó cần được phát huy, theo hướng tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo đời sống người dân, vừa đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. An Giang cần có chiến lược phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới, mời chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học... ngồi lại tính bài toán sản xuất mấy vụ, sản xuất giống cây gì, liên kết thế nào, bao tiêu ra sao. Để giảm giá thành đầu vào, ngoài nỗ lực của nhà nước, còn phụ thuộc kỹ thuật, phương pháp canh tác, tiết kiệm của nông dân…”.

An Giang cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới

Theo gợi mở của các vị ĐBQH, là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, An Giang cần xây dựng chiến lược để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới (khủng hoảng trên thế giới ảnh hưởng an ninh lương thực toàn cầu). Nắm bắt cơ hội, An Giang có thể đóng góp trách nhiệm cho thế giới, vừa khắc phục khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, vừa nâng cao đời sống cho nông dân. Trong chiến lược thu hút đầu tư, An Giang còn nhiều dư địa, có quyền chọn nhà đầu tư khi hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL trở nên tốt hơn.

“An ninh lương thực quan trọng lắm. Nhiều nơi trên thế giới đang liêu xiêu về vấn đề này. Trong khi đó, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, An Giang lại gần như là vựa lúa lớn nhất của ĐBSCL, cung ứng xấp xỉ 4 triệu tấn/năm. Ngày xưa, nghe 2 triệu tấn lúa của An Giang đã thấy khủng khiếp rồi, huống chi 4 triệu! Hiện nay, giữ 3,8 triệu ha lúa là chiến lược lâu dài của Việt Nam. An Giang cũng phải quan tâm thực hiện tốt vấn đề này” – Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Vương Đình Huệ bày tỏ, khi đến thăm An Giang đầu tháng 1/2023

 

GIA KHÁNH (còn tiếp)

Kỳ 3: Tháo điểm nghẽn giao thông