Lắng nghe, đồng hành và kết nối

Kỳ 1: Lời hứa ở “hội nghị Diên Hồng” năm cũ

01/05/2023 - 17:00

 - Lời tòa soạn: Loạt bài viết này như một thước phim ngắn, nhìn lại hành trình của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh An Giang trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Qua đó, thể hiện những trăn trở, hành động của Đoàn ĐBQH và từng vị ĐBQH đối với vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng.

Nhắc đến An Giang, là nhắc đến quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (họp từ ngày 24/6 đến 3/7/1976 tại Hà Nội) đã bầu ông Tôn Ðức Thắng làm Chủ tịch nước. Khi ấy, cảm xúc của người dân miền sông nước An Giang như vỡ òa. Vinh dự, tự hào vô cùng, chẳng thể nào phôi phai...

Như lời Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang khẳng định, An Giang là vùng “địa linh - nhân kiệt”, với nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng. Nằm ở vị trí địa đầu biên giới Tây Nam Tổ quốc, có đường biên giới gần 100km tiếp giáp Vương quốc Campuchia, An Giang giữ vai trò trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, vùng đất và con người An Giang đã không ngừng bồi đắp để làm phong phú thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, miệt mài sáng tạo những thành quả mới để khẳng định vị thế trên bản đồ của đất nước. 

Hoạt động gặp gỡ lãnh đạo UBND tỉnh trước kỳ họp Quốc hội được Đoàn đại biểu Quốc hội An Giang thực hiện thường xuyên

Trong sự tự hào, nỗ lực phát triển của tỉnh An Giang, có sự đóng góp to lớn của Đoàn ĐBQH tỉnh và từng vị ĐBQH qua các thời kỳ. Chỉ riêng nhiệm kỳ XIV, rất nhiều thành quả các vị ĐBQH góp sức mang về cho tỉnh nhà. Thành công nhất trong nhiệm kỳ qua là việc Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong tỉnh để triển khai thực hiện hiệu quả các vấn đề đã đồng thuận và thường xuyên phối hợp hoàn thiện các vấn đề phát sinh.

Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên đang dần hoàn thành, trong đó có sự đóng góp rất lớn của đại biểu Quốc hội tỉnh

Chính phủ đồng ý triển khai dự án tuyến tránh Quốc lộ 91 và tuyến tránh qua TP. Long Xuyên, với tổng giá trị đầu tư trên 2.000 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý triển khai dự án nâng cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao; dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất giống tập trung và dự án phòng chống sạt lở bờ sông. Bộ Giao thông vận tải đồng ý tháo gỡ vướng mắc trong triển khai dự án cầu Châu Đốc… Đặc biệt, Đoàn ĐBQH và từng vị ĐBQH hầu hết đã lồng ghép các tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cử tri An Giang để phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành.

“Chúng tôi trân trọng ghi nhận những hỗ trợ của Đoàn ĐBQH tỉnh. Cá nhân tôi đúc kết lại mọi điều trong 8 chữ: “Đoàn kết, tình cảm, trách nhiệm, hiệu quả”. Các vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH đã luôn dành trọn tình cảm cho tỉnh, giúp tỉnh gặt hái nhiều thành công lớn về giao thông, nông nghiệp, giáo dục…” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước bày tỏ tại buổi gặp gỡ Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang khóa XIV vào năm 2021, lần gặp gỡ sau cùng của nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Nguyễn Văn Xê (ĐBQH khóa VII) làm hẳn 2 bài thơ gửi tặng các vị ĐBQH đương nhiệm khóa XIV, trong đó có đoạn: “Có được thành quả ấy/ Cũng nhờ Quốc hội ta/ Đoàn Quốc hội An Giang/ Trải qua nhiều giai đoạn/ Nghiên cứu và áp dụng/ Quyết đưa quê hương mình/ Tăng trưởng mạnh dân sinh/ Nâng cao nhanh dân trí”.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang khóa XIV bày tỏ ý kiến trước khi kết thúc nhiệm kỳ

Buổi họp mặt cuối nhiệm kỳ 2016-2021 như một “Hội nghị Diên Hồng”, chất chứa bao lời khuyên, đề xuất, gửi gắm của người đi trước; là dịp để Đoàn ĐBQH tỉnh nhìn lại những điều chưa làm tròn, còn thiếu sót đối với cử tri. ĐBQH Đôn Tuấn Phong (khi ấy là Ủy viên Thường trực, nay là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) bày tỏ: “Còn nhiều điều chúng tôi muốn đồng hành cùng An Giang. Do vậy, tôi mong mình sẽ tái cử nhiệm kỳ mới ở tinh, tham gia một phần trong nhiệm vụ chung, giúp An Giang bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, không còn “đi trước về sau” nữa”.

“Đi trước” là bởi, thời kỳ đổi mới (1986), An Giang nổi lên như điển hình của việc phá rào cản cũ, đề ra chính sách, chủ trương đột phá bắt đầu từ kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, ngay từ năm 1990, An Giang đã có chủ trương hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn cho nông dân; từ năm 1992, hình thành định chế khuyến nông và tự do hóa thương mại. An Giang cũng là tỉnh thành lập chương trình phát triển nông thôn sớm nhất trong cả nước. Từ các chủ trương đột phá, An Giang tháo gỡ được mọi trở lực, giải phóng lực lượng sản xuất, giúp nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển nhanh.

“Về sau”, như đánh giá của nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Hữu Khánh: “Trong phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, còn khá bề bộn công việc. Về hạ tầng, Chính phủ đang đầu tư nhiều về cho ĐBSCL lẫn An Giang, nhưng chỉ mới dừng ở mức cơ bản. An Giang là tỉnh duy nhất chưa có đường tránh đưa vào hoạt động. Vẫn phải “lụy đò”, vẫn còn cách trở những con sông. Về giáo dục, nơi đây vẫn chưa phát triển bằng cả nước, cần được quan tâm nhiều hơn”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Lê Văn Nưng tặng hoa cho các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV

Tiếp thu các ý kiến đóng góp trong “Hội nghị Diên Hồng”, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh và từng vị ĐBQH, bà Võ Thị Ánh Xuân (Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, nay là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) khẳng định: “Chúng tôi hứa sẽ phát huy hết trách nhiệm, tổ chức thành công đợt bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đảm bảo chất lượng nhân sự. Đoàn ĐBQH sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của cử tri. Hoạt động của từng vị ĐBQH và Đoàn ĐBQH đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước; tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri, đưa tiếng nói của cử tri An Giang đến nghị trường Quốc hội, trở thành quyết sách chung”.

Hoạt động của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh các khóa góp phần phát triển quê hương An Giang

Trước khi Quốc hội tổng kết nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV đã có phần kiến nghị, đề xuất dài 3 trang A4, liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động trong giai đoạn mới. Đồng thời, kiến nghị đến Chính phủ 4 vấn đề lớn: Triển khai nhanh việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của vùng trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản phẩm chủ lực; tập trung và ưu tiên tổ chức thực hiện cho ĐBSCL hình thành các tiểu vùng sinh thái, phát triển hệ thống đô thị, phát triển giao thông đồng bộ, hiện đại… Những kiến nghị, đề xuất ấy là lời hứa với cử tri, vẫn đang được Đoàn ĐBQH tỉnh khóa sau kiên trì theo đuổi…

GIA KHÁNH (còn tiếp)

Kỳ 2: Cùng giải bài toán nông nghiệp