Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Quốc hội chốt quy định cấm lái xe có nồng độ cồn

27/06/2024 - 14:30

Sáng 27/6, với 388/450 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm 79,84% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chú thích ảnh

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1//1/2025, trừ quy định tại khoản 2 Điều 88 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội biểu quyết khoản 2 Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có 357/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 73,46% tổng số đại biểu Quốc hội).

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, giữ nguyên số chương và số điều; đã lược bỏ Điều 2 về đối tượng áp dụng và tách Điều 38 thành 2 điều; tiếp thu, chỉnh lý nội dung và kỹ thuật của 87 điều, giữ nguyên nội dung của 1 điều.

Về những quy định chung, theo ông Lê Tấn Tới, các đại biểu Quốc hội đã góp ý về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi bị nghiêm cấm... Các nội dung góp ý đều được giải trình, tiếp thu trong dự thảo Báo cáo đầy đủ.

Về chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo trao đổi với Chính phủ để thống nhất chỉnh sửa quy định này tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Theo ông Lê Tấn Tới, liên quan đến quy định về cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào khoản 5 Điều 87 giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác…

Về quy tắc giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý về quy tắc chung và các quy tắc cụ thể đã được thể hiện trong dự thảo Báo cáo đầy đủ. Đối với nội dung về tuần tra kiểm soát; chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, các đại biểu Quốc hội đã tham gia ý kiến cụ thể đối với quy định về di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ; Trung tâm chỉ huy giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với trường hợp sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác; trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ; thống kê tai nạn giao thông đường bộ và Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ…

“Các ý kiến trên đã được giải trình, tiếp thu toàn diện trong dự thảo Báo cáo đầy đủ”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ.

Về quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Điều khoản thi hành, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung khoản 4 Điều 88 quy định: “Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành” và bổ sung quy định chuyển tiếp về nội dung này tại khoản 7 Điều 89 dự thảo Luật.

Ngoài các nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa về kỹ thuật văn bản của dự thảo Luật cho phù hợp.

Theo TTXVN