Kỳ lạ phương pháp chữa bệnh bằng... thổi hơi

06/11/2018 - 06:48

 - Theo phản ánh của bạn đọc, chúng tôi tìm đến nhà “thầy Năm thổi” (Nguyễn Văn D., xã Khánh Bình, An Phú), người được cho rằng “có thể trị bá bệnh” bằng phương pháp và bài thuốc độc quyền. Mỗi ngày, rất đông bệnh nhân kéo đến nhà ông, chờ đợi được “thổi” bệnh và cho thuốc.

Đối diện trụ sở UBND xã Khánh Bình vài trăm mét là căn nhà của “thầy Năm”, không có bảng hiệu hay chỉ dẫn gì để nhận biết đó là cơ sở chữa bệnh. Muốn tìm nhà “thầy” chính xác phải hỏi người dân địa phương. Hai phụ nữ đang ngồi mài nang mực trong khay inox, tạo thành dung dịch sềnh sệch màu hồng. Họ cho biết: “Buổi sáng thầy đi công việc, muốn chữa bệnh phải tới sau 12 giờ 30 phút hoặc 13 giờ hàng ngày”. Trong vai người mắc bệnh xương khớp, chúng tôi được họ khuyên: “Tốt nhất nên ở lại đây để điều trị lâu dài, nhẹ thì 10 ngày, nặng thì vài tháng, cả năm. Nếu nhà gần, mỗi ngày đến trị liên tục. Thầy có người “dựa” nên trị hay lắm, bệnh nào cũng hết, từ xương khớp, ung thư, tai biến liệt cả người... Thuốc này là nang mực mài với nhiều loại thuốc Bắc (son tàu, châu thần), băng phiến long não... Tụi tui ở gần đây, lúc rảnh là ghé lại tiếp thầy mài thuốc làm phước”.

Theo lời họ, căn nhà “thầy Năm” rất rộng rãi, có thể ở lại thoải mái trong quá trình điều trị bệnh. Gian nhà trước có hơn 10 bệnh nhân đang giăng võng nằm nghỉ. Gian phía sau cũng thế, người nằm võng, nằm trong mùng chụp hoặc trên ghế xếp. Đa phần từ tỉnh khác (Huế, Sóc Trăng, Tây Ninh…) đến ở đây nhiều tuần rồi. Ban ngày, họ quét nước thuốc màu hồng lên những vị trí đau trên cơ thể, đợi chiều tối “thầy Năm” sẽ “thổi” sau. “Thầy trị bệnh hiệu quả lắm. Ông này bị xuất huyết não, nằm liệt giường, lúc người nhà đưa lại không biết gì hết, mà giờ có thể cử động được rồi. Bà kia bị ung thư, bác sĩ “chạy”, tưởng chết, ai dè vào đây thầy trị khỏe lại. Chồng tôi đến nhờ thầy trị cho dứt khối u ở ngực. Ở lại nhiều ngày nên tôi theo chăm sóc. Thấy bệnh của chồng có chuyển biến, tôi nhờ thầy điều trị bệnh khớp cho mình luôn” - một bệnh nhân ở Tây Ninh kể lại. Về chuyện ăn uống, họ cho biết, có thể cùng nấu cơm ăn, hoặc mua đồ ăn riêng. “Thầy” không lấy chi phí chữa bệnh hay phí lưu trú gì cả. Khi nào hết bệnh, “thầy” cho về thì bệnh nhân gửi tiếp tiền thuốc cho “thầy”, hoặc mua gạo để lại, tùy khả năng. Đặc biệt, nếu muốn trị bệnh, cứ trực tiếp đến hoặc đưa người bệnh đến gặp, “thầy” sẽ trị luôn, chứ không tư vấn cho người nhà. “Từ lúc tôi tới đây, có mấy người được thầy cho về, khỏe re luôn. Bởi vậy, tôi yên tâm điều trị” - họ khẳng định.

“Thầy” điều trị bằng cách thổi hơi vào chỗ đau (ảnh cắt từ clip)

Khoảng 12 giờ 30 phút, nhiều người đến chờ chật cả nhà trước. “Thầy Năm” cởi trần, mặc quần ngắn, dụi điếu thuốc hút dở rồi ra ngồi giữa đám đông. Có người nhắc chúng tôi “mua chai nước suối (loại 1,5 lít), đưa thầy làm phép, về uống khỏe lắm”. Chúng tôi làm theo lời, mua chai nước giá 5.000 đồng (bán trong nhà). Một phụ nữ ngồi cạnh “thầy” đổ nước trong chai ra ca nhựa, đưa cho “thầy”. “Thầy” thổi mấy hơi vào ca nước, người phụ nữ đem nước đổ ngược vào chai, cho người bệnh đem về. Sau đó, “thầy” bắt đầu quá trình chữa bệnh. Nam phụ lão ấu cứ ngồi xung quanh, đến lượt ai thì người đó tự động đến gần, chỉ chỗ đau để “thầy” thổi vào. Đau bụng thì vén áo, đưa bụng ra để “thầy” thổi vào bụng. Đau đầu thì thổi vào đỉnh đầu, mắt. Đau họng thì thổi vào miệng… Thậm chí, những vị trí nhạy cảm cũng được “thổi” tương tự. Người nào lớn tuổi, bệnh nặng thì được “thầy” dùng cọ, phết dung dịch sềnh sệch màu hồng vào các vị trí đau (đau răng thì thổi ống thuốc vào răng).

Suốt quá trình điều trị, “thầy” hầu như không hỏi tên tuổi, bệnh trạng của bất cứ ai, chỉ do họ tự cho biết. Quá trình “chữa bệnh” rất nhanh, mỗi người… vài ba giây, tương đương với 2-3 hơi thổi của “thầy”. Điều này đúng với lời các bệnh nhân lưu trú tại nhà “thầy” cho biết: có người ở lại cả tháng trời, “thầy” không hỏi họ ở đâu, tên gì, bệnh gì, điều trị ở đâu chưa… Tóm lại, ai muốn chữa bệnh, cứ chỉ vị trí đau bệnh, “thầy” sẽ thổi vài hơi, cho thuốc xức lên, chừng nào khỏe thì thôi. Theo lời của người phụ giúp “thầy” khám bệnh: “Cũng có trường hợp không “hạp” với thầy, điều trị hoài không bớt. Lúc đó, họ đi tìm nơi khác điều trị”.

Liên hệ với lãnh đạo UBND xã, phóng viên được thông tin: ông “Năm thổi” không có giấy phép khám, chữa bệnh hay đủ điều kiện hành nghề y. Dù địa phương, ngành chức năng nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu ngừng hoạt động, nhưng ông không chấp hành. “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong xã không nên đến khám, chữa bệnh ở đây. Được biết, hiện nay người đến khám bệnh đa phần từ tỉnh khác đến. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt vụ việc này” - đại diện UBND xã khẳng định. Bên cạnh đó, từ thông tin phóng viên cung cấp, Hội Đông y tỉnh và Hội Đông y huyện, xã đã đến nắm tình hình, khi có hướng xử lý sẽ phản hồi cụ thể cho Báo An Giang. Tuy nhiên, hội xác định “thầy Năm” không phải là hội viên Hội Đông y.

Tâm lý phổ biến của người dân là “có bệnh thì vái tứ phương”, “phước chủ may thầy”, nhất là đối với người mắc bệnh nặng, đã chữa trị nhiều nơi nhưng chưa khỏi. Bệnh của họ có thể sẽ chuyển biến tốt nếu tin tưởng vào quá trình điều trị, tay nghề thầy thuốc, cộng với tinh thần lạc quan. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc thật kỹ trước khi tìm đến những nơi khám, chữa bệnh bằng phương pháp và bài thuốc kỳ lạ, tránh “tiền mất tật mang” hoặc chữa trị nhằm người không đủ điều kiện hành nghề y.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

 

Liên kết hữu ích