Kỳ vọng GIC

29/05/2023 - 06:20

 - Thông qua dự án “Các Trung tâm đổi mới Sáng tạo Xanh”(GIC), nông dân, thành viên hợp tác xã (HTX) trong tỉnh được tiếp cận với loại hình canh tác tiến bộ, hiệu quả; tập huấn nâng cao năng lực quản trị, định hướng kinh doanh, tính toán và quyết định sản xuất dựa trên tín hiệu thị trường, hợp đồng tiêu thụ nông sản… Từ đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân.

Dự án GIC do chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), triển khai giai đoạn 2021 - 2025, tại 6 tỉnh ĐBSCL, trong đó có An Giang (4 hợp phần). Mục tiêu nhằm thúc đẩy việc giới thiệu, nhân rộng mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo qua 2 ngành hàng chính (lúa gạo, xoài). Dự án được triển khai tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Phú Tân (đối với lúa gạo, lúa nếp); Tri Tôn (đối với lúa gạo và xoài); An Phú, Chợ Mới (đối với xoài).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Dự án GIC An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, năm 2022, dự án ghi nhận một số đổi mới sáng tạo rõ nét của nông dân thông qua 4 gói hỗ trợ. Trong đó, gói hỗ trợ kỹ thuật “Lớp học kinh doanh cho nông dân” giúp nông dân phát triển tư duy kinh doanh nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Gói hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực kinh doanh cho các hợp tác xã lúa gạo” hỗ trợ 17 HTX nâng cao năng lực quản trị, định hướng kinh doanh, liên kết tiêu thụ và quản lý tài chính. Từ đó, giúp các đơn vị tăng tính cạnh tranh, lợi nhuận khi tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo.

Tham quan dự án GIC tại huyện Thoại Sơn

Ngoài ra, gói hỗ trợ “Huấn luyện nông dân, xây dựng mô hình và các hỗ trợ khác về sản xuất lúa” trang bị đầy đủ kiến thức về tiêu chuẩn sản xuất bền vững SRP; IPM, công nghệ sinh thái; kiến thức về quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… cho 420 nông dân huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Thành và Phú Tân.

Gói hỗ trợ “Nâng cao chuỗi giá trị xoài”, nông dân huyện An Phú, Chợ Mới và TP. Long Xuyên được tập huấn, trang bị kiến thức quản lý nước, dinh dưỡng và bệnh thán thư trên xoài. Đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả của quá trình canh tác. Đặc biệt, gói hỗ trợ còn tạo điều kiện cho HTX tìm hiểu về chuỗi giá trị xoài; cách tìm hiểu, đánh giá nhu cầu thị trường; hoạch định kế hoạch sản xuất, định vị đối tượng tiêu thụ…

Ông Trương Kiến Thọ cho biết thêm, dự án GIC còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khác, như: Phối hợp Văn phòng GIZ và Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - AGROINFO thực hiện nghiên cứu “Khảo sát ban đầu cho dự án Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh tại Việt Nam” trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn 3 HTX lúa gạo viết đề xuất ý tưởng đổi mới, sáng tạo, thông qua hình thức hợp tác công tư.

Từ những kết quả trên, năm 2023, GIC tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ để phát triển 2 ngành hàng chính của tỉnh; thúc đẩy giới thiệu, nhân rộng mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo thông qua nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhau, trong bối cảnh phát triển khoa học - công nghệ, sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và biến đổi khí hậu hiện nay. Đồng thời, góp phần vào sự phát triển nông thôn bền vững tại tỉnh An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.

Theo đó, dự án chú trọng tập huấn lớp học kinh doanh cho nông dân; hỗ trợ nâng cao năng lực cho HTX lúa gạo; huấn luyện nông dân xây dựng mô hình, các hỗ trợ khác về lúa. Đồng thời, tập huấn kỹ thuật trồng xoài theo hướng an toàn, ứng dụng biện pháp sinh học, quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bố trí hệ thống tưới hiện đại; ghi chép nhật ký sản xuất…

Với việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho nông dân, HTX nông nghiệp, ngành nông nghiệp kỳ vọng nông dân có thể tính toán, quyết định sản xuất của mình dựa trên tín hiệu thị trường và hợp đồng tiêu thụ nông sản.

ĐỨC TOÀN