Kỳ vọng thị trường năm 2024

12/01/2024 - 06:23

 - Năm 2024, dự báo kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, thị trường thế giới được cải thiện, sức tiêu dùng tăng. Trong nỗ lực tăng tốc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Trung ương, tỉnh An Giang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, mở rộng sản xuất - kinh doanh (SXKD), tạo cơ hội cho DN nắm bắt xu hướng thị trường, đổi mới sáng tạo theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

Nhộn nhịp từ cơ sở

Những ngày đầu năm mới 2024, khí thế lao động sản xuất tại cơ sở SXKD, DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh diễn ra rộn rã. Việc bắt nhịp sớm từ cơ sở khởi đầu cho một năm nhiều kỳ vọng. Thời điểm này, Cơ sở Vương Kim (xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn) tất bật với các đơn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Cơ sở chuyên SXKD trà từ cây đinh lăng kết hợp lá xạ đen, riêng trà sâm đinh lăng đã có được chỗ đứng trên thị trường. Bà Vương Kim Đính (chủ cơ sở) cho biết, năm 2023, hoạt động SXKD được giữ vững, có mức tăng trưởng khá. Bình quân mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ khoảng 1 tấn trà, chủ yếu là trà túi lọc, trà lá.

Theo bà Đính, thành phần chủ yếu của trà sâm đinh lăng là đọt non, lá của cây đinh lăng được phơi khô, sấy cách nhiệt, sau đó trộn thêm lá xạ đen theo tỷ lệ thích hợp. Nguồn nguyên liệu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quá trình sản xuất được kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, nên sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá 30.000 - 60.000 đồng/gói. Cơ sở Vương Kim còn sản xuất rượu đinh lăng, được ngâm từ củ đinh lăng tươi hoặc sấy khô. Họ chạm khắc, tạo hình củ đinh lăng thành sản phẩm độc đáo, như: Hình tượng Phúc - Lộc - Thọ, thuận buồm xuôi gió, long phụng... được thị trường ưa chuộng.

Năm qua, tình hình SXKD của Hộ kinh doanh muối sấy Miền Tây Kim Giang (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) có nhiều thuận lợi, doanh số bán hàng cao hơn năm 2022. Chủ hộ Nguyễn Hồng Dự cho biết, thời gian qua, nhờ tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại tại hội chợ, triển lãm; giới thiệu trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử, chợ truyền thống… nên sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Muối sấy Miền Tây Kim Giang có mặt khắp cả nước, tập trung nhiều nhất ở ĐBSCL.

Năm 2020, được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, Hộ kinh doanh muối sấy Miền Tây Kim Giang trang bị nhiều loại máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất, như: Máy trộn muối, máy sấy muối - hút mùi, máy dán màng seal bán tự động, cân điện tử - chiết rót bán tự động, máy vặn nắp chai bán tự động. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 490 triệu đồng, trong đó cơ sở đối ứng 50%. Việc đầu tư máy móc giúp nâng công suất, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Phấn khởi khi sản phẩm muối tôm Miền Tây Kim Giang được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, ông Dự cho biết, với mục tiêu mở rộng thị trường, năm 2024, cơ sở sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng; nghiên cứu, phát triển thêm sản phẩm mới.

Là một trong những đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, sản phẩm tung lò mò của Hộ kinh doanh Anas từ lâu được người tiêu dùng biết đến. Chủ hộ kinh doanh Hứa Hoàng Vũ cho biết, sản phẩm chủ yếu của gia đình, gồm: Lạp xưởng bò phơi khô, lạp xưởng tươi, lò mò PĐăm (khô bò). Vượt qua khó khăn năm 2023, Hộ kinh doanh Anas vẫn tiêu thụ được khoảng 12 tấn sản phẩm, xuất khẩu sang nước ngoài.

“Đầu năm 2024, tình hình SXKD có những tín hiệu khả quan, dự báo phát triển hơn năm 2023. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động SXKD” - ông Vũ chia sẻ.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Năm 2023 được xem là thời kỳ khó khăn của ngành thủy sản, nhất là mặt hàng cá tra, khi thị trường thế giới đầy biến động, bất ổn chính trị kéo dài. Tuy nhiên, đánh giá thị trường năm 2024 phục hồi, nhu cầu lương thực, thực phẩm của thế giới vẫn tăng, cá tra Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn, nên DN thủy sản vùng ĐBSCL vẫn lạc quan, đề ra giải pháp, kế hoạch SXKD theo phương châm “nhanh chóng thích ứng với biến động thị trường, biến đổi khí hậu, biến đổi xu thế tiêu dùng”.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) Doãn Tới cho rằng, khó khăn của ngành cá tra chỉ mang tính tạm thời, bởi khi nào thế giới không còn nhu cầu ăn cá thì lúc đó ngành cá tra mới khó khăn thực sự. Minh chứng cho nhận định này, ông Tới dẫn chứng số liệu của năm 2023, vẫn có 224 DN xuất khẩu cá tra của Việt Nam đưa sản phẩm đến 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mang về cho đất nước 1,8 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tuy giảm so năm 2018, 2022, nhưng vẫn cao hơn những năm khác. “Người tiêu dùng thế giới thích ăn cá tra Việt Nam bởi thịt trắng, ít xương, da mỏng, dinh dưỡng cao, giá cả rất hợp lý” - ông Tới đánh giá.

Năm 2023, xuất khẩu của DN chỉ đạt kim ngạch 159 triệu USD (năm 2022 đạt 179 triệu USD, các năm trước đó đạt gần 200 triệu USD). Để thích ứng với “3 biến” của ngành nông nghiệp (biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững), Navico tiếp tục khép kín quy trình sản xuất từ khâu sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm, chế biến và xuất khẩu, duy trì vùng nuôi cá nguyên liệu diện tích 600ha, sản lượng 200.000 tấn/năm; ứng dụng khoa học - công nghệ để hạ giá thành sản xuất, nâng chất sản phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với nông dân, hỗ trợ nông dân cùng DN phát triển, tạo ra hệ sinh thái bền vững, đưa cá tra chinh phục người tiêu dùng thế giới. Không chỉ quan tâm xuất khẩu, Navico còn kết hợp hệ thống Bách Hóa Xanh đưa cá tra tươi phục vụ người tiêu dùng nội địa.

Tham gia vào thị trường xuất khẩu cá tra ra thế giới trong hơn 10 năm qua, Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang (có vùng nuôi tại An Giang) là một trong những đơn vị tổ chức sản xuất theo mô hình khép kín từ nuôi đến chế biến, xuất khẩu. Công ty có 3 xí nghiệp sản xuất mặt hàng cá tra phi-lê và các mặt hàng giá trị gia tăng, xuất đi nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2023, suy thoái kinh tế thế giới, công ty cũng gặp khó khăn như các DN khác. Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang Ong Hàng Văn cho biết, hạn chế của nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu hiện nay là thức ăn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, giá cao. Để có 1kg cá tra thương phẩm, người nuôi phải mất 1,7kg thức ăn, kéo giá thành nuôi cá tra lên 1,2 USD/kg, trong khi giá thành của các loại cá đang cạnh tranh trực tiếp với cá tra (như cá minh thái Alaska) chỉ 1 USD/kg.

Để giải quyết khó khăn này, ông Văn đề nghị Nhà nước nên xem xét đưa thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về 0%, thay vì 2% như hiện nay. “Giá thức ăn giảm sẽ giúp giảm giá thành nuôi cá tra, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới, đón đầu xu hướng hồi phục sức mua từ năm 2024” - ông Văn đánh giá.

Nhiều kỳ vọng mới

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, năm 2023, An Giang tham gia xuất khẩu ra thị trường thế giới nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó 3 sản phẩm chủ lực (gạo, cá tra và rau màu) đạt được những kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 340 triệu USD, tăng gần 9% so năm 2022. DN đứng chân trên địa bàn tỉnh đã không bỏ lỡ cơ hội, khi một số nước xuất khẩu gạo hàng đầu ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu, kéo theo nguồn cung gạo ra thế giới giảm mạnh, giá tăng nhanh.

Có thời điểm, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch quanh mức 663 USD/tấn. Đây là “thời cơ vàng” để gạo An Giang đẩy mạnh xuất khẩu, tăng giá trị. Năm 2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời nhận được đơn đặt hàng 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU).

Các DN khác xúc tiến, giữ vững thị trường Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Australia. Đối với xuất khẩu thủy sản đông lạnh, mặt hàng phi-lê và sản phẩm giá trị gia tăng tiếp tục chinh phục thị trường thế giới. Các sản phẩm phụ, như: Bong bóng cá tra (dạng khô), chả cá tra đang được thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore… quan tâm.

Năm 2024, tình hình chính trị thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn, xung đột chính trị sẽ ảnh hưởng lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội cho một tỉnh xuất khẩu nông sản như An Giang. Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ kéo dài đến sau bầu cử của nước này (giữa năm 2024), nên thâm hụt nguồn cung gạo trên thế giới tiếp tục kéo dài. Dự báo năm 2024, tổng nguồn cung gạo toàn cầu (niên vụ 2023 - 2024) dự kiến gần 693 triệu tấn, giảm gần 4 triệu tấn so niên vụ 2022 - 2023. Với khả năng sản xuất hơn 4 triệu tấn lúa/năm, gạo An Giang sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường.

Đối với mặt hàng thủy sản, điểm sáng xuất hiện: Sau thời gian dài hạn chế nhập khẩu, thị trường lớn Trung Quốc khả năng sẽ nhập khẩu mạnh trở lại từ quý I, II/2024. Nguyên nhân do cá tra xuất vào thị trường Trung Quốc có chất lượng cao nhưng giá hợp lý. Người tiêu dùng nước này đã quen ăn sản phẩm cá tra nguyên con xẻ bướm lẫn các mặt hàng giá trị gia tăng, nên khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi, Trung Quốc sẽ tiêu thụ mạnh cá tra Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, nhằm tận dụng thị trường năm 2024, ngành công thương tập trung hỗ trợ DN tiếp cận “xuất khẩu số”, giúp tối ưu hóa hiệu quả trong quản lý chuỗi cung ứng, vận chuyển, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ vững và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Đồng thời, phối hợp sở, ngành trao đổi, rà soát với tỉnh, thành phố thuộc các quốc gia có mối quan hệ thị trường xuất khẩu hàng hóa của An Giang để gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp tác phát triển ngoại thương. Sở Công Thương sẽ đề xuất UBND tỉnh xây dựng chương trình hợp tác “Sáng kiến cùng phát triển”, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của tỉnh trong thời gian tới.

Sở Công Thương An Giang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chuỗi giá trị ngành hàng (từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ); tiếp tục thực hiện quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu; tập trung hỗ trợ DN khai thác ưu đãi trong hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết…

NGÔ CHUẨN - MINH HIỂN - ĐỨC TOÀN