Kỳ vọng vào sự bứt phá của Tri Tôn

07/08/2020 - 05:42

 - Với chủ đề “Đoàn kết - đổi mới - sáng tạo - phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tri Tôn (An Giang) lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025), đặt ra yêu cầu phải khai thác tốt nội lực, tiềm năng nông nghiệp và du lịch, phấn đấu để huyện phát triển nhanh và bền vững. Báo An Giang ghi nhận ý kiến của một số đại biểu, đảng viên về kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới.

Đồng chí Trần Trường Sơn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn:

Ấn tượng của tôi trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đặc biệt trong khoảng 2 năm trở lại đây là sự khởi sắc khá toàn diện của Tri Tôn. Các quy hoạch trước đây ở từng vùng, địa phương như “sống lại”. Từ thành thị đến nông thôn, nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đèn đường chiếu sáng được lắp đặt, công viên giải trí được xây dựng, văn minh đô thị được tăng cường… Nhờ người đứng đầu phát huy được tinh thần đoàn kết nội bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật nên từng cán bộ, đảng viên đã phát huy năng lực, trách nhiệm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, được người dân đồng tình, ủng hộ.

Trước thực trạng đất công còn bị chiếm dụng nhiều, tôi đề nghị thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện cần tăng cường kiểm tra, sửa sai trong nội bộ, cương quyết lấy lại đất công để đấu giá, tăng nguồn thu cho huyện và quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư, tạo thêm động lực thúc đẩy Tri Tôn phát triển.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Tri Tôn Nguyễn Văn Sấm:

Những năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, Đảng ủy thị trấn Tri Tôn đã tập trung công tác chỉnh trang đô thị, trật tự đô thị đối với sự phát triển của thị trấn, đưa thị trấn Tri Tôn đạt chuẩn đô thị loại IV. Thị trấn Tri Tôn đã có nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh, lập lại kỷ cương văn minh đô thị, tranh thủ các nguồn vốn, vận động xã hội hóa làm đường, vỉa hè, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống đèn hoa… Thị trấn Tri Tôn được huyện nâng cấp, mở rộng các tuyến đường chính như: 3-2, Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, xây dựng Quảng trường Nguyễn Trãi… tạo nên diện mạo văn minh, hiện đại.

Thời gian tới, Đảng bộ thị trấn Tri Tôn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng văn minh đô thị; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết ngay từ đầu các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm; tiếp tục vận động xã hội hóa để tận dụng các nguồn vốn thực hiện chỉnh trang đô thị.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn Mai Thị The:

Tri Tôn là huyện miền núi, biên giới, dân tộc, vùng căn cứ địa cách mạng với 4.052 người có công. Trong tổng dân số toàn huyện 117.345 người (33.441 hộ), đồng bào dân tộc thiểu số Khmer có 38.539 người (11.134 hộ), chiếm 33,29%, đời sống còn nhiều khó khăn. Do vậy, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững được huyện đặc biệt quan tâm. 5 năm qua, huyện đã tổ chức 108 lớp dạy nghề cho 3.222 lao động; giải quyết việc làm cho 31.735 lao động (trong tỉnh 1.605 lao động, ngoài tỉnh 30.130 lao động, xuất khẩu lao động 72 người), đạt tỷ lệ 176,3% so với nghị quyết. Đến đầu năm 2020, hộ nghèo còn 3.143 hộ, chiếm 9,31% số hộ trên địa bàn.

Nhiệm kỳ 2020-2025, công tác đào tạo nghề sẽ chú trọng đáp ứng nhu cầu thực tế, phù hợp định hướng phát triển của huyện, trong đó chú trọng mở các lớp dạy nghề gắn với phát triển ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu tư…

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Châu Lăng Huỳnh Thị Cúc:

Được sự quan tâm của huyện, Châu Lăng luôn xem công tác đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (chiếm 68,57% dân số). Đồng thời, địa phương luôn đổi mới nội dung, phương thức trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, phát huy hiệu quả các phong trào đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng.

Người dân cũng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái. Địa phương đã vận động lắp đặt 13 camera an ninh ở các khu vực trọng điểm, thực hiện 3 mô hình tự quản về an ninh trật tự. Đây sẽ là những mô hình tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.

Bí thư Huyện đoàn Tri Tôn Ngô Hoài Nam:

5 năm qua, Ban Chấp hành Huyện đoàn Tri Tôn luôn quan tâm thực hiện các hoạt động mang tính thiết thực, hỗ trợ thanh niên vươn lên trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, phát huy tính xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các cơ sở Đoàn đã tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ người dân khai báo y tế tự nguyện bằng thiết bị công nghệ; vận động xã hội hóa lắp 2 thiết bị khử khuẩn, 2 bồn rửa tay công cộng, nhiều áp-phích tuyên truyền... Từ nguồn vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện, Huyện đoàn đã thăm hỏi, động viên, tặng quà, lắp đèn năng lượng mặt trời tại các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên tuyến biên giới xã Lạc Quới, Vĩnh Gia, với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng...

Huyện đoàn sẽ cố gắng tham gia thực hiện tốt các chỉ tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đặt ra trong nhiệm kỳ mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên và cấp ủy địa phương phân công thực hiện.

NGÔ CHUẨN