Làm báo ở Nhà tù Hỏa Lò

21/06/2022 - 06:29

Là thế hệ trẻ, chúng tôi làm báo trong điều kiện thừa hưởng nền hòa bình, độc lập, phát triển. Một lần có dịp về thủ đô Hà Nội, đến thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò, tôi càng nhận ra, những vất vả của nghề hôm nay, chẳng đáng để nhắc tới so với thế hệ nhà báo - tù nhân cách mạng thuở xưa!

Lửa địa ngục trần gian

Xưa kia, làng Phụ Khánh chuyên làm siêu đất, ấm đất và bếp lò bằng đất nung đem bán khắp kinh kỳ, nên mang tên Hỏa Lò. Năm 1896, thực dân Pháp dời 48 hộ dân của làng về nơi khác, dỡ chùa, đình làng để xây dựng Nhà tù Trung ương - Maison Centrale (nhưng người dân quen gọi là Nhà tù Hỏa Lò). Đây một trong những nhà tù lớn, kiên cố bậc nhất Đông Dương, dùng để giam cầm, đày ải về thể xác và tinh thần hàng ngàn chiến sĩ yêu nước của cách mạng Việt Nam.

Trăm năm trôi qua, nhưng chúng tôi vẫn thấy u ám, rờn rợn khi bước vào tham quan địa danh này. Những phương thức giam cầm hà khắc của bọn giám ngục cáo già như còn tồn tại trong không gian chật hẹp, tăm tối, lạnh lẽo này. Ở giữa buồng giam tập thể là nhà vệ sinh lộ thiên trên cao, buộc người tù phải chịu nỗi xấu hổ trước bạn tù mỗi lần tiêu, tiểu. Có những hôm, chúng cố tình để chất thải tràn ra ngoài, ô nhiễm nặng nề, như một cách tra tấn người tù. Ở khu Cachot (ngục tối), thiếu dưỡng khí, tù nhân nằm trên sàn xi-măng dốc ngược, đầu thấp hơn chân, khiến máu dồn xuống đầu, về lâu dài bị lòa mắt, tay chân yếu sức, toàn thân ghẻ lở, phù nề…

Chiến sĩ yêu nước bị thực dân Pháp tra tấn, đánh đập dã man, bắt lao động nặng nhọc, thậm chí bị xử tử bằng máy chém. Về chế độ ăn uống, tù nhân bị cắt xén khẩu phần, buộc phải ăn gạo hẩm lẫn trấu, thóc, sạn; cá khô vụn, cá ươn có dòi, thịt trâu già (như quai guốc); rau muống già có cả rễ (gọi là rau dải rút); đậu phụ chua, ôi thiu… Tất cả đựng trong máng gỗ, chậu tôn (gọi là “lập là”). Chế độ ăn uống thiếu chất, mất vệ sinh khiến tù nhân mắc bệnh tê phù, thương hàn, kiết lỵ, sốt rét… Chỉ trong 1 năm (6/1920 - 6/1921), số lượng tù nhân tử vong lên đến 10%.

Đứng lên và cất tiếng

Mọi hoạt động của người tù đều bị giám sát, kiểm soát gắt gao. Nhưng dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đảng, tù chính trị vẫn mưu trí, sáng tạo biên soạn, xuất bản, cất giấu bí mật những tờ báo đặc biệt. Mỗi tờ báo là một phương tiện để đoàn kết lực lượng, là tài liệu học tập văn hóa, chính trị, là vũ khí để đấu tranh, cảm hóa kẻ thù… Những “làng báo trong tù” với phương thức làm báo chưa từng có, đã tạo nên nét đặc sắc của dòng báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Họ đã “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, thành “lò tôi luyện” ý chí và tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong “địa ngục trần gian” - mà ranh giới giữa sống và chết mong manh đến cùng cực - nhiều đồng chí trở thành “nhà báo”, bất chấp hiểm nguy để sáng tạo, xuất bản những “tờ báo cách mạng” tiên phong. Đó là tờ báo “Con đường chính”, “Đuốc Việt Nam”, “Lao tù” của Chi bộ nhà tù, do đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chắp bút và chỉ đạo. Họ tích cực bút chiến trong cuộc tranh luận kịch liệt giữa tù nhân Cộng sản và tù nhân Quốc dân Đảng về đấu tranh giai cấp và con đường giải phóng dân tộc. Tổ chép tài liệu chép thành nhiều bản gửi những nơi cần thiết. Qua đó, nhiều người từ bỏ hàng ngũ Quốc dân Đảng, chuyển sang hàng ngũ Cộng sản. Trong thời gian sống chung ở trại với anh em, đồng chí Trường Chinh có một “văn phòng” nằm phủ phục ở sau chiếc chiếu để viết sách, báo, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản hoặc huấn luyện anh em.

Đó là tờ “Xuân tù” của trại L, minh họa màu sắc xanh đỏ rất vui mắt. Màu đỏ lấy từ thuốc đỏ, màu vàng lấy từ thuốc ký ninh, màu xanh từ thuốc quinobleu. Mọi người trong trại chuyền tay nhau đọc. Ai không biết chữ thì ngồi nghe. Có người khi vào tù, thuộc loại mít đặc “cán cuốc”, địch tra tấn dã man, vẫn cắn lưỡi không khai. Tờ báo giúp chiến sĩ giác ngộ thêm: “Tinh thần cao chưa đủ, phải có văn hóa cao mới làm cách mạng được”.

Đồng chí Trần Hữu Thảo (tù chính trị năm 1950-1953) từng kể: “Tôi được giao làm chủ biên và lo mọi việc để ra mắt "Bản tin" trong Nhà tù Hỏa Lò. Các chi ủy viên, tổ trưởng Đảng ở trại được chọn lọc tham gia góp tin. Trụ sở viết báo là gầm sàn. Nơi cất giấu bản thảo là “hầm hàm ếch” (nói đúng hơn chỉ là cái hốc đào trong tường, ngang dọc chừng hơn 10 phân). Cửa hầm được ngụy trang kín, bên ngoài xếp chăn, gối che khuất. Báo viết xong được bí mật chuyền đi các nơi, đã động viên đảng viên, quần chúng tin tưởng ở thắng lợi của cuộc chiến trường kỳ”.

Hay đó là tờ “Lao tù tạp chí” lớn bằng 4 ngón tay, là cơ quan ngôn luận phổ cập tới mọi “hang cùng ngõ hẻm” trong Nhà tù Hỏa Lò. Đây cũng là cơ quan ngôn luận “sống lâu nhất”. Mỗi tuần có 1 số, mà tờ báo được xuất bản hơn 200 số (từ năm 1932 đến 1935). Rồi còn có tạp chí “Vô sản”, mang sứ mệnh nâng cao trình độ đảng viên mới vào tù…

Giữa những khoảng không đen kịn của nhà tù, của phòng giam, luôn luôn cháy rực ngọn lửa căm hờn đế quốc; lửa yêu thương Tổ quốc, đồng bào; lửa của đức tin về ngày tươi sáng. Chạm tay vào cửa nhà tù nặng trịch, chúng tôi như được truyền lại bao ngọn lửa thiêng ấy, chẳng thể nào quên. Để từ đó, chúng tôi ngẫm lại mình, xốc lại trách nhiệm của mình với nghề báo, với đất nước, với nhân dân…

Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò hiện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật quý, tiêu biểu như: Máy chém, cửa cống ngầm, sưu tập hiện vật về phi công Mỹ… Nội dung trưng bày sinh động, hấp dẫn, tập trung vào 2 chủ đề chính: Nhà tù Hỏa Lò dưới chế độ thực dân Pháp (1896-1954) và cuộc sống, sinh hoạt của phi công Mỹ trong Trại giam Hỏa Lò (1964-1973).

KHÁNH AN