Để có được 1 sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn kỳ công và tỉ mỉ
Níu giữ làng nghề
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Chăm ở ấp Phũm Soài (xã Châu Phong) được hình thành từ cách đây trên 80 năm. Ngày trước, các hộ trong cộng đồng sản xuất để phục vụ nhu cầu của gia đình, đồng thời trao đổi hàng hóa với các dân tộc khác.
Ông Mohamad cho biết, cùng với sự phát triển của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, cách đây khoảng 10 năm, chính quyền địa phương đã thành lập làng nghề. Thời điểm đó, địa phương có khoảng 60 hộ theo nghề, với hơn 200 khung dệt. Dần dần, do công việc không mang lại nguồn thu nhập ổn định nên nhiều người bỏ nghề.
“Hiện nay, chỉ còn lại những người phụ nữ có tuổi là bám trụ với nghề dệt. Thế hệ trẻ không còn mặn mà với công việc này bởi không mang lại nguồn thu nhập cao. Trong ấp chỉ còn 2 hộ sản xuất, với khoảng 8 khung dệt” - ông Mohamad chia sẻ.
Gia đình có 3 đời gắn bó với nghề dệt nên ông Mohamad cho biết, quy trình sản xuất vẫn như từ thời trước truyền lại. Tuy nhiên, các công cụ sản xuất có nhiều cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thời gian, công sức người thợ. Để dệt 1 sản phẩm thổ cẩm phải trải qua 6-8 bước. Phần sợi cotton được nhộm màu, sau đó đem phơi khô. Kế tiếp là đến công đoạn suốt, mắc sợi, dệt, thành phẩm. Mỗi khâu đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ, đồng thời mất nhiều thời gian, công sức mới cho ra những sản phẩm chất lượng.
“Trước đây, ngành chức năng có đề xuất hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến để việc sản xuất sản phẩm thổ cẩm được tiện lợi, nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, tôi muốn giữ lại phương pháp dệt truyền thống như một cách giữ gìn những giá trị văn hóa của người Chăm, dù cho sản phẩm có giá thành cao hơn so với dùng máy” - ông Mohamad khẳng định.
Hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm của Cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong có được đầu ra khá ổn định. Ông Mohamad cho biết, kết quả này một phần là nhờ sự quan tâm của địa phương, ngành chức năng trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ngoài 2 sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, cơ sở còn sản xuất các mặt hàng mới, như: Túi xách, ba-lô, nón, móc khóa… Đây là những mặt hàng được du khách ưa thích, nhất là khách nước ngoài lựa chọn mua làm đồ lưu niệm trong mỗi chuyến du lịch (DL) ghé tham quan làng nghề. Giá các sản phẩm này khá bình dân, từ 20.000-200.000 đồng/sản phẩm.
Ngoài ra, việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm của ông Mohamad còn góp phần tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, mức thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày.
Phát triển các loại hình du lịch
Những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS Chăm ở xã Châu Phong nói chung, cơ sở của ông Mohamad nói riêng đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách thập phương. Ông Mohamad cho biết, mặc dù mới triển khai, nhưng các loại hình tham quan, DL của cơ sở đã nhận được những đánh giá tích cực từ du khách.
Để tăng sự trải nghiệm, ông Mohamad cho phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống Chăm để du khách, đặc biệt là những cặp đôi chụp ảnh lưu niệm. Nhân cơ hội này, ông Mohamad giới thiệu về nét văn hóa đặc trưng của người dân địa phương đến với du khách. Ông còn liên kết với một số đầu bếp tại địa phương, phục vụ một số món ăn đặc trưng của người Chăm, như: Cà ri, tung lò mò, các loại bánh tráng miệng… khi du khách yêu cầu. Nhờ sự đổi mới, sáng tạo này đã thu hút một lượng lớn du khách đến với làng nghề.
“Từ tháng 6 đến cuối năm là thời điểm có đông du khách đến tham quan, mua sắm, đặc biệt có nhiều du khách nước ngoài. Họ đến đây với mong muốn được tìm hiểu nét văn hóa của cộng đồng người Chăm, Đồng thời trải nghiệm cảm giác được tận tay thực hiện các công đoạn của nghề dệt” - ông Mohamad chia sẻ.
Theo lời ông, nhờ liên kết với các công ty DL nên làng nghề có thể tồn tại và phát triển được. Trong những lần đón tiếp khách tham quan, ngoài giới thiệu sản phẩm, ông Mohamad còn nói về lịch sử làng nghề, những giá trị đặc trưng về văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm ở địa phương.
Thời gian tới, ông sẽ tiếp tục tìm hiểu, phát triển các loại hình dịch vụ mới, như: Đạp xe trải nghiệm, tham quan thánh đường, trải nghiệm cuộc sống của người dân trong cộng đồng Chăm. Cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh để phục vụ du khách tốt hơn. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ mở lớp học nghề để góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương.
ĐỨC TOÀN