Trồng rau an toàn
Là vùng đất phù sa màu mỡ, nông dân (ND) cù lao ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) có kinh nghiệm trồng rau màu từ lâu đời. Tuy nhiên, bà con lại quen canh tác theo kiểu truyền thống, tốn nhiều chi phí nên lợi nhuận thu được chưa tương xứng với công sức bỏ ra.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, anh Huỳnh Ngọc Diện thấu hiểu nỗi cơ cực của người ND nơi đây nên quyết tâm tìm hướng đi mới, tăng giá trị cho cây rau màu. Nắm bắt được xu hướng của thị trường ưa chuộng rau an toàn (RAT), anh Diện học kỹ thuật mới, ứng dụng ngay trên mảnh đất của mình. Bên cạnh đó, anh Diện còn đảm nhận vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) trồng RAT theo hướng VietGap và hiện nay là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng.
Nhờ sự đầu tư của UBND TP. Long Xuyên đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tham gia sản xuất, qua đó tạo được thương hiệu riêng RAT cho xã Mỹ Hòa Hưng trên thị trường, giúp ND tăng thêm thu nhập. “Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, từ quản lý nguồn nước, đất trồng cũng như phân phối lịch xuống giống hợp lý, đúng quy trình... giúp ND giảm chi phí sản xuất từ 400.000-500.000 đồng/ha/vụ, sản phẩm chất lượng và lợi nhuận cũng tăng theo” - anh Diện thông tin.
Theo anh Diện, hiện nay, xã Mỹ Hòa Hưng có 17 loại rau, củ, quả được cấp giấy chứng nhận an toàn, cung cấp thường xuyên cho siêu thị Co.opmart Long Xuyên, chợ Mỹ Bình, Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam từ 300-400kg/ngày. Ngoài ra, còn cung cấp cho các chợ: Long Xuyên, Mỹ Phước, Bình Khánh, Trà Ôn… với giá cả hợp lý, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm an toàn.
Nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP
Phong trào nuôi lươn phát triển mạnh ở khóm Long Hưng 2 (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) với trên 80% hộ dân tận dụng diện tích đất xung quanh nhà làm bồn nuôi. Đến nay, anh Bùi Minh Thuận đã có 15 năm gắn bó với nghề nuôi lươn, giúp gia đình từ khó khăn vươn lên khấm khá. Đó hoàn toàn nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm, chịu đầu tư đổi mới, ứng dụng kỹ thuật trong chăm sóc lươn để đạt hiệu quả từ năng suất đến chất lượng thịt. Lúc trước, nghe người bà con ở TP. Cần Thơ kể về mô hình nuôi lươn trong bạt kèm mô đất, khác với kiểu nuôi truyền thống ở địa phương nên anh Thuận mạnh dạn thử nghiệm với 1 bồn nhỏ.
“Năm đó, vì mới nuôi, chưa có kinh nghiệm nên bán xong hòa vốn, xem như lỗ tiền công sau 8 tháng chăm sóc. Nhưng nhờ vậy giúp mình có thêm kinh nghiệm, mấy năm sau nuôi đạt hơn, cứ thế diện tích bồn nuôi tăng dần, có năm gần cả chục bồn” - anh Thuận chia sẻ.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới, mô hình nuôi lươn của anh Thuận luôn đạt hiệu quả
Theo anh Thuận, lươn không khó nuôi nhưng phải biết ý, tuân thủ kỹ thuật thì sẽ ít bệnh, hạn chế hao hụt, giúp người nuôi đạt được lợi nhuận cao nhất. “Vào mùa nước nổi, lượng ốc, cá đồng nhiều nên nhẹ chi phí thức ăn, mình chỉ cộng thêm thức ăn phụ là đủ cho lươn phát triển”- anh Thuận cho hay.
Thông thường, mỗi bồn nuôi có diện tích từ 40m2, 60m2, nếu áp dụng đúng kỹ thuật, năng suất trung bình mỗi bồn lươn có thể đạt từ 250-300kg, cao nhất có thể đạt 400-500kg. Với mức giá dao động từ 130.000 đồng/kg trở lên, trừ chi phí, bà con có thể thu lợi từ 14-20 triệu đồng/bồn/vụ...
Đầu năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ chọn phường Mỹ Thới là địa phương duy nhất của TP. Long Xuyên cùng với TX. Tân Châu và huyện Châu Thành thực hiện mô hình nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP. Vậy là, anh Thuận cùng 19 hộ dân ở địa phương thành lập THT nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Khi tham gia mô hình, ND được hướng dẫn kỹ thuật như: phòng bệnh cho lươn, cải thiện môi trường ao nuôi, ghi chép về thức ăn, nguồn gốc, thuốc trị bệnh... Đặc biệt, được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn thị trường 15%” - anh Thuận hồ hởi.
ÁNH NGUYÊN