Làm tốt trách nhiệm đã là yêu nước!

05/01/2021 - 06:43

 - Đó là chia sẻ của những cán bộ, tình nguyện viên đang làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện Tịnh Biên (An Giang). Với họ, mọi thứ phải đặt trong tinh thần cảnh giác cao độ và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tham gia cách ly tập trung.

Điểm cách ly tập trung tại Nhà khách Biên phòng (thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên) vẫn im ắng như ngày thường. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng nơi này là một trong những “điểm đầu” trên mặt trận chống dịch COVID-19 của tỉnh An Giang. Do đó, những người làm nhiệm vụ tại đây phải luôn giữ cho mình một trái tim “nóng” và một cái đầu “lạnh” để hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ cao nhất.

Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng Y tế, Phó Trưởng ban phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện Tịnh Biên, đã phụ trách trực tiếp việc quản lý điểm cách ly tập trung tại Nhà khách Biên phòng từ tháng 3-2020.

Ông Hải cho biết: “Nhận thức trách nhiệm của mình là những người ở “tuyến đầu” chống dịch, chúng tôi luôn xác định phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình. Trong đó, phải đảm bảo tốt việc không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe của người tham gia cách ly đúng quy định. Đặc biệt, phải kịp thời báo cáo, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện Tịnh Biên kịp thời xử lý những tình huống phát sinh tại cơ sở cách ly”.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình (bìa phải) thăm hỏi, động viên cán bộ, tình nguyện viên, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại điểm cách ly tập trung Nhà khách Biên phòng (Tịnh Biên)

Từ tháng 3-2020 đến ngày 28-12-2020, huyện Tịnh Biên đã tiếp nhận 1.497 người tham gia cách ly tập trung. Trong đó, cơ sở cách ly Nhà khách Biên phòng đã tiếp nhận 949 người, chủ yếu từ Campuchia về Việt Nam. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng cán bộ y tế, tình nguyện viên và lực lượng giữ gìn an ninh trật tự vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo không có trường hợp trốn khỏi khu cách ly gây nguy hiểm cho cộng đồng.

“Thực tế, “trạng thái bình thường mới” của anh em làm nhiệm vụ ở cơ sở cách ly tập trung là phải quen với cuộc sống xa gia đình, đảm bảo tốt thông điệp “5K” và thường xuyên mặc lên người bộ quần áo bảo hộ không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, chúng tôi luôn làm tốt công tác tư tưởng, động viên anh em cùng hoàn thành nhiệm vụ. Trong thời điểm này, người cán bộ y tế phải trở thành chiến sĩ trên mặt trận chống dịch vì an toàn sức khỏe cho cả cộng đồng” - ông Phạm Thanh Hải thật tình.

Vừa vào nhận nhiệm vụ tại cơ sở cách ly Nhà khách Biên phòng hơn 10 ngày, anh Nguyễn Văn Uẩn (cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tịnh Biên) khá bình thản. Trong suy nghĩ của người cán bộ y tế này, khi cả nước đang tập trung phòng, chống dịch thì bản thân không thể đứng ngoài cuộc. Với anh, nhiệm vụ hàng ngày dù ẩn chứa nhiều nguy cơ nhưng vẫn luôn tin tưởng và thực hiện tốt biện pháp tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Bởi, nếu ai cũng tránh dịch mà không có người trực tiếp ra tuyến đầu làm nhiệm vụ thì mọi chuyện sẽ ra sao!

Trong quá trình công tác, anh Uẩn và người đồng nghiệp Chau Bô Rết vẫn luôn cố gắng chia sẻ, giải thích để những người tham gia cách ly thực hiện tốt quy định. “Dù là lúc nửa đêm, nếu Bộ đội Biên phòng báo tin có người nhập cảnh thì chúng tôi vẫn làm nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện các biện pháp y tế cần thiết. Công việc tuy có vất vả nhưng anh em đều động viên nhau hoàn thành trách nhiệm của mình thật tốt. Về gia đình, ai cũng phải cố gắng sắp xếp, động viên để người thân hiểu và thông cảm cho nhiệm vụ của chúng tôi lúc này” - anh Uẩn chia sẻ.

Hàng ngày, phải trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với người tham gia cách ly tập trung, anh Nguyễn Văn Nhẹ, người chịu trách nhiệm “hậu cần trong” ở điểm cách ly Nhà khách Biên phòng, vẫn có chút lo lắng khi thực hiện công việc của mình nhưng vẫn cố làm tốt trách nhiệm đảm bảo điều kiện ăn, nghỉ cho người tham gia cách ly. “Tôi vô đây làm nhiệm vụ từ hồi “đầu dịch” tới giờ và ở xuyên suốt trong này. Lắm lúc cũng nhớ nhà, nhớ gia đình nhưng chỉ liên lạc qua điện thoại và động viên người thân cố gắng cùng tôi. Mình trực tiếp gặp gỡ với người cách ly nên có rất nhiều tình huống xảy ra. Có khi họ tỏ lòng biết ơn, cũng có trường hợp thiếu hợp tác nhưng nhìn chung ai cũng chấp hành yêu cầu của chúng tôi. Mỗi một lời cám ơn khi họ hoàn thành thời gian cách ly trở về cũng là nguồn động viên để chúng tôi tiếp tục công việc của mình” - anh Nhẹ bộc bạch.

Dù có hoàn cảnh và cuộc sống riêng nhưng những cán bộ y tế, tình nguyện viên, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm cách ly tập trung vẫn luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình vì sức khỏe cộng đồng. Sự đóng góp của họ khá thầm lặng nhưng rất đáng trân trọng. Như ông Phạm Thanh Hải đã chia sẻ: “Công việc của chúng tôi đâu có gì lớn lao. Đó đơn giản là cố gắng hoàn thành thật tốt trách nhiệm của mình. Mà chỉ cần như thế thì đã là yêu nước!”

THANH TIẾN