Lắng nghe, chia sẻ và đồng hành

28/06/2022 - 19:02

 - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang vừa hoàn thành tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Một lần nữa, các vị ĐBQH, lãnh đạo địa phương, cử tri cùng chia sẻ niềm vui mới, nỗi băn khoăn chưa cũ về mọi mặt đời sống xã hội.

Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân trò chuyện cùng người dân huyện Châu Thành

“Vừa mừng vừa lo”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, trước kỳ họp, UBND tỉnh nhận được 35 lượt ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền, đã lần lượt giải trình, trả lời. Những ý kiến ấy hết sức tâm huyết, đều là trăn trở của lãnh đạo tỉnh và từng vị ĐBQH. Trong đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp tại huyện Thoại Sơn và Châu Thành, cử tri vẫn đau đáu nỗi lo về giao thông, nông nghiệp, nông thôn; về việc làm của sinh viên, đời sống của công nhân, viên chức; tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy rình rập…

“Khó khăn lớn nhất của tỉnh là giao thông bị tắc nghẽn. Vừa rồi, Quốc hội thông qua dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, mở ra cơ hội phát triển cho vùng ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Ngoài thuận lợi mà dự án mang lại, còn là áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương trong điều hành, để đạt tiêu chuẩn, tiến độ đề ra. Hiện nay, tỉnh chuẩn bị thành lập ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho một số cơ quan xúc tiến thực hiện dự án” - ông Lê Văn Phước thông tin.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân (ĐBQH tỉnh An Giang) thông tin thêm, trong 19 ngày làm việc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã giải quyết khối lượng công việc rất lớn, như: Hoàn thiện về luật pháp, chính sách, ban hành luật mới; ban hành gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; 3 chương trình mục tiêu quốc gia sắp được triển khai, “gối đầu” theo nhiệm kỳ trước. Riêng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đáng lẽ theo quy hoạch, sau năm 2030 mới được triển khai. Tuy nhiên, do sự quan tâm chung của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Quốc hội, tiếng nói của các tỉnh trong vùng, Chính phủ quyết định bổ sung dự án vào giai đoạn này. Đây là tín hiệu vui cho phát triển vùng ĐBSCL, kéo giảm chênh lệch vùng miền về giao thông. Hy vọng, sự quan tâm, điều hành quyết liệt này giúp ĐBSCL phát triển nhanh hơn, tăng tốc hơn.

“Nhưng đúng là “vừa mừng vừa lo”. Mừng là vì vùng ĐBSCL, trong đó có An Giang, nhận được sự quan tâm rất lớn từ Trung ương. Nhưng lo là vì năng lực hấp thụ đầu tư; sự quyết tâm, đồng lòng của lãnh đạo địa phương, của nhân dân tỉnh nhà… chưa rõ thế nào. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của địa phương rất nặng nề. Về nguồn lực tài chính, điều hành, quản lý dự án lớn… An Giang chưa có kinh nghiệm, cần có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt ngay từ đầu; cần chuẩn bị nguồn lực tài chính, nhân lực, vật liệu xây dựng. Phải đặt ra quyết tâm rất lớn để thực hiện tốt chủ trương, chính sách mới trên địa bàn; cùng sự ủng hộ, đồng lòng cao của cử tri, nhân dân. Dự án đi qua nhiều nơi, thu hồi nhiều đất đai, nếu bà con không đồng lòng, đẩy giá đất “sốt”, chắc chắn sẽ làm kéo dài, chậm trễ dự án đi qua địa bàn An Giang” - bà Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ.

Thắt lưng buộc bụng

Trong các buổi tiếp xúc cử tri đợt này, mọi chuyện vẫn xoay quanh “COVID-19”. Nhìn lại, thời gian cao điểm phòng, chống dịch, áp lực rất lớn đặt trên vai của cả hệ thống chính trị và nhân dân, là giai đoạn hết sức khó khăn. Đảng, nhà nước, Quốc hội luôn có chính sách, điều hành kịp thời để giúp cả nước vượt qua khó khăn chồng chất ấy. Dù vậy, theo bà Võ Thị Ánh Xuân, sức chống chịu chính vẫn là của nhân dân, hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhân dân đã đồng hành, ủng hộ địa phương vượt qua tất cả, lấy lại đà phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều tín hiệu đáng mừng cho giai đoạn “bình thường mới”.

Hiện nay, dịch bệnh không còn căng thẳng như trước, nhưng hậu quả vẫn còn ngổn ngang, cần khắc phục nhiều tháng ngày sắp tới. Trước mắt là hàng loạt vấn đề ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập, tâm tư của nhân dân. Những điều đó, lãnh đạo Trung ương, địa phương và người dân đã nhận thấy, thường xuyên đề cập đến, như: Chuyện giá cả, chuyện đầu vào đầu ra của sản xuất nông nghiệp, học phí của học sinh, khám, chữa bệnh của bà con… Không phải lần đầu tiên cử tri đặt ra ý kiến, kiến nghị này tại các diễn đàn tiếp xúc, đối thoại. Quốc hội, Chính phủ, ĐBQH bàn thảo, suy xét đủ cách, nhưng chưa giải quyết được nhiều như mong muốn của cử tri.

“Thời gian tới, nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện, cải cách thể chế để khắc phục bất cập, kể cả bất cập trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Ngược lại, nhân dân cần chia sẻ với Chính phủ, Quốc hội về khả năng đất nước hiện nay. Điển hình như, khủng hoảng kép về dịch bệnh COVID-19 và xung đột trên thế giới, ảnh hưởng kinh tế toàn cầu. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Nhưng nhiều nước khủng hoảng, bất ổn hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong mức cho phép (dưới 4%); giữ được môi trường sống như thế này là nỗ lực không dễ có được.

Trong nguồn lực tài chính hạn hẹp, “không làm ra tiền”, 2 năm nay, thậm chí có giai đoạn tăng trưởng kinh tế âm, chúng ta còn phải đảm đương chăm lo an sinh xã hội toàn dân. Bài toán nâng lương cơ sở, đầu tư thêm cho giáo dục, y tế… lấy nguồn lực ở đâu? Không thể đáp ứng nguyện vọng của tất cả đối tượng cùng lúc được.

Do đó, cần tính từng bước, theo khả năng nền kinh tế của nước ta, chú trọng “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm để dành nguồn lực tăng tốc phát triển. Phục hồi đến đâu, nâng chất lượng đời sống các đối tượng lên tới đó. Nếu muốn lo lâu dài, phải hy sinh lợi ích trước mắt” - bà Võ Thị Ánh Xuân nhắn nhủ địa phương và nhân dân An Giang.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH tỉnh tích cực vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hỗ trợ vaccine, vật tư, sinh phẩm và trang thiết bị y tế, quà, tiền, nhà Đại đoàn kết cho người dân An Giang, với tổng số tiền khoảng 58 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ chính quyền và nhân dân tỉnh nhà vượt qua đại dịch, ổn định cuộc sống.

GIA KHÁNH