Tháng 8/2020, Hội đồng Đội tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai thí điểm thành lập Câu lạc bộ (CLB) tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp tỉnh. Hơn 4 năm qua, đồng hành cùng với phong trào Đội, hoạt động của CLB được phát huy, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em trong tỉnh, là những tư vấn viên hỗ trợ các em mọi lúc, mọi nơi. Năm 2023, với sự đề xuất của CLB, Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” được tổ chức lần đầu tiên tại TX. Tịnh Biên, thu hút 150 thiếu nhi tham gia.
“Tính đến nay, diễn đàn tổ chức được 6 kỳ, gần 1.800 thiếu nhi 6 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Đầu tháng 4/2025, diễn đàn được Thành đoàn, Hội đồng Đội TP. Châu Đốc đăng cai tổ chức. Quá trình khảo sát lấy ý kiến của các em, chúng tôi vui mừng vì có 179 thiếu nhi tham gia, gửi đến cho ban tham vấn gần 500 câu hỏi, xoay quanh nhiều vấn đề các em quan tâm. Điều đó cho thấy, thiếu nhi của thành phố thực sự phát huy vai trò, quyền tham gia của mình theo Luật Trẻ em. Tại diễn đàn, chúng tôi mời đại diện sở, ban, ngành cấp tỉnh và thành phố để lắng nghe, chia sẻ, định hướng thêm một số thông tin cho các em” - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh An Giang Hồ Thị Hồng Phướng thông tin.

Em Võ Cẩm Loan (Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu) băn khoăn về tình trạng bạo lực học đường xuất hiện ngày càng nhiều: “Em mong muốn nhà trường, các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn vấn nạn này, như: Tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân; có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với người có hành vi bạo lực. Em cũng mong muốn có thêm kênh bảo mật để học sinh tố giác bạo lực mà không lo bị trả thù”. Em Cổ Quốc Nam (Trường THCS Thủ Khoa Huân) bày tỏ: “Em nhận thấy vấn đề xâm hại trẻ em đang là mối lo ngại lớn. Một số em nhỏ bị lợi dụng, lạm dụng mà không dám nói ra do sợ hãi. Em đề xuất tăng cường giáo dục giới tính trong trường học; xây dựng kênh hỗ trợ bí mật để trẻ em có thể tố giác khi gặp nguy hiểm”. Em Nguyễn Lâm Thiên Di (Trường THCS Nguyễn Trãi) đặt câu hỏi: “Trẻ em có điều kiện tiếp cận với mạng xã hội rất sớm, đe dọa sự an toàn của trẻ, bởi nhiều video rất nguy hiểm, như đề cao ngoại hình cá nhân, hội chứng tự hoại bản thân, rối loạn ăn uống… Vậy cách tốt nhất để trẻ em tự bảo vệ mình trước mạng xã hội là gì?”...

Giải đáp những băn khoăn của các em, chị Nguyễn Thiên Thanh (Trưởng ban Thanh, Thiếu nhi Trường học Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh) dặn dò, khi bị xâm hại, ngoài việc tìm đến người thân, thầy cô, hàng xóm… thiếu nhi có thể liên hệ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tố cáo, chia sẻ, nhờ giúp đỡ. Đối với vấn đề “cha mẹ không thấu hiểu con cái”, chị phân tích từ nhiều góc độ, mong trẻ quan tâm đến cha mẹ hơn, tăng cường giao tiếp để thấu hiểu cha mẹ và để cha mẹ có điều kiện thấu hiểu mình. Đừng ỷ lại vào sự yêu thương của cha mẹ mà làm “thượng đế” trong gia đình, đòi hỏi người lớn phải làm theo mọi yêu cầu của mình… Thượng úy Mai Nhựt Tân (chuyên viên Ban Thanh niên Công an tỉnh) khuyên các em nên học võ để phòng thân, đi đâu làm gì cũng cần giữ liên lạc với người thân để tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, gây án; cung cấp kỹ năng sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn. Ông Đặng Huy Châu (Trưởng phòng Dân số và Trẻ em, Sở Y tế) truyền thông về phòng tránh xâm hại trẻ em, những vụ việc xâm hại vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố; lưu ý trẻ nắm bắt 25 nhóm quyền trẻ em…
Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của thiếu nhi, định hướng giải pháp thích hợp để các em được học tập, vui chơi, sống trong môi trường an toàn, phát triển toàn diện. Những ý kiến về các vấn đề quan trọng sẽ được tiếp thu, tổng hợp, kiến nghị với HĐND tỉnh. “Hy vọng, sau diễn đàn, các em sẽ có thêm sự tự tin, bản lĩnh và trở thành những tuyên truyền viên tích cực, tiếp tục lan tỏa kiến thức đúng về pháp luật, Luật Trẻ em, các vấn đề liên quan đến trẻ em cho gia đình, người thân và bạn bè của mình” - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh An Giang Hồ Thị Hồng Phướng kỳ vọng.
GIA KHÁNH