Lạng Sơn: U60 dân tộc Tày "liều" trồng thứ cam đặc sản của người Kinh, ai ngờ thu cả tỷ đồng mỗi năm

21/09/2021 - 09:14

Tuy chưa trồng cam bao giờ, nhưng lão nông dân tộc Tày Dương Văn Dũng (SN 1961, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) vẫn mua đất để trồng vườn cam Canh quy mô lớn. Ông Dương Văn Dũng là nông dân duy nhất của tỉnh Lạng Sơn được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021".

Không phụ lòng người, hành trình chinh phục cây cam Canh (1 giống cam đặc sản của người Kinh ) của ông Dũng đã thành công khi thu hoạch những trái cam thơm ngon nức tiếng, doanh thu cả tỷ đồng.

Lần nào phóng viên gọi điện, lão nông Dương Văn Dũng cũng nói: "Tớ đang ở vườn, còn phóng viên lên được quê tớ lúc nào thì tớ đón. Nhà tớ rất dễ tìm, không sợ lạc đâu". Tuy chưa gặp ông lần nào, nhưng PV đã cảm thấy ở người nông dân dân tộc Tày này một sự thân tình và rất tin cậy.

Vượt quãng đường gần 200km, PV đến được vườn cam Canh của lão nông Dương Văn Dũng tại thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Đón PV là một người đàn ông trung niên có thân hình vững như trái núi, cánh tay để lộ ra những bắp cơ rắn chắc, trên môi luôn nở nụ cười hiền.

Cú lừa tiền tỷ và ý chí của một nông dân

Trò chuyện với PV, lão nông Dương Văn Dũng cho biết, ngày trước, huyện Bắc Sơn nổi tiếng là vùng nguyên liệu thuốc lá, nhà nào cũng có một vài lò sấy thuốc. Thuốc lá được giá, đời sống của người dân khá lắm. 

Bản thân ông cũng thu mua thuốc lá sấy khô. Năm 1990 mà đã làm được ngôi nhà đang ở như thế này, xi măng, sắt thép đều chở từ Hà Nội lên cả. 

"Nhưng đến năm 1997, mình bị bạn hàng lừa cho một vố mất sạch. Hắn ta nhập gần 30 tấn thuốc lá khô của mình, sau đó chở vào Sài Gòn tiêu thụ mà không trả tiền. Đó là toàn bộ vốn liếng mình tích cóp làm ăn trong nhiều năm", ông Dũng kể.  

Lão nông và hành trình chinh phục cây cam Canh trên đất Bắc Sơn xứ Lạng  - Ảnh 1.

Lão nông Dương Văn Dũng (thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) tại vườn cam Canh trị giá tiền tỷ của gia đình. Ảnh: Gia Tưởng

Xót của, ông Dũng lặn lội vào tận Sài Gòn để đòi nợ. Nhưng sau nhiều tháng không đòi được đồng nào, ông chấp nhận mất trắng, quay về quê nhà Bắc Sơn làm lại từ đầu.

"Lúc đó mình cảm thấy bị đát và quẫn bách lắm, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Mình vẫn là nông dân, mình còn sức khỏe, mình quay về làm lại từ đầu. Mình từng bước vực dần kinh tế của gia đình, nuôi dạy các con ăn học. Mình kiên trì bám vào nghề nông để làm kinh tế, vì mình trước sau chỉ biết mỗi nghề nông", ông Dũng nói.

Bằng sự chịu khó và uy tín của mình, kinh tế của gia đình ông từng bước được phục hồi sau cú lừa tưởng như kiệt quệ. Hai cô con gái của ông đều được ăn học đầy đủ, có việc làm và xây dựng hạnh phúc riêng. Ông bà cũng tạo lập cho con cái những cơ ngơi riêng để sinh sống và làm ăn kinh tế. 

Tuy nhiên, do sự thay đổi của thị trường, nông dân dần bỏ trồng cây thuốc lá do không còn lợi nhuận. Công việc đầu tư phân bón và thu mua thuốc lá nguyên liệu cho bà con nông dân cũng vì thế không còn lời lãi. 

Ông Dương Văn Dũng phải suy nghĩ chuyển đổi hướng phát triển kinh tế gia đình. Sau nhiều lựa chọn, ông quyết định đầu tư vào cây cam Canh - một quyết định táo bạo khi ông chưa trồng Cam bao giờ. 

Trái ngọt từ đất cằn

Sau nhiều lần trăn trở, ông Dũng quyết định mua mảnh đất bỏ hoang ở đầu thị trấn để trồng cam Canh. 

Nhớ lại quãng thời gian 7 năm trước, bà Bế Thị Liên - vợ ông Dũng kể: "Tôi là người ủng hộ hết mức quyết định mua đất làm vườn của chồng. Lúc đó, nhìn đám đất cằn dùng làm bãi thả trâu bò, nhiều người bảo vợ chồng tôi bị điên nên đi mua chỗ đất này. Sẽ chả làm ăn được gì".

Vậy nhưng, là người có sức khỏe lại có niềm tin, ông Dũng đã hằng ngày trần lưng ra cải tạo đất. Sau đó, ông lặn lội về tận huyện Văn Giang của tỉnh Hưng Yên để mua 1300 cây cam Canh giống mang về trồng. 

"Lúc mình mải làm thì hoàn toàn không để ý gì. Đến khi trồng cam Canh xong rồi mới nhớ ra là mình chưa học một lớp nào về kỹ thuật chăm cây cam đặc sản cực kỳ khó tính này", ông Dũng nhớ lại.

Ngay sau đó, ông Dũng lao vào học hỏi kinh nghiệm trồng cam Canh, tìm mua tài liệu về kỹ thuật và xem tài liệu, kinh nghiệm chia sẻ trên mạng áp dụng vào chăm sóc cây cam Canh. Sau nhiều lựa chọn, ông quyết định trồng cam Canh theo tiêu chuẩn an toàn vừa đảm bảo sức khỏe cho mình, vừa có cam sạch cung cấp cho người tiêu dùng.

Lão nông và hành trình chinh phục cây cam Canh trên đất Bắc Sơn xứ Lạng  - Ảnh 2.

Bà Liên là người luôn ủng hộ các quyết định đột phá của chồng. Ảnh: Gia Tưởng

Chia sẻ về quy trình chăm cam Canh, ông Dũng cho biết, đầu năm, ông xới đất và bón phân chuồng cho từng gốc cây. Tiếp theo, khi cây ra hoa và đậu quả nhỏ như đầu que diêm, ông sẽ bón phân NPK cho cây cứng. Đến khi quả cam Canh chuẩn bị được ăn, ông lại xay đậu tương, rồi bới đất bỏ vào từng gốc cây.

Nhìn xung quanh gốc cam Canh trong vườn sạch cỏ, ụ giun đùn lên chi chít, ông Dũng nói: "Nếu mình dùng thuốc trừ sâu hóa học và phân hóa học thì không bao giờ có giun đất sinh sống được nhiều như thế này. Có giun đất là có sự sống, chúng làm tơi xốp đất, tạo hơi thở cho cây, giúp cây khỏe và tránh được sâu bệnh".

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, đất được cải tạo tốt và đặc biệt là thời tiết ở Bắc Sơn rất hợp với cây cam Canh, nên ngay từ năm đầu tiên, cây đã cho quả có chất lượng hơn cả mong đợi. Cam chín đều, quả đỏ, mã đẹp, trái tròn to, múi mềm, ăn ngọt mát. Đặc biệt nhất, cam có vị thơm mà cam ở các vùng trồng khác không có được.

Với sự tìm tòi của mình, ông Dũng đã biết điều chỉnh thời điểm chín của cam. Do đó, vụ thu hoạch cam của nhà ông kéo dài hơn 2 tháng. Mỗi ngày, gia đình ông bán vài tạ đến một tấn cam.

Do cam sạch, chất lượng ngon nên cam Canh của gia đình ông được giá cao. Năm 2020, giá bán dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg mà không đủ cam để bán. Khách hàng chủ yếu ở các tỉnh Tuyên Quang, Hải Dương, Hà Nội và cả Sài Gòn. 

"Họ cứ xem trên Facebook, Zalo rồi gọi điện đặt hàng, chuyển tiền vào tài khoản. Mình nhận được tiền rồi đóng hàng cam Canh gửi xe đi cho họ. Đa số khách hàng của gia đình mình đều không giáp mặt nhau. Chỉ thông qua điện thoại thôi, do làm ăn uy tín nên hầu như nhà mình không có đủ cam đến bán," ông Dũng cho biết. 

Lão nông và hành trình chinh phục cây cam Canh trên đất Bắc Sơn xứ Lạng  - Ảnh 3.

Ông Dũng kiểm tra chuồng lợn của gia đình. Ảnh: Gia Tưởng

Theo bà Liên, đến mùa cam Canh chín, gia đình tuy bận mà vui lắm. Hai vợ chồng dậy sớm đi cắt cam theo đơn hàng. Hai anh con rể chở cam từ vườn về nhà, 2 con gái đóng thùng theo đơn hàng rồi gửi đi. 

"Rồi vườn cam Canh của nhà còn đón những đoàn cán bộ, các cháu thiếu nhi, bạn bè giao lưu học hỏi kinh nghiệm tới thăm. Nhiều đoàn đến tham quan rồi mua luôn cam Canh tại vườn. Tuy vất vả mà không có giảm giác mệt," bà Liên cười nói. 

Ông Dũng cho biết, năm 2020, vườn cam Canh của gia đình ông thu 25 tấn quả. Cộng với tiền bán lợn và một số gia súc, gia cầm khác, gia đình ông có thu nhập khoảng 1,4 tỷ đồng. Năm nay vườn cam Canh được mùa, dự kiến thu 40 tấn cam. Nếu được giá như năm trước, doanh thu sẽ khoảng 2 tỷ đồng từ bán cam.

Vừa qua, gia đình ông Dương Văn Dũng đã đầu tư mở rộng vườn cam Canh thêm 1.7ha nữa, nâng điện tích trồng cam đặc sản này lên hơn 4ha. Từ năm 2022, vườn cam Canh thứ 2 sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Sản lượng canh Canh tại vườn có thể lên đến 100 tấn cam mỗi năm. 

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Dũng còn sẵn sàng giúp đỡ về giống, vốn, kỹ thuật cho các nông dân khác để phát triển giống cam Canh trên đất Bắc Sơn.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Ngôn, nông dân Dương Văn Dũng là người luôn nhiệt huyết với phong trào của Hội, chịu khó tìm tòi hướng phát triển kinh tế của gia đình và đóng góp chung vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương. 

Bằng sức lao động của mình, ông Dương Văn Dũng đã khiến mảnh đất cằn đẻ ra tiền tỷ mỗi năm. 

Ông Dũng đã làm giàu theo hướng nông nghiệp sạch, phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên của địa phương, kết hợp với kỹ thuật mới. Mô hình trồng cam Canh và ý chí vượt khó làm giàu của ông Dương Văn Dũng làm động lực cho nhiều nông dân khác cũng phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương Bắc Sơn.

Theo Dân Việt