Lấy ráy tai ở quán cắt tóc, thói quen tưởng vô hại nhưng có thể gây nấm tai

28/05/2020 - 12:42

Nấm tai, nấm ống tai là bệnh lý chiếm khoảng 10% số ca mắc các bệnh về ống tai, nguyên nhân có từ thói quen ngoáy tai, lấy ráy tai mất vệ sinh.

Anh Nguyễn Văn Trường, 32 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội đến khám tại Bệnh viện An Việt vì bị ngứa tai, tai chảy dịch. Anh Trường kể mỗi lần ngứa tai anh lại thích gãi gãi thật nhiều cho dễ chịu. Chính điều đó gây xước ống tai khiến tình trạng viêm nhiễm ở ống tai càng tăng. Khi khám, bác sĩ khám nghi ngờ viêm tai và nấm ống tai.

Anh Trường cho biết mỗi lần đi cắt tóc anh lại yêu cầu thợ cắt tóc lấy ráy tai cho mình. Cảm giác dễ chịu, giảm stress nên anh coi đây là thói quen bình thường. Khi nghe bác sĩ nói đây là nguyên nhân dẫn đến nhiễm nấm tai, anh mới lo lắng. 

(Ảnh minh họa)

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết vào mùa hè nóng ẩm, số người đến khám về các bệnh lý tai tăng lên trong đó có nấm ống tai, tai ngoài.

Ống tai ngoài có những đặc điểm đặc biệt như thường xuyên bị ẩm ướt, da ống tai mỏng. Trong khi đó, đây lại là nơi dễ bị những tác động gây cọ xát như dụng cụ ngoáy tai, lấy ráy tai bằng kim loại hoặc bông gòn, que tăm hoặc thậm chí que tăm… điều này tạo thuận lợi để vi khuẩn hoặc nấm mọc và phát triển. 

PGS An thường xuyên gặp các trường hợp bệnh nhân bị nấm tai, mà thủ phạm là thói quen lấy ráy tai mất vệ sinh, đặc biệt là lấy ráy tai ở trong các tiệm cắt tóc, gội đầu. Bởi dụng cụ ráy tai lấy cho nhiều người, không vệ sinh sạch sẽ.

Dấu hiệu của nấm tai là người bệnh thường rất khó chịu ở tai, ngứa tai, đau tai. Có thể nhìn thấy ống tai bị hẹp, đỏ và có hình ảnh giống như bụi trắng của phấn trong ống tai. 

Ở giai đoạn sau cùng nếu không điều trị đúng cách, ống tai nhiễm nấm, vi khuẩn, hạch trước tai to và đau, màng nhĩ có thể bị thủng.

Bác sĩ soi tai có thể phát hiện ống tai ngoài chứa một khối ẩm ướt màu trắng, vàng có thể màu đen. Sau khi lấy nhẹ nhàng khối này ra, phần da ống tai ở dưới bị sung huyết rất đau, chạm nhẹ dễ chảy máu.  

PGS An cho biết người bệnh không thể tự điều trị. Thông thường khi khám xác định có nấm tai kèm viêm nhưng trường hợp của anh Trường có thể nhỏ một số dung dịch nước muối sinh lý và kháng sinh. Sau đó làm sạch ống tai bằng cách hút hết những chất bám trong ống tai, giữ cho ống tai khô. Sử dụng kháng sinh nếu kèm viêm và dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng nấm cho bệnh nhân.     

Để đề phòng nấm ống tai, PGS An khuyến cáo mọi người tuyệt đối không ngoáy tai bằng những dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, không để thợ cắt tóc lấy ráy tai hoặc làm vệ sinh tai. Ráy tai đóng vai trò đáng kể trong việc bảo vệ thành ống tai, chỉ lấy ráy khi ráy quá nhiều ảnh hưởng đến sức nghe. Để phòng bệnh nấm tai, phải vệ sinh tai hằng ngày, đặc biệt là sau khi tắm, bơi.

Mọi người không nên lấy ráy tai tại các tiệm cắt tóc gội đầu. Nếu bị nấm ở một bộ phận nào trên cơ thể thì cần phải điều trị dứt điểm, tránh lây nhiễm sang nhiều vị trí khác trên người và tai. Khi có dấu hiệu lâm sàng bất thường ở tai cần đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện và điều trị kịp thời. Những người có tiền sử viêm tai nên tránh nước vào tai, có thể sử dụng bông y tế để nút tai khi bơi, tắm. 

Theo QUỲNH TRÂM (VTC)