Nghị quyết yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Nội dung lấy ý kiến nhân dân phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung một số nội dung, chính sách lớn của dự án luật, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, được dư luận quan tâm. Việc tổ chức lấy ý kiến phải tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực, cũng như phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan, theo từng ngành, từng lĩnh vực, vấn đề... Ý kiến đóng góp của nhân dân được ghi nhận, tổng hợp đầy đủ, chính xác, tiếp thu, giải trình nghiêm túc.
Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương; MTTQ Việt Nam các cấp, tổ chức chính trị - xã hội thành viên; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và tổ chức kinh tế khác; viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học. Các nội dung trọng tâm sẽ do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, việc ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết; bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo luật, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Hoạt động này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Hình thức lấy ý kiến là góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phương tiện thông tin đại chúng... Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; kiên quyết đấu tranh với thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước. Những nội dung quan trọng cần lấy ý kiến là: Cho thuê đất không thông qua đấu giá và có thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; thời hạn sử dụng đất...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW, các nghị quyết, kết luận khác để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai. Trong quá trình xây dựng dự án luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong luật này hoặc đề xuất sửa đổi các luật có liên quan, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, năm 2023 không chỉ hoàn thành Luật Đất đai (sửa đổi), mà còn hoàn thành điều chỉnh luật pháp liên quan. Về các nội dung lớn của dự thảo luật, đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từ cơ sở pháp lý, thực tiễn tới thực trạng, xu hướng để xác định rõ từng vấn đề. |
N.R