Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy

13/06/2019 - 07:48

 - Đến xã Bình Thủy (Châu Phú) những ngày này, không khí lễ hội diễn ra vô cùng náo nhiệt, những người con của Bình Thủy tha phương lập nghiệp nô nức trở về, khách tham quan các nơi cũng tề tựu để tham dự lễ Kỳ yên, kỷ niệm 236 năm ngày thành lập làng Bình Thủy (1783 - 2019).

Khai sơ đình thần Bình Thủy

Theo sử liệu do con cháu họ Dương đang sinh sống tại cù lao Bình Thủy thu thập được, vào đầu thế kỷ thứ XVIII, thủy tộc họ Dương là ông Dương Văn Hóa, từ miền Trung bằng ghe bầu vượt sóng vào Nam, sau khi dừng chân nhiều nơi, cuối cùng ông chọn cù lao Năng Gù để khai khẩn đất hoang, lập làng sinh sống. Năm 1783, triều đình phê đơn chấp thuận cho ông Dương Văn Hóa đặt tên vùng đất khai khẩn là Bình Lâm Thôn (Bình Thủy ngày nay) và phong cho ông chức Trùm Tri Thâu quản lý thôn.

Đông đảo người dân tề tựu nhân Lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy hàng năm

Khi Bình Lâm Thôn hình thành, nhận thấy nhu cầu tín ngưỡng tâm linh ở vùng đất mới là cần thiết, ông Dương Văn Hóa cùng người dân ở vùng đất cù lao này lập nên ngôi miếu thờ thần và được vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng) phong Sắc thần. Năm 1850, ngôi miếu bị hỏa hoạn thiêu rụi, được dân làng xây cất lại thành ngôi đình tại địa điểm đình thần Bình Thủy hiện nay. Sau đó, Ban Hội Tề làng Bình Thủy dâng Sớ tới triều đình Huế xin lại Sắc phong thành hoàng thay cho Sắc thần đã bị cháy. Năm 1944, vua Bảo Đại thứ 19 ban Sắc phong thần cho đình Bình Thủy là “Tỉnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”. Từ đó đến nay, đình thần Bình Thủy thờ Thành hoàng bổn cảnh, vị thần cai quản địa phương sở tại. Ngoài ra, đình còn thờ vọng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và vị tiền hiền họ Dương có công khai khẩn đất hoang xây dựng Bình Lâm Thôn. Năm 2000, ngôi đình được UBND tỉnh công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Trải qua 236 năm, đình thần Bình Thủy được giữ gìn, trùng tu khang trang và trở thành điểm tựa tâm linh của người dân bản xứ.

Tưởng nhớ tiền nhân

Hàng năm, sau Tết Đoan ngọ, người dân Bình Thủy háo hức bước vào lễ Kỳ yên, bởi đây được xem là lễ hội văn hóa truyền thống lớn bậc nhất của vùng đất cù lao này. Khi lá “Thần kỳ” nền đỏ, tua vàng, có thêu 4 chữ “Thiên hạ thái bình” tung bay trên kỳ đài trước sân đình báo hiệu ngày trọng đại của thôn làng, cũng là lúc các hoạt động của lễ Kỳ yên bắt đầu diễn ra, với đầy đủ các nghi thức: Túc yết, Xây chầu, Đại bội… Trong các hoạt động của lễ Kỳ yên, nghi thức truyền thống rước Sắc thần diễu hành quanh cù lao diễn ra sáng 9-5 (âm lịch) có thể coi là nghi thức được người dân chờ đón nhất. Đoàn xe rước Sắc thần thường được dẫn đầu bởi xe chở đoàn lân, sư rộn ràng chiêng, trống, tiếp theo là xe “Thần du vãng cảnh” được trang hoàng lộng lẫy để chở Sắc thần, theo sau là Ban Quý tế mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề cùng đoàn xe hoa và hàng ngàn người dân tháp tùng. Đồng hành cùng đoàn xe thỉnh Sắc thần vòng quanh cù lao mới thấy những người con của vùng đất này dành tấm lòng rất thành kính cho lễ Kỳ yên nơi họ sống, trên đoạn đường đoàn xe đi qua, mỗi gia đình chuẩn bị sẵn bàn hương án trước sân, chủ nhà mặc áo dài khăn đóng để “nghinh thần”.

Đua thuyền truyền thống tại lễ Kỳ yên thu hút đông đảo người xem

Bên cạnh phần lễ trang nghiêm, thành kính, phần hội không kém phần sôi nổi, đặc biệt là giải đua thuyền truyền thống. Đây là hoạt động tạo nên nét đặc sắc riêng cho lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy, thu hút hàng ngàn người dân địa phương và khách tham quan đứng dày đặc 2 bên bờ sông Năng Gù cổ vũ các đội đua. Một điều khác biệt tạo nên nét độc đáo tại lễ Kỳ yên đình thần Bình Thủy là hoạt động hóa trang thành thổ dân của người dân địa phương. Trước ngày lễ hội, các thanh niên trong xã thiết kế những chiếc xe, tàu, bè làm từ thân cây chuối, với nhiều kiểu dáng đa dạng, trang trí bắt mắt. Họ sẽ đồng hành cùng đoàn xe rước Sắc thần và diễu hành quanh cù lao. Khi hoạt động đua thuyền diễn ra, những “thổ dân” lại thả trôi những chiếc bè trên sông, cùng nhau ca hát, nhảy múa để cổ vũ. Đối với người dân Bình Thủy lễ hội đình làng không phải là tín ngưỡng cao siêu mà là dịp để họ tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai hoang, lập làng Bình Thủy và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, cuộc sống an lành, no ấm.

MỸ LINH