Lỡ hẹn mùa trái cây Bảy Núi

27/05/2024 - 05:59

 - Mùa hạn năm nay, nắng nóng kéo dài, những nơi sản xuất thuộc các vùng núi thiếu nước tưới trầm trọng. Vậy là mùa trái cây được nhiều người mong đợi khi tìm đến Bảy Núi. Một số vườn thất mùa, đành hẹn năm sau thời tiết sẽ thuận lợi hơn.

Bước vào mùa hạ, những người có sở thích “xê dịch” về vùng núi sẽ điểm danh lần lượt các loại trái cây yêu thích thân thuộc. Hầu hết chúng mọc tự nhiên, hoang sơ, như: Trâm, vải rừng, trái say… “Lộc trời” nên mỗi năm vào mùa, người dân tự do hái bán, thuộc lãnh thổ ruộng, vườn của ai thì người ấy có thêm chút thu nhập. Chứng kiến hạn hán năm nay gay gắt đến độ nào, nên nhiều người không mấy ngạc nhiên khi mùa cho trái cây bị giảm sản lượng.

Chị Néang Oanh Ra (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) hàng ngày đi hái trái trâm bán lẻ và giao cho thương lái, kiếm được bình quân từ 1 - 2 triệu đồng. Nhờ trên ruộng của chị sở hữu hơn 10 cây trâm nên được khoản thu đó. Tuy nhiên, mùa trâm năm nay rất ngắn, do thời tiết ảnh hưởng nên trái thu hoạch được khá khiêm tốn. “Nắng quá nên trái trâm sẽ nhỏ, hột to, ít thịt, không được sai… Nếu xen kẽ mấy cơn mưa sớm thì trái sẽ ngon. Năm nay, chưa được 2 tháng đã không còn trâm để bán” - chị Oanh Ra cho biết.

Canh tác thuận thiên, nhiều cây trồng không đạt năng suất do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài

Nhóm bạn từ TP. Long Xuyên tìm đến huyện Tri Tôn để “săn” trái rừng tỏ vẻ hụt hẫng. “Canh chừng tháng 5 là tụi em về núi chơi, thích mua vải rừng lắc muối ớt, dạo quanh các ngọn núi hóng mát. Nhưng năm nay, cả đoạn đường quen thuộc vắng hoe, không bày bán xôm tụ như thường thấy. Chỗ gặp được cây vải rừng thì cành lá xơ xác. Bà con cho biết, có cây phải đủ chu kỳ năm mới ra trái, có cây do thời tiết sinh trưởng không nổi” - Mỹ Duyên (thành viên trong nhóm “phượt bụi”) chia sẻ.

Vậy là các bạn trẻ hẹn nhau chờ mùa mưa sẽ quay lại núi, tắm suối, thưởng thức cua núi, ốc núi, măng rừng… và “chill chill” cảm giác mát lạnh. Với người dân địa phương, nhờ bán trái rừng đặc sản cho khách vãng lai mà các mùa vụ nối nhau giúp họ có thêm nguồn thu nhập kha khá. Trên sạp hàng trước sân nhà của họ, nay chỉ có mấy rổ đào lộn hột (trái điều) bán lai rai. Dù vậy, đối với họ, trái cây rừng là loại có sẵn trong tự nhiên, không mất chi phí trồng, chăm sóc, có “đồng ra đồng vào” thì mừng, không có thì đợi năm sau.

Cây mọc hoang đã vậy, với những vườn cây ăn trái canh tác trên núi còn khó khăn nhiều hơn. Ngoài cây chuối ít bị ảnh hưởng, còn lại mít, xoài, sầu riêng, bơ, mãng cầu, bưởi… đều thất mùa. Địa hình cao, nông dân trồng trọt trên núi chủ yếu phụ thuộc nguồn nước mưa. Vào mùa nắng, các bồn tích trữ nước chỉ giúp “cứu hạn” cho cây thời gian ngắn.

Vườn của ông Hai Đua trên núi Dài (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) có khoảng 60 cây sầu riêng lớn vào độ thu hoạch. Do cây trồng thiếu nước tưới trầm trọng, ảnh hưởng quá trình phát triển nên đến vụ, sầu riêng đậu trái nhỏ, trọng lượng lớn nhất cũng chỉ hơn 2kg và năng suất các cây không đều. Hơn 1 tháng trước, nắng nóng đỉnh điểm khiến nhiều cây sầu riêng nhỏ và chôm chôm chết khô. Nhiều nhà vườn trên núi đều thiệt hại. Bù lại, trái sầu riêng được trồng trên núi rất được khách hàng ưa chuộng, mùa nào cũng không đủ bán.

Mọi năm giá sầu riêng từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, năm nay giá bán tăng lên 100.000 đồng/kg vẫn được khách đặt mua liên tục. Sở dĩ “hot” vì trái cây trên núi được người dân canh tác thuận thiên, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Sầu riêng không hái sẵn, để tự rụng, bán cho khách đúng nghĩa “chín tại vườn”. Theo cảm quan người ăn, có lẽ cây mọc trên núi, chống chọi thời tiết khắc nghiệt nên trái có vị rất ngon, khác biệt với sầu riêng ở đồng bằng.

Năm nay, các loại trái cây ở vùng núi giảm sản lượng đáng kể

Cùng canh tác trên núi Dài, vườn của chị Ánh Quyên thuộc địa phận xã Lương Phi vừa trồng trái cây để bán, vừa đón khách lên nghỉ dưỡng quanh năm. Đặc biệt, phục vụ theo phong cách “mùa nào, thức ấy”, cây trái có sẵn trong vườn khiến nhiều người rất thích. Sau nhiều năm canh tác, vợ chồng chị khẳng định thổ nhưỡng tại đây thích hợp để trồng cây ăn trái và cho chất lượng ngon khác biệt.

Chị Quyên cho biết, rải rác quanh vườn có 200 gốc bơ sáp, vụ năm ngoái thu hoạch được 500kg, ước tính năm nay tăng lên 1 tấn. Khổ nỗi thời tiết không chiều lòng người, nắng gắt khiến cây bơ rụng hoa không đậu trái nên không có bơ để bán. Hiện nay, vườn bắt đầu thu hoạch được ít sầu riêng Musaking bán cho khách trải nghiệm camping. Nhiều người hỏi thăm để đặt hàng và lên núi thưởng thức, nhưng chị từ chối vì chưa đến mùa rộ, chỉ nhận bán khi vào vụ “ăn chắc”.

Một năm không được thuận lợi cho những người làm nông ở vùng Bảy Núi. Những vị khách phương xa ưa chuộng trái cây đặc sản ở vùng núi “buồn một”, các chủ vườn “buồn mười”. Song, đó cũng là đặc thù sản xuất, ai cũng phải chấp nhận, khi phần lớn việc chăm sóc cây trồng dựa vào điều kiện tự nhiên và không phải năm nào cũng khắc nghiệt đến vậy.

Bù đắp cho sự chịu thương, chịu khó của người dân, cây trái ở vùng này được khách hàng ưu ái, bán được giá cao. Từ cây rừng đến các loại được trồng chăm chút, “trái cây núi” nói chung được đánh giá thơm ngon, an toàn. Gác lại một mùa vụ kém vui, mùa mưa đã đến, hứa hẹn khơi dậy sức sống cho những cánh rừng và “mùa vui” cho cư dân vùng núi.

MỸ HẠNH