Hoàng Tuấn(phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên)
Bác sĩ Lê Minh Uy, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe An Giang:
Cà phê là thức uống được tiêu thụ nhiều nhất thế giới, cũng là câu cửa miệng. Bồi dưỡng ai đó - “tiền cà phê cà pháo”; "đi uống nước - đi cà phê”... Cà phê thường được uống vào buổi sáng, buổi trưa, thậm chí vào buổi tối.
Cà phê, tạm chia ra 4 loại chính: cà phê Robusta vị đắng, hương thơm dịu, nước nâu sánh, không chua, hàm lượng cafein thấp; cà phê Culi vị đắng gắt, hương thơm say đắm, nuớc đen sánh ít, không chua, hàm lượng cafein cao; cà phê Arabica khi pha cho nước có màu nâu nhạt sánh, mùi vị đắng rất đa dạng từ đắng dịu hương nhẹ đến vị đắng gắt, hương thơm nồng nàn, vị hơi chua phù hợp với phái nữ; cà phê Cherry hạt vàng, sáng bóng, khi pha tạo mùi thơm thoang thoảng, tạo ra cảm giác dân dã, cao sang, quý phái. Hương vị cà phê được tổng hợp nhiều mùi. Mùi hương cà phê tùy thuộc tỷ lệ phối trộn; cách rang, ủ và cảm nhận, tâm lý, không gian, thời gian, kể cả “gu” uống.
Về sức khỏe, cà phê tác động qua chất caffein. Sau khi uống cà phê 30 phút đến 1 giờ, nồng độ chất caffein trong máu sẽ đạt tối đa và ảnh hưởng kéo dài đến 24 giờ. Uống cà phê có thể gây sảng khoái, gây say, gây ghiền, nhiều cung bậc. Từ giúp bớt mệt mỏi, bớt buồn ngủ, tinh thần sảng khoái… đến thiếu nó cơ thể không làm gì được, ngầy ngật, bần thần, uể oải, nhức đầu, buồn ngủ, ngáp vắng ngáp dài. Cảm giác khó chịu này thôi thúc con người phải uống một tách cà phê.
Cà phê đối với sức khỏe còn nhiều bàn cãi. Caffein trong cà phê giúp giảm nhức đầu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, phòng ngừa sâu răng nhờ chất tannin trong cà phê. Caffeine ngừa được bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, ngừa sỏi mật, cải thiện các kỹ năng hiểu biết; chứa nhiều chất chống ô-xy hóa, chất Trigonellin rất tốt để ngừa ung thư, tăng đề kháng cơ thể, tăng tuổi thọ… Mặt khác, caffein kích thích tuyến thượng thận tiết adrenalin và tuyến tụy tạng tiết ra chất Clucagon. 2 Hormones này làm tăng chuyển hóa Glycogen dự trữ trong gan ra thành glucose để thải vào máu, làm tăng đường huyết. Caffein làm cơ thể giảm hấp thụ khoáng chất và Vitamin: sắt, Can-xi, Kali, magie, kẽm, B1 và C... làm tăng Cholesterol và tăng nguy cơ ung thư tụy. Phụ nữ mang thai, tiền mãn kinh, uống nhiều cà phê trong 1 ngày (trên 200mg, 2 tách) sẽ gây sảy thai, tăng nguy cơ loãng xương.
Cà phê uống 1-2 ly gọi là ít, 5-6 ly là uống nhiều, ghiền. Các nhà chuyên môn thấy rằng, uống 5-6 cử cà phê thì ghiền nặng, còn 3-4 cử là ghiền nhẹ và khuyên chúng ta không nên uống quá nhiều. Uống bao nhiêu là vừa? Điều này tùy thuộc vào lượng caffein có trong ly cà phê. Caffein trong ly cà phê nhiều hay ít phụ thuộc vào cách chế biến, ướp ủ hạt; cách pha, pha đậm hay pha lợt. Nấu cà phê trong nồi sẽ cho nồng độ caffein rất cao. Trung bình 1 tách cà phê pha kiểu Việt Nam chứa khoảng 150mg caffein; 1 tách cà phê hòa tan chứa 100mg caffein. Các loại cà phê khác thường dưới 100mg.
Các tác dụng vừa kể của cà phê cũng có thể thay đổi tùy theo cá nhân. Có người chỉ cần uống 1 tách cà phê là bị mất ngủ, nhưng người khác thì dù có uống 2-3 tách cũng không sao. Các bác sĩ khuyên không uống quá 500mg caffein mỗi ngày. Như vậy, chúng ta không nên uống quá 4-5 tách cà phê mỗi ngày.
Cà phê đối với sức khỏe có tốt, có xấu. Khi lạm dụng, nó gây hại sức khỏe và gây ghiền, do vậy, nên giảm uống cà phê.
GIA KHÁNH (Tổng hợp)