Long Xuyên vốn bình yên!

08/05/2024 - 06:04

 - Trong guồng quay tất bật của nỗi lo “cơm áo gạo tiền” nơi phố thị, mỗi người đều cố gắng tìm cho mình góc bình yên. Dù biết ngắn ngủi, nhưng phần nào khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn.

“Long Xuyên vốn bình yên” - nhiều người đã nói như thế. Với tôi, Long Xuyên đẹp, một nét đẹp rất riêng không phải nơi nào cũng có. Nằm bên bờ sông Hậu, Long Xuyên ngày càng năng động phát triển, khẳng định tầm quan trọng, vị thế của mình trong khu vực ĐBSCL. Từ một thị xã nhỏ bé, sau 25 năm xây dựng và phát triển, TP. Long Xuyên đã là thành phố đô thị loại I trực thuộc tỉnh, một thành phố hiện đại nhưng cũng đậm chất miền Tây.

Long Xuyên đẹp, hấp dẫn từ địa điểm giải trí thu hút mọi lứa tuổi, đến món ăn rất riêng, độc đáo, chỉ nơi này mới có, như: Cơm tấm Long Xuyên, chè bưởi Long Xuyên, bún cá Long Xuyên… Nhờ đó, tạo nên phong vị riêng cho thành phố. Giữa trung tâm ồn ào và đông đúc, tôi vẫn tìm thấy cho mình những góc bình yên khi chạy qua con đường dẫn ra Công trường Trưng Nữ Vương.

Từ đây, đạp xe thêm chút nữa, sẽ được lắng lòng với dòng lịch sử sáng ngời của dân tộc trước bến phà Ô Môi dẫn qua xã Mỹ Hòa Hưng. Đó là miền cù lao xanh rì, đầy ắp cây trái, nơi đã sinh ra người con ưu tú làm rạng danh đất nước và niềm tự hào quê hương An Giang - Chủ tịch Tôn Đức Thắng!

Góc nhỏ bình yên ở Long Xuyên

Một buổi chiều nắng gắt, nếu đứng phía cầu Duy Tân nhìn về hướng cầu Hoàng Diệu, sẽ thấy sự hòa quyện giữa tầm hồn con người, bước chân lặng lẽ của thiên nhiên. Ngắm nhìn gợn sóng nhẹ lăn tăn phản chiếu mặt trời đang chìm dần dưới chân cầu, đó là “bức tranh thủy mặc” đầy màu sắc và lung linh.

Ở Long Xuyên, một chợ nổi tồn tại từ rất lâu. Không ồn ào hối hả, đông đúc như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Long Xuyên mang đến hơi thở bình dị thân quen của con người và vùng đất An Giang. Nó tạo nên nét văn hóa độc đáo của người dân An Giang nói riêng, người dân vùng ĐBSCL nói chung.

Điểm đặc trưng nhất chợ nổi chính là những chiếc sào dài cắm phía trước ghe, treo nào là cam, bưởi, quýt, chuối, dưa, dừa... Đó là những cây bẹo, chủ ghe treo mặt hàng mình bán như một cách “quảng cáo” độc đáo mang “thương hiệu” chợ nổi. Thời gian họp chợ bắt đầu từ 5 giờ và kết thúc lúc 9 giờ, chỉ ngắn ngủi vài giờ thôi. Chợ nổi Long Xuyên tồn tại hàng chục năm qua, dù không nổi tiếng nhưng toát lên nét đặc trưng rất riêng của cư dân sông nước. Thương lái mua hàng xong sẽ tỏa đi khắp nơi, đến tận kênh, rạch vùng nông thôn để tiêu thụ.

Một góc chợ nổi Long Xuyên

Mọi thứ dường như là một bức tranh hoàn hảo đối với ai đã trót thương, trót tơ vương thành phố trẻ này. Để rồi lúc nào đó lại tự phác họa nó trong trái tim của mình, mỗi khi chợt nhớ về. “Cảnh vật ở Long Xuyên so những năm đầu tiên tôi học đại học cho đến nay thay đổi ít nhiều, đang ngày càng đổi mới, khởi sắc hơn. Những tuyến đường đã thông thoáng, phương tiện giao thông lưu thông dễ dàng, cây xanh được chăm sóc tỉ mỉ.

Tuy nhiên, rất cần trồng thêm cây xanh. Con người Long Xuyên thì thân thiện, luôn san sẻ, đùm bọc cho những mảnh đời khó khăn. Quán “Cơm chay 0 đồng”, “Bếp ăn tình thương” hay “Thùng nước uống miễn phí” là minh chứng rõ nhất cho điều đó” - Chí Thiện (sinh viên Trường Đại học An Giang) chia sẻ.

Long Xuyên trong cảm nhận của người con xa quê lại càng chất chứa bao kỷ niệm. “Tôi yêu Long Xuyên từ hồi nào không biết, yêu từ những cái đơn giản, khiến tôi tự hào vô cùng khi giới thiệu cho bạn bè. Từ bờ hồ Nguyễn Du, hàng cây “mùa thu lá bay”, bờ kè cầu Hoàng Diệu, đến đèn bốn ngọn - biểu tượng của thành phố trẻ, năng động… tất cả in đậm trong tâm trí tôi.

Dù đang sinh sống và làm việc ở một thành phố khác, nhưng những góc thân quen, con đường nhỏ, bao món ăn ngon của Long Xuyên, tôi vẫn nhớ như in. Tình cảm của tôi đối với Long Xuyên là vậy đó! Yêu vô cùng và cũng cảm thấy gần gũi vô cùng. Để rồi, dù có đi thành phố nào thì Long Xuyên đối với tôi cũng tuyệt vời nhất” - chị Bảo Trân (ngụ phường Mỹ Quý) bồi hồi.

Tuy không rộng lớn, xa hoa tráng lệ như thành phố lớn, nhưng Long Xuyên đang ngày ngày phát triển, mãi là “chiếc nôi” bình yên bao bọc con người hiền hậu nơi đây.

PHƯƠNG LAN