Lớp học tiếng Khmer của bộ đội

29/10/2023 - 08:12

 - Tại Trung đoàn 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang), gần 2 tháng nay, có 1 lớp học rất đặc biệt, ngày ngày vang tiếng đánh vần của cán bộ, nhân viên các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh.

Đó là lớp bồi dưỡng tiếng Khmer do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang phối hợp Trường Đại học Trà Vinh tổ chức. Lớp quy tụ 50 học viên, phần lớn là người Kinh, lần đầu tiếp xúc với tiếng Khmer, nên việc học gặp không ít khó khăn.

Khi được tổ chức, lớp học kỳ vọng trở thành tiền đề để từng học viên tiếp tục nghiên cứu, học tập, hướng tới giao tiếp trực tiếp bằng ngôn ngữ Khmer trong sinh hoạt, công tác sau này. Chương trình học được chia làm 3 phần: Nhận diện chữ viết; giao tiếp và thuật ngữ quân sự.

Thiếu tá Nguyễn Phước Sang (Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang huyện Tri Tôn) chia sẻ: “Tri Tôn là huyện có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống. Lực lượng dân quân của huyện đa phần là người Khmer. Do đó, khó khăn lớn nhất của chúng tôi khi tiếp xúc với đồng bào là bất đồng về ngôn ngữ. Khi được cấp trên thông báo có lớp bồi dưỡng tiếng Khmer, tôi xung phong tham gia học ngay”.

Tiếng Khmer có 33 phụ âm và 25 nguyên âm. Ban đầu, học viên gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận ngôn ngữ này, nhất là cách phát âm. Do vậy, khi đến lớp, từng học viên phải luôn tập trung lắng nghe thầy giáo giảng bài, mạnh dạn nói chuyện, giao tiếp với học viên khác, phải học thuộc nhiều từ vựng.

Hơn 2 tuần nay, thầy Thạch Savana,giảng viên Trường Đại học Trà Vinh trực tiếp đứng lớp. Thầy cho biết: “Ngôn ngữ Khmer rất khó tiếp nhận và sử dụng thông thạo trong thời gian ngắn. Vì vậy, người học phải kiên trì. Các học viên tôi giảng dạy lần này cũng rất đặc biệt. Sinh viên tôi giảng dạy tại nhà trường, đa phần đều đã biết cơ bản về tiếng Khmer. Còn tại đây, các anh bộ đội đều chưa biết gì”.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm, thầy Savana cố gắng vận dụng tối đa kỹ năng giảng dạy trực quan, thực tế nhất, hy vọng nâng cao kỹ năng nghe, nói và truyền đạt cho những học viên “đặc biệt” này hiểu thêm về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Đại úy Huỳnh Phương Em, bác sĩ Bệnh xá Quân y tỉnh An Giang chia sẻ: “Lúc đầu, tôi thấy tập viết chữ Khmer rất khó. Ngoài sự chỉ bảo tận tình của thầy giáo, tôi còn tự trang bị cuốn sách luyện viết đúng, viết đẹp bằng chữ Khmer. Tham dự khóa học, tôi hiểu nhiều hơn về con người, văn hóa, phong tục tập quán người dân tộc thiểu số Khmer. Điều này giúp tôi chủ động, tự tin trong giao tiếp; dễ dàng phối hợp tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước”.

 “Sau khóa học này từng đồng chí sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp xúc, gần gũi với đồng bào Khmer. cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Đồng thời, là hạt nhân trong bồi dưỡng, vun đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn bó tình cảm đồng đội; có thêm không gian mở trong sinh hoạt, học tập, công tác, góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc Khmer” - đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang mong muốn.

AN KHANG