Tiết là một thành phần khá phổ biến trong nhiều món ăn trên thế giới bao gồm cả Việt Nam nhưng lại bị cấm tiêu thụ ở Singapore. Mọi hoạt động buôn bán, tích trữ đều bị coi là bất hợp pháp ở đây.
Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) từng điều tra một nhà hàng Thái Lan tại Golden Mile Tower vì bán món ăn có chứa tiết lợn. Ngoài ra, một người phụ nữ đã bị phạt gần 6.000 USD vì bán qua mạng các sản phẩm chứa tiết lợn. SFA đã thu giữ khoảng 30kg tiết.
“Các sản phẩm chế biến từ tiết (lợn) bị cấm ở Singapore vì tiết có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra nhiều bệnh tật. Việc giết mổ không hợp vệ sinh có thể đưa mầm bệnh vào món ăn”, SFA giải thích.
Tiết lợn xuất hiện trong bữa ăn của nhiều nước. Ảnh: Wokandkin
Theo CNA, Cơ quan Thú y và Thực phẩm Nông nghiệp Singapore (AVA) đã cấm việc lấy máu lợn từ lò mổ địa phương trong đợt bùng phát virus Nipah vào năm 1999.
Người phát ngôn của AVA cho biết, máu là nguồn lây truyền tiềm năng của virus và các mầm bệnh khác. Kể từ đó, các lò mổ của Singapore đã không cung cấp tiết lợn và SFA cũng không chấp nhận bất kỳ nguồn tiết lợn nào nhập khẩu vào nước này.
Trung tâm quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm Singapore cho hay, các trường hợp nhiễm virus Nipah ở người xảy ra từ tháng 9/1998 đến tháng 6/1999 tại Malaysia và Singapore. Sau đó, họ không ghi nhận các ca bệnh mới.
Đợt bùng phát ở Singapore ban đầu được cho là do virus viêm não Nhật Bản do muỗi truyền. Tuy nhiên, các ca bệnh ở Malaysia xuất hiện ở những người tiếp xúc gần với lợn.
Theo đó, các nhà chức trách đã ngay lập tức thực hiện một số biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào Singapore, bao gồm dừng nhập khẩu lợn sống từ các trang trại bị ảnh hưởng ở Malaysia, tăng tần suất phun thuốc diệt bọ gậy để tiêu diệt muỗi.
Tất cả những người làm ở lò mổ và buôn bán lợn ở Singapore cũng được yêu cầu đi kiểm tra sức khỏe. 11 người ở Singapore đã nhiễm virus, với một trường hợp tử vong. Virus Nipah gây viêm não và lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với lợn, dơi hoặc người nhiễm bệnh.
Theo quy định của Singapore, bất kỳ ai nhập khẩu và bán các sản phẩm chứa tiết lợn có thể bị phạt tới 37.000 USD hoặc bị phạt tù tới 2 năm hoặc cả hai. Trong những lần bị kết án tiếp theo, họ có thể bị phạt tới 74.000 USD, bị phạt tù tới 3 năm hoặc cả hai.
Ưu nhược điểm của tiết lợn
Tiết động vật - điển hình là tiết bò, lợn, dê, cừu, gà, vịt và ngỗng - đã được sử dụng trong ẩm thực của nhiều nước như Anh, Mỹ, Pháp, Ba Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam.
Theo Food and Nutrition, một số nghiên cứu khuyến khích ăn tiết để ngăn ngừa bệnh thiếu máu do chứa nhiều chất sắt.
Dù vậy, không phải toàn bộ lượng sắt đó đều được cơ thể hấp thụ. Phần dư thừa sẽ phản ứng với với các chất có trong đường ruột tạo ra sắt sunfua (chất rắn màu đen). Đó là lý do phân thải ra ngoài có màu đen. Bởi vậy, không ít người tưởng việc ăn tiết giúp loại bỏ các chất độc.
Theo Aboluowang, các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người không nên ăn quá nhiều tiết lợn cùng lúc. Nếu lượng sắt quá nhiều có thể dẫn tới ngộ độc với triệu chứng nôn mửa, đau dạ dày. Các chuyên gia khuyên, bạn chỉ nên ăn tiết lợn một lần một tuần hoặc 2-3 lần trong một tháng.
Thêm vào đó, không phải tất cả mọi người đều thích hợp ăn món tiết lợn. Danh sách đối tượng cần tránh xa món ăn này còn có người có mỡ máu cao, huyết áp không ổn định, chảy máu đường tiêu hóa.
Bác sĩ cũng khuyến cáo không ăn tiết canh bởi nguy cơ mắc nhiễm liên cầu khuẩn lợn rất cao.
Theo Vietnamnet