Mách bạn bí quyết để tránh xa các biến chứng của bệnh tiểu đường

03/11/2024 - 18:31

Bệnh nhân tiểu đường không cần phải cắt giảm hoàn toàn tinh bột, thay vào đó nên sử dụng các loại tinh bột phân hủy chậm, cung cấp năng lượng ổn định như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt...

(Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao.

Bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng trên nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể. Do đó, việc tìm hiểu các biến chứng của bệnh tiểu đường cũng như biện pháp ngăn ngừa biến chứng là cực kỳ quan trọng. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe người bệnh cũng như thuận lợi hơn trong công tác điều trị.

1. Một số biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường

Đây là bệnh mạn tính nguy hiểm, nếu không kiểm soát tốt lượng đường huyết người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là một số biến chứng thường gặp.

Biến chứng ở da

Người bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm khuẩn ngoài da khi vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập làm tổn thương da. Ngoài ra, người bệnh cũng dễ gặp phải các bệnh như u hạt vòng, bệnh bạch biến, bệnh gai đen, u mỡ vàng, mụn nhọt, u hạt vòng, phỏng nước, ban vàng,…

Thực tế những bệnh ngoài da này có thể xuất hiện ở bất cứ ai song người bệnh tiểu đường có nguy cơ gặp phải cao hơn, và bệnh cũng thường kéo dài dai dẳng dễ tái phát. Biến chứng trên da do tiểu đường hầu hết có thể điều trị và kiểm soát được.

ngua da.jpg

(Ảnh: Getty images)

Biến chứng về mắt

Nồng độ đường huyết cao gây tổn thương mạch máu và gây biến chứng ở mắt như bệnh võng mạc, xuất huyết mạch máu nhỏ vùng đáy mắt, giảm hoặc có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, những biến chứng về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp... cũng có thể xảy ra.

Các biến chứng này nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể bị mù lòa vĩnh viễn. Do vậy, người bệnh tiểu đường cần thường xuyên đi khám mắt định kỳ, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở mắt để điều trị phòng ngừa.

Biến chứng về tim mạch

Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gặp phải các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, rối loạn chuyển hóa, rối loạn đông máu,… hơn gấp 2-3 lần người bình thường. Trong đó, xơ vữa mạch vành còn dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, nhồi máu não,…

Nguy cơ đột quỵ ở người mắc bệnh tiểu đường cao gấp 1,5 lần so với những người không mắc, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng nếu can thiệp trễ. Do vậy, người tiểu đường ngoài kiểm soát đường huyết cũng cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tim mạch để phát hiện sớm biến chứng nếu có.

tim mach.jpg

(Ảnh: Getty images)

Biến chứng về thần kinh

Biến chứng về thần kinh thường xuất hiện sớm nhất và thường xuyên của bệnh nhân mắc tiểu đường. Có đến một nửa bệnh nhân tiểu đường gặp phải biến chứng thần kinh do đường máu tăng cao gây tổn thương mạch máu nuôi dây thần kinh, khiến dây thần kinh tổn thương, mất cảm giác ở chân và tay.

Nghiêm trọng hơn, biến chứng thần kinh có thể khiến người bệnh không cảm giác được dấu hiệu nguy hiểm ở chân, nguy cơ loét bàn chân cho chấn thương. Không ít bệnh nhân phải cắt cụt chân để khắc phục biến chứng thần kinh do tiểu đường.

Biến chứng về thận

Đường trong máu cao gây tổn thương đến vi mạch máu trong thận, từ đó suy giảm chức năng lọc của thận, thậm chí suy thận. Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ suy thận cao gấp 10 lần so với người bình thường, kèm theo đó là những biến chứng tim mạch nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng của người bệnh tiểu đường gặp biến chứng ở thận gồm huyết áp tăng, phù, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, chán ăn,… Để phòng ngừa biến chứng này, cần duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát đường huyết và tầm soát biến chứng thận định kỳ.

benh than.JPG

(Ảnh: Getty images)

2. Nên làm gì để tránh xa các biến chứng của tiểu đường?

Bệnh tiểu đường thường gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh. Ngoài việc điều trị bằng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ, một số điều chỉnh về lối sống có thể giúp người bệnh tránh xa các biến chứng nguy hiểm nêu trên.

Dùng đúng số lượng chất bột, đường mỗi ngày

Bệnh nhân tiểu đường không cần phải cắt giảm hoàn toàn tinh bột, năng lượng từ tinh bột nên chiếm 50-60% năng lượng khẩu phần.

Bạn nên sử dụng các loại tinh bột phân hủy chậm, cung cấp năng lượng ổn định (ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt, rau củ, trái cây tươi, ...) để ngăn ngừa biến chứng tiểu đường. Hạn chế các loại quả làm tăng đường huyết và lâu dài dẫn đến biến chứng bệnh tiểu đường như na, mít, vải, nhãn,...

Việc cắt giảm quá mức tinh bột dẫn đến cơ thể thiếu năng lượng, gây nên những biến chứng cấp tính như hạ đường huyết với biểu hiện mệt mỏi, vã mồ hôi, lo âu, mờ mắt,...

Số lượng chất bột, đường (carbohydrate) trong các bữa chính và bữa phụ tùy thuộc vào nhu cầu năng lượng và mức độ vận động của bạn, nó cũng tùy thuộc vào loại thuốc điều trị. Để biết chính xác về lượng chất bột, đường có thể tiêu thụ trong một ngày, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sỹ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

ngu coc ngueyn hat.jpg

(Ảnh: Getty images)

Giảm cân nếu cần thiết

Với những người bị béo phì, thừa cân, chỉ cần giảm vài cân cũng đã có thể cải thiện khả năng cơ thể sử dụng insulin. Điều này sẽ làm giảm lượng đường trong máu, cải thiện huyết áp và mỡ máu. Chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm cân hiệu quả.

Ngủ đủ giấc

Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể làm tăng cảm giác ngon miệng và thèm ăn các loại thực phẩm có nhiều carbohydrate, dẫn tới tăng cân, kéo theo nguy cơ phát triển các biến chứng về tim mạch. Vì vậy người bệnh tiểu đường nên cố gắng ngủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày. Với các trường hợp bị ngưng thở khi ngủ, điều trị tình trạng này sẽ giúp làm giảm lượng đường trong máu.

giac ngu2.jpg

(Ảnh: Getty images)

Vận động hợp lý

Bệnh nhân tiểu đường có thể lựa chọn bất cứ hình thức luyện tập nào yêu thích, chẳng hạn như đi bộ, khiêu vũ hay đi xe đạp. Nên dành khoảng 30 phút/ngày để luyện tập.

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ tim mạch, cholesterol, huyết áp và giữ cho trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý. Tập thể dục cũng làm giảm căng thẳng và cắt giảm việc sử dụng thuốc điều trị tiểu đường.

Kiểm soát đường huyết hằng ngày

Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên là cách để người bệnh tránh được các biến chứng của bệnh tiểu đường như đau dây thần kinh hoặc khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Kiểm tra lượng đường trong máu cũng là cách để điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập và đánh giá xem phương pháp điều trị có hiệu quả không.

tieu-duong.jpg

(Ảnh: Getty images)

Giảm căng thẳng

Một số biểu hiện sau cho thấy bạn đang gặp phải căng thẳng như rối loạn giấc ngủ, không có động lực, cáu kỉnh, suy sụp, bồn chồn, lo lắng, đau đầu, mệt mỏi,... Căng thẳng có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng lên.

Vì thế, bạn nên cố gắng kiểm soát và hạn chế những căng thẳng về cả vật chất và tinh thần. Các kỹ thuật thư giãn như tập thở, yoga, thiền định đặc biệt hiệu quả với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

Nói không với muối

Giảm muối làm giảm huyết áp và bảo vệ thận của bạn, giúp ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường đến tim mạch và thận. Hầu hết lượng muối trong chế độ ăn uống hàng ngày đến từ thực phẩm chế biến sẵn. Vì thế nên sử dụng thực phẩm tươi sống thay cho các loại thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn. Có thể sử dụng thảo mộc hay các loại gia vị khác để thay thế cho muối khi nêm nếm thức ăn.

Người mắc bệnh tiểu đường nên giảm xuống dưới 2,3g muối mỗi ngày hoặc thấp hơn.

muoi.jpg

(Ảnh: Getty images)

Chọn thực phẩm tốt

Chế độ ăn là vấn đề cơ bản trong điều trị tiểu đường với mục tiêu cung cấp đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng để có thể đạt và duy trì mục tiêu cân nặng, đạt các mục tiêu về đường huyết, huyết áp và mỡ máu, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường.

Để có chế độ ăn hợp lý, bạn cần ghi nhớ một số điều cơ bản như sử dụng các loại rau quả như khoai lang, các loại rau lá xanh đậm; xem nhãn thực phẩm để tránh các loại chất béo bão hòa, chọn thực phẩm chứa chất béo không bão hòa như dầu ôliu....

Chăm sóc các vết thương, bầm tím trên da

Tiểu đường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm chậm lành vết thương, vì thế cần phải xử lý các vết thương nhanh chóng. Trước hết, bạn cần làm sạch vết thương, sử dụng kem kháng sinh và bông vô trùng. Bạn nên đi khám ngay nếu vết thương không có dấu hiệu cải thiện sau một vài ngày.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiểm tra bàn chân hàng ngày để xem liệu có các vết cắt, vết loét, mẩn đỏ, mụn nước hoặc sưng hay không. Sử dụng kem dưỡng ẩm để ngăn chặn những vết nứt nẻ ở chân nếu có.

vet thuong.jpg

(Ảnh: Getty images)

Bỏ thuốc lá

Những bệnh nhân tiểu đường có hút thuốc sẽ có nguy cơ tử vong sớm cao gấp hai lần so với những người không hút thuốc. Bỏ thuốc lá sẽ làm giảm huyết áp của bạn và nguy cơ đột quỵ, đau tim, tổn thương thần kinh và bệnh thận cũng như ngăn ngừa biến chứng tiểu đường.

Nói không với rượu bia

Uống rượu quá nhiều gây ra chứng bệnh mỡ trong máu cao, chủ yếu cải biến thành triacylglyceride và protein mật độ thấp trong máu. Về mặt lâm sàng chứng minh được, người uống rượu không chỉ làm cho mỡ máu tăng cao mà còn duy trì trong thời gian dài. Đối với những bệnh nhân điều trị bằng insulin uống rượu khi đói bụng dễ gây ra đường máu thấp.

Khám sức khỏe định kỳ

Người bệnh tiểu đường cần khám sức khỏe định kỳ từ 3-4 lần/năm. Với những trường hợp sử dụng insulin để cân bằng lượng đường trong máu có thể cần phải kiểm tra thường xuyên hơn.

Ngoài ra người bệnh cũng cần chú ý tới việc kiểm tra sức khỏe của mắt, hệ thần kinh, tổn thương thận và các biến chứng khác; nên tới gặp nha sỹ để kiểm tra răng miệng khoảng 2 lần/năm.

Theo Vietnamplus