Mâm cỗ cúng rằm tháng bảy có những gì?

26/08/2023 - 09:10

- Là một trong những dịp lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, rằm tháng bảy năm nay rơi vào ngày 30/8/2023, gần dịp nghỉ lễ Quốc khánh, vì vậy các gia đình sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị và tận hưởng những nét đẹp truyền thống. Đây cũng là dịp những gia đình, dòng họ chuẩn bị lễ cúng để dâng lên bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, tổ tiên đã khuất trong dịp lễ báo hiếu Vu Lan.

HƯƠNG VỊ GIA ĐÌNH TRONG MÂM CỖ RẰM THÁNG BẢY

Mâm cỗ cúng rằm tháng bảy có những gì? ảnh 1

Xôi, món ăn quen thuộc thường có trong mâm cỗ rằm tháng bảy của nhiều gia đình. (Ảnh: Nguyễn Phương Hải)

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, người yêu mến và gắn bó với ẩm thực Hà Nội nhiều năm, cho biết, rằm tháng bảy gắn với lễ Vu Lan, một trong những dịp lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Ý nghĩa của ngày này là lễ báo hiếu để ghi nhớ công ơn của các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất núi.

Đây cũng là dịp đoàn tụ gia đình, mọi nhà đều làm mâm cơm cúng tổ tiên. Bởi thế, mâm cỗ rằm tháng bảy thường được chuẩn bị cho phù hợp theo khẩu vị của từng gia đình. Ngoài ra, rằm tháng bảy là cũng là ngày “xá tội vong nhân”, khi các vong hồn dưới âm phủ được mở cửa ngục lên trần hưởng lộc. Việc cúng rằm thường được thực hiện từ ngày mùng 10 tháng bảy (âm lịch).

Mâm cỗ cúng rằm tháng bảy có những gì? ảnh 2

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, người yêu mến và gắn bó với ẩm thực Hà Nội. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Chuyên gia ẩm thực Vũ Thị Tuyết Nhung cũng chia sẻ, trong cuộc sống ngày nay, tinh thần của mâm cỗ rằm tháng bảy cũng đã giản tiện, phù hợp hơn với nhịp sống bận rộn thời hiện đại. Mỗi gia đình vẫn nên có một mâm cơm trong dịp này để duy trì sự đoàn kết, gắn bó.

Còn theo đầu bếp Nguyễn Phương Hải, trong các mâm cỗ cúng hiện nay, người dân có thể cúng cỗ chay hoặc cỗ mặn. Mâm cỗ chay thường được chuẩn bị để dâng lễ Phật, còn mâm cỗ mặn thường để dâng bàn thờ gia tiên.

Mâm cỗ cúng rằm tháng bảy có những gì? ảnh 3

Các món chay cũng là một ưu tiên trong mâm cỗ rằm tháng bảy (Ảnh: Nguyễn Phương Hải)

Mâm cỗ mặn ngày rằm tháng bảy có thể không cần đầy đủ các món như mâm cỗ Tết xưa, với 3 bát, 6 đĩa, nhưng không thể thiếu các món khô như xôi, gà luộc, nem, nộm, xào, giò chả. Các loại bát nấu có thể có canh măng, miến, mọc, hoặc tùy theo khẩu vị yêu thích của các thành viên trong gia đình mà chuẩn bị món ăn phù hợp.


Trong cuộc sống ngày nay, tinh thần của mâm cỗ rằm tháng bảy cũng đã giản tiện, phù hợp hơn với nhịp sống bận rộn thời hiện đại. Mỗi gia đình vẫn nên có một mâm cơm trong dịp này để duy trì sự đoàn kết, gắn bó.

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung


Trong nhịp sống hiện đại thời nay, trong mâm cỗ rằm tháng bảy, nhiều gia đình còn chuẩn bị nhiều đặc sản độc, lạ xuất xứ từ nước ngoài như bò Mỹ, cá hồi.... Tuy vậy, dưới góc nhìn cá nhân, đầu bếp Nguyễn Phương Hải vẫn mong muốn mỗi gia đình duy trì được nét văn hóa ẩm thực truyền thống.

ĐỂ CÓ MÂM CỖ RẰM THÁNG BẢY NHƯ Ý

Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Phương Hải cũng nhấn mạnh, quá trình chuẩn bị mâm cỗ cúng rằm tháng bảy chính là cách mỗi người thể hiện lòng thành với các bậc tiền nhân. Vì vậy, nếu có thể, trong mâm cỗ cúng gia tiên ngày rằm, các gia đình có thể lựa chọn chuẩn bị một số món ăn dễ thực hiện như gà luộc, xôi, nộm, món xào. Mâm cỗ theo phong cách truyền thống miền bắc vẫn nên có đầy đủ những món như gà luộc, xôi, nộm, xào.

Mâm cỗ cúng rằm tháng bảy có những gì? ảnh 4

Đầu bếp Nguyễn Phương Hải.

Ngoài ra, nếu không có nhiều thời gian dành cho việc nấu nướng, có thể mua sẵn những món như nem, giò, chả, thịt quay, tôm hấp… Quan trọng hơn, nên dành chút thời gian cho việc trang trí, sắp mâm cỗ cúng rằm tháng bảy thật đẹp và hài hòa.

Khi chế biến những món ăn truyền thống của mâm cỗ rằm tháng bảy theo kiểu miền bắc, cần phải chú ý một số mẹo nhỏ.

Thí dụ, khi chọn nguyên liệu cho món gà luộc, cần gà sống hoa ngon. Sau khi sơ chế sạch sẽ, cần luộc gà trong nước nóng già, khi nước sôi, hạ nhỏ lửa ngay. Tùy vào chất lượng gà, có thể luộc khoảng 5-10 phút, rồi tắt bếp ngâm khoảng 20-25 phút. Bí quyết này giúp gà luộc không bị đỏ xương, không bị tụt da. Khi gà luộc xong, nên vớt ra ngâm trong nước đun sôi để nguội, cho ít viên đá lạnh để nhanh se da gà. Nhờ đó, thịt gà khi chặt bày cỗ sẽ ráo, da đẹp, căng bóng.

Mâm cỗ cúng rằm tháng bảy có những gì? ảnh 5

Gà cánh tiên có thể là một lựa chọn cho mâm cỗ rằm tháng bảy. (Ảnh: Nguyễn Phương Hải)

Với món xôi, người nấu cần chọn gạo ngon, thí dụ như nếp cái vàng. Công đoạn nấu xôi cũng nên đồ 2 lần giúp hạt gạo mềm, mọng căng, thơm dẻo.

Với các món canh, đặc biệt là canh bóng, canh mọc… cần bảo đảm nước dùng phải trong và ngọt. Nước dùng có thể chế biến sẵn từ hôm trước, bảo quản trong tủ lạnh.

Bí quyết dành cho các món xào để cho có màu đẹp thì cần trần trước rau qua nước đã bỏ vài hạt muối, rồi vớt ra ngâm vào nước lạnh. Cách này giúp rau củ luôn giữ được màu sắc, lúc xào nhanh chín, ngấm gia vị. Khi xào đồ ăn cần dùng lửa to, để món ăn không bị ra nước.

Theo quan điểm cá nhân của đầu bếp Nguyễn Phương Hải, mâm cỗ rằm tháng bảy thể hiện tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên, nên mỗi gia đình - dù có bận rộn mấy - cũng có thể sắp xếp chuẩn bị một mâm cúng gia tiên đơn giản, phù hợp khẩu vị. Hiện nay, nhiều cửa hàng, siêu thị đã chuẩn bị các nguyên liệu chế biến sẵn, giúp cho việc nấu nướng mâm cỗ rằm tháng bảy thuận tiện hơn.

Anh Hải cũng cho hay, hiện có những gia đình chuẩn bị cả 2 loại cỗ chay và cỗ mặn để cúng rằm tháng bảy. Tuy vậy, nếu không đủ thời gian, có thể giản tiện chuẩn bị một loại cỗ, giúp người nấu đỡ áp lực phần nào.


Mâm cỗ rằm tháng bảy thể hiện tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên, nên mỗi gia đình, dù có bận rộn mấy, cũng có thể sắp xếp chuẩn bị một mâm cúng gia tiên đơn giản, phù hợp khẩu vị.

Đầu bếp Nguyễn Phương Hải


Mâm cỗ cúng rằm tháng bảy có những gì? ảnh 6

Một vài món chay hấp dẫn. (Ảnh: Nguyễn Phương Hải)

Hiện nay, trong thời buổi công nghệ 4.0, dịch vụ đặt và nấu cỗ cũng phát triển rất nhiều. Với những người quá bận rộn, không có nhiều thời gian để nấu nướng chuẩn bị mâm cỗ rằm tháng bảy, họ hoàn toàn có thể lựa chọn các địa chỉ, nhà hàng để đặt các mâm cỗ chay/mặn phù hợp. Trước hết là cần lựa chọn các cơ sở chế biến uy tín, chất lượng đã được khẳng định. Và quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, trong thời buổi công nghệ 4.0, dịch vụ đặt và nấu cỗ cũng phát triển rất nhiều.
Các nhà hàng, công công ty nhận đặt cỗ rằm tháng bảy theo set hoặc theo các món lẻ như yêu cầu của khách. Giá cả mỗi mâm cỗ thường dao động từ 600 nghìn - 1,5 triệu đồng với các món thông thường, bình dân. Với các yêu cầu đặt đồ ăn đặc biệt hơn, với các món đặc sản như bò Mỹ, cá hồi…, giá cũng có thể lên tới hàng triệu đồng mỗi mâm cỗ.

Các nhà hàng, công công ty nhận đặt cỗ rằm tháng bảy theo set hoặc theo các món lẻ như yêu cầu của khách. Giá cả mỗi mâm cỗ thường dao động từ 600 nghìn - 1,5 triệu đồng với các món thông thường, bình dân. Với các yêu cầu đặt đồ ăn đặc biệt hơn, với các món đặc sản như bò Mỹ, cá hồi…, giá cũng có thể lên tới hàng triệu đồng mỗi mâm cỗ.

Đầu bếp Nguyễn Phương Hải cũng lưu ý thêm về cách chọn những loại hoa quả để cúng rằm tháng bảy. Ưu tiên hàng đầu sẽ là những loại hoa quả tươi, đẹp mắt, đúng mùa, đặc biệt những loại quả của mùa thu miền bắc hiện nay. Đó là: Chuối, na, bưởi, táo, hồng đỏ, hồng ngâm, dưa hấu, xoài… Không nên chọn những loại quả có bề mặt nhọn, sắc và có mùi hương quá nồng.

Chuẩn bị mâm cỗ rằm tháng bảy cũng là một dịp gắn kết gia đình, giúp mọi thành viên có những khoảnh khắc đoàn viên vui vẻ. Mỗi gia đình dù hiện đại hay giàu có đến mấy, cũng đều mong muốn một quan hệ yêu thương, gắn bó, bền chặt giữa các thành viên.

Còn trên mâm cỗ cúng chúng sinh (cúng cô hồn), bên cạnh hoa quả, sẽ có kèm thêm bánh kẹo, bỏng ngô, bỏng gạo, ngô-khoai-sắn luộc cắt nhỏ, bày cùng tiền vàng mã, quần áo giấy cúng cô hồn và gạo, muối. Đặc biệt, mâm cúng này không thể thiếu cháo hoa (cháo trắng). Các gia đình có thể thực hiện lễ cúng chúng sinh tại nhà, nhưng cũng có thể thực hiện nghi lễ này trên chùa, phù hợp với phong tục lên chùa mỗi dịp ngày rằm, nhất là rằm tháng bảy của người dân.


Mâm cỗ cúng chúng sinh (cúng cô hồn), bên cạnh hoa quả, sẽ có kèm thêm bánh kẹo, bỏng ngô, bỏng gạo, ngô-khoai-sắn luộc cắt nhỏ, bày cùng tiền vàng mã, quần áo giấy cúng cô hồn và gạo, muối. Đặc biệt, mâm cúng này không thể thiếu cháo hoa (cháo trắng).


Trong cuốn “Sổ tay văn hóa Việt Nam”, tác giả Đặng Đức Siêu cho hay, theo Phật giáo, rằm tháng bảy là ngày “xá tội vong nhân”, vong hồn dưới âm phủ ngày đó được tha tội. Các chùa đều làm lễ cầu siêu rất lớn. Nhiều chùa còn làm lễ cúng chúng sinh (các cô hồn vất vưởng, không nơi nương tựa cúng bái). Lễ vật thường gồm: cháo hoa, bỏng rang, ngô, khoai lang luộc cắt nhỏ, bày trên mâm hoặc mẹt đặt ngoài sân hoặc ngoài cửa nhà, thắp mấy nén hương. Lễ xong, các thứ cháo hoa, bỏng, ngô khoai này đem bố thí, chia lộc cho con trẻ.

Cũng trong ngày rằm tháng bảy, người dân còn có tục phóng sinh như mua chim, cá rồi thả ra để cầu phúc.

Như vậy, hiện nay, thờ cúng cốt ở lòng thành, ở sự tưởng niệm biết ơn người đã khuất, và nhiều khi cũng chỉ là tập quán hay đẹp thấy cần duy trì, cho nên các nghi thức cúng lễ cũng đã tinh giản nhiều. Tất cả việc dâng cúng rằm tháng bảy đều là tùy tâm, và chủ yếu vẫn xuất phát từ đáy lòng của người làm lễ.

Theo Phật giáo, rằm tháng bảy là ngày “xá tội vong nhân”, vong hồn dưới âm phủ ngày đó được tha tội. Các chùa đều làm lễ cầu siêu rất lớn. Nhiều chùa còn làm lễ cúng chúng sinh (các cô hồn vất vưởng, không nơi nương tựa cúng bái). .... Cũng trong ngày rằm tháng bảy, người dân còn có tục phóng sinh như mua chim, cá rồi thả ra để cầu phúc.

Đặng Đức Siêu, "Sổ tay văn hóa Việt Nam”


Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH

Nội dung: NGÂN LÊ

Trình bày: NGÂN LÊ - PHƯƠNG NAM

Theo Nhân dân