Maroc gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế

05/02/2021 - 08:06

Phóng viên TTXVN tại châu Phi đưa tin, ngày 4-2, Chính phủ Maroc cho biết trong một tuyên bố rằng nước này đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế thêm một tháng, đến ngày 10-3 tới, để ngăn chặn sự lây lan đại dịch COVID-19 ở vương quốc này.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rabat, Maroc, ngày 16-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Hãng Thông tấn Nhà nước Maroc (MAP), Hội đồng chính phủ đã nhóm họp hôm 4-2 tại thủ đô Rabat và quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế trên toàn lãnh thổ quốc gia cho đến ngày 10-3 tới. Đây là một phần trong nỗ lực chống lại sự lây lan của đại dịch COVID-19, vốn đanh hoành hành mạnh mẽ tại quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó, Maroc đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trên quy mô toàn quốc đợt đầu tiên vào 29-1, cho hơn 300.000 người là những nhân viên tuyến đầu, các quan chức và người cao tuổi. Mục tiêu của quốc gia này là sẽ tiêm chủng miễn phí và dần dần cho khoảng 25 triệu người từ 17 tuổi trở lên, trên tổng số 35 triệu dân của nước này. Các loại vaccine mà Vương quốc này đã và sẽ lựa chọn để tiêm chủng cho người dân gồm: Astrazeneca (Anh) và Sinopharm (Trung Quốc). 

Trước đó, ngày 2-2, nhà chức trách Maroc cũng đã quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm thêm 2 hai tuần, cho đến 16-2 và trên phạm vi toàn quốc. Hiện số ca mắc COVID -19 mới tại Maroc đang có dấu hiệu suy giảm, những vẫn còn ở mức cao với trung bình khoảng 800 ca/ngày. Hiện quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhận tổng cộng 473.047 trường hợp mắc COVID-19, với ca mắc bệnh đầu tiên phát hiện vào tháng 3-2020, và 8.323 trường hợp tử vong. Hiện Maroc xếp thứ 2 trong top 10 quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất ở châu Phi.

Bên cạnh đó, Chính phủ Maroc cũng đã thông qua, hôm 4-2, dự thảo nghị định về việc thành lập Quỹ Mohammed VI để đầu tư, đây được xem là đòn bẩy để giúp quốc gia phục hồi kinh tế, với ngân sách ban đầu khoảng 1,3 tỷ euro. Theo Ngân hàng Trung ương Maroc, cuộc khủng hoảng y té này đã gây ra tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước này, suy thoái ở mức - 6,3% trong năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 11,9% vào năm 2020, từ mức 9,2% của năm 2019, do khủng hoảng y tế và hạn hán.

Theo TẤN ĐẠT (TTXVN)

 

Liên kết hữu ích