Một mảnh kim loại găm vào nóc xe ô tô tại Meerssen, Hà Lan. Ảnh: RT
Kênh truyền hình RT đưa tin sự cố này xảy ra trùng thời điểm với vụ cháy và rơi mảnh động cơ của một chiếc Boeing 777-200 của hãng hàng không United Airlines (Mỹ) tại thành phố Denver ngày 20-2.
Theo đó cùng ngày, một bên động cơ của chiếc 747-400 được cho là đã bốc cháy sau khi cất cánh từ sân bay Maastricht-Aachen. Các quan chức hàng không Hà Lan cho biết chiếc máy bay chở hàng này đã bắt đầu rơi các mảnh kim loại khi bay qua một khu dân cư gần sân bay.
Truyền thông địa phương đã công bố tấm hình cho thấy một miếng kim loại lớn của máy bay cắm chặt vào nóc của một chiếc ô tô. Chiếc máy bay này đang trên đường đến New York, song đã phải chuyển hướng đến Liege, Bỉ, và hạ cánh an toàn.
Ủy ban An toàn Hà Lan cho biết đã tiến hành một cuộc điều tra về sự cố hàng không kể trên. Sau khi động cơ trục trặc, các mảnh kim loại đã rơi xuống khu vực Meerssen khiến 2 người bị thương nhẹ, cũng như làm hư hại một số ô tô và nhà cửa. (Xem video hiện trường vụ rơi mảnh vỡ máy bay tại Meerssen. Nguồn: CNN)
Vụ tai nạn xảy ra cùng ngày với sự cố của một chiếc Boeing 777 thuộc hãng United Airlines, đang bay từ Denver đến Honolulu, thì bị nổ động cơ bên phải và làm rơi các mảnh vỡ xuống khu vực dân cư bên dưới. Chiếc máy bay chở 231 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn, không ai bị thương.
Ngay sau sự cố, hãng hàng không United Airlines ra thông báo nêu rõ hãng sẽ tạm dừng khai thác ngay lập tức tất cả 24 máy bay Boeing 777 sử dụng loại động cơ PW4000. Ngày 21-2, Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho biết sẽ ban hành một chỉ thị khẩn cấp, đồng thời yêu cầu tăng cường kiểm tra các máy bay cùng dòng.
Trước sự cố trên, hai hãng hàng không Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) đã dừng bay 32 chiếc máy bay sử dụng loại động cơ trên, trong đó JAL dừng bay 13 chiếc và ANA dừng bay 19 chiếc. Kết quả là một chuyến bay của JAL từ Naha đi Haneda đã bị hủy bỏ.
Hãng Reuters đưa tin sau khi ghi nhận sự việc một máy bay 777-200 bị cháy động cơ và phải hạ cánh khẩn cấp tại thành phố Denver hôm 20-2, Nhật Bản là quốc gia mới nhất ra quyết định tạm thời đình bay máy bay Boeing 777.
Cơ quan quản lý hàng không của Nhật Bản đã nhanh chóng yêu cầu hai hãng Japan Airlines và All Nippon Airways tạm ngừng hoạt động đối với các máy bay Boeing 777 sử dụng động cơ Pratt & Whitney PW4000, trong khi xem xét có nên thực hiện các biện pháp bổ sung hay không. Hiện All Nippon Airways khai thác 19 chiếc và Japan Airlines khai thác 13 chiếc Boeing 777.
Bộ Giao thông Nhật Bản cho biết ngày 4-12-2020, một chuyến bay của Japan Airlines từ Naha đến Tokyo đã phải quay đầu đột ngột vì trục trặc động cơ trái. Chiếc máy bay đó có cùng thâm niên 26 năm hoạt động với chiếc United Airlines vừa gặp sự cố cháy động cơ.
Ngày 21-2, Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã ra chỉ thị về máy bay Boeing 777, đồng thời yêu cầu kiểm tra ngay lập tức hoặc tăng cường kiểm tra đối với dòng máy bay chở khách này .
Hai hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc là Korean Air Lines và Asiana Airlines ngày 22-2 cho biết cũng sẽ ngừng sử dụng toàn bộ máy bay chở khách Boeing 777 sau khi xảy ra một sự cố lỗi động cơ gần đây tại Mỹ.
Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin tức)