Phát triển diện tích rau an toàn
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Xuyên Võ Văn Nghĩa, diện tích trồng rau an toàn trên địa bàn thành phố tăng lên hàng năm. Hiện nay, ở các phường, xã: Mỹ Thạnh, Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Khánh... đều hình thành các tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, tập hợp nhiều nông dân tham gia, với diện tích hàng chục ha, cung cấp ra thị trường khoảng 2-2,5 tấn rau an toàn mỗi ngày. Với kinh nghiệm trồng rau màu từ lâu đời, cùng sự đầu tư hợp lý, bằng việc hình thành Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP ở xã Mỹ Hòa Hưng (nay là Hợp tác xã nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng) đã giúp nông dân có được nguồn thu nhập ổn định, từng bước tạo được thương hiệu và chỗ đứng riêng trên thị trường.
Nông dân rất cần đầu ra ổn định cho các loại rau an toàn
Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng có 29 thành viên, diện tích sản xuất 15ha, trồng đa dạng các loại rau ăn lá, trái cung cấp ra thị trường. Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng Huỳnh Ngọc Diện, mỗi ngày cung cấp khoảng 300-400kg rau qua sơ chế, có nhãn hiệu cho Công ty TNHH MTV TM DV Phan Nam, chợ Mỹ Bình, siêu thị Co.opmart Long Xuyên, với giá từ 1.000-3.000 đồng/kg. Được UBND TP. Long Xuyên đầu tư nhà sơ chế, nhà vệ sinh, máy rửa rau, hệ thống tưới phun, nhà lưới cấp giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và được vay vốn từ quỹ Hỗ trợ nông dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tham gia sản xuất. “Khi tham gia mô hình, nông dân được tiếp cận kỹ thuật mới, tham gia các lớp tập huấn sản xuất rau an toàn, như: quản lý đất trồng rau, nước tưới, phân bón, thu hoạch đảm bảo đúng quy trình sản xuất, phân phối xuống giống hợp lý… với nhiều chủng loại phong phú”- anh Diện cho hay.
Đầu ra gặp khó
Theo Tổ trưởng Tổ rau an toàn phường Mỹ Thạnh Mai Thành Phước, trồng rau an toàn, rau theo hướng hữu cơ không khó nhưng bà con ngại nhất là đầu ra. Trong khi phải bỏ công sức ghi chép, canh tác theo đúng quy trình... nhưng cuối cùng sản phẩm bán ra vẫn bị coi như “hàng chợ”, bán đồng giá. “Vì không có đầu mối liên kết sản xuất tiêu thụ, chỉ trông chờ bạn hàng nên có lúc rau dội chợ, rẻ, không bán được, nông dân phải ngưng sản xuất một thời gian nên không có thu nhập”- ông Phước chia sẻ. Đây là khó khăn chung của nông dân sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố. Hiện nay, mỗi ngày thành phố cung cấp ra thị trường khoảng 2,5 tấn rau an toàn, tuy nhiên việc ký hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, tiểu thương ở các chợ đầu mối... chiếm số lượng còn rất hạn chế. Đa phần nông dân phải “bấm bụng” bán bằng giá với các loại rau thông thường khác. Một trong những nguyên nhân là do các sản phẩm bán ra chưa đa dạng về chủng loại, giá bán còn ở mức cao, đặc biệt là người tiêu dùng vẫn còn e ngại về độ an toàn của các loại rau này.
Nếu muốn phát triển mô hình rau an toàn trên địa bàn thành phố thì nhất thiết phải giải quyết những khó khăn này. Ngoài việc tuyên truyền cho người dân về cách nhận biết rau an toàn, nên nhanh chóng xây dựng thương hiệu, cấp giấy chứng nhận cho các loại rau an toàn cho các địa phương. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư các điểm bán rau an toàn để người tiêu dùng có cách tiếp cận nhanh và thuận tiện nhất. Hội Nông dân và Liên đoàn Lao động TP. Long Xuyên đã và đang phối hợp vận động các trường tiểu học, mẫu giáo, mầm non, các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể... tiêu thụ các sản phẩm an toàn cho các địa phương. “Năm 2018, cố gắng liên kết với 1 trường và 1 doanh nghiệp. Năm 2019, tiếp tục mở rộng thêm để giải quyết đầu ra cho các tổ rau an toàn trên địa bàn thành phố. Đồng thời, hỗ trợ cho bà con được vay vốn từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân, với hình thức vay tín chấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển và mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn” - ông Nghĩa thông tin.
ÁNH NGUYÊN