Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở Châu Thành

04/11/2024 - 06:47

 - Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân huyện Châu Thành đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không ngừng đổi mới tư duy canh tác, liên kết, hợp tác trong sản xuất - kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết: Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành tích cực hỗ trợ, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu canh tác, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, giống phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, biến đổi khí hậu gắn với nhu cầu của thị trường, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đồng thời, quan tâm củng cố, nâng cao năng lực hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp. Tích cực phối hợp ngành chuyên môn chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trương Ngọc Lợi cho biết: Nông dân ngày càng nhạy bén trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn… theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng, thử nghiệm và nhân rộng cây trồng, vật nuôi mới, phá thế độc canh cây lúa; sáng tạo, linh hoạt trong kết hợp sản xuất nông nghiệp với khai thác du lịch sinh thái để phát triển kinh tế. Điển hình, ông Phùng Văn Chuyện (ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Nhuận) trồng quýt đường, cam lợi nhuận trên 500 đồng/năm; mô hình trồng dâu tằm, thanh nhãn bà Phạm Thị Kim Hảo (xã Hòa Bình Thạnh) mang lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm; mô hình ương và ghép cây mít giống của ông Huỳnh Phú Cường (xã Vĩnh Lợi) thu lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm; mô hình trồng sầu riêng của ông Bùi Minh Thắng (xã Vĩnh Nhuận) lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm…

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Sau khi tham gia lớp dạy nghề “Kỹ thuật trồng và thiết kế vườn”, vào năm 2020, anh Khưu Thái Bình (sinh năm 1990, ngụ khóm Vĩnh Phước, thị trấn Vĩnh Bình) mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 1,5ha đất từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cam và xoài. Dù gặp không ít khó khăn khi chuyển từ canh tác lúa sang trồng cây ăn trái, nhưng với tính chịu khó học hỏi và sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp, hội nông dân các cấp, mô hình trồng cam và xoài đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống gia đình.

Với hiệu quả kinh tế từ trồng các loại cây ăn trái mang lại, anh Bình vận động một số hộ dân có đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái. Năm 2021, anh trở thành Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp làm vườn khóm Vĩnh Phước, với 6 thành viên. Tổng diện tích cây trồng 7ha, gồm: Cam, xoài, mít, sầu riêng, cà na… Hàng năm, tổng thu nhập của tổ trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí đem lại lợi nhuận mỗi hộ trên 100 triệu đồng. “Là tổ trưởng nên mình cần phải tiên phong trong các hoạt động, chủ động học hỏi mô hình hay, kỹ thuật mới để hỗ trợ lại các tổ viên, cũng như tạo điều kiện cho mọi người tham gia tập huấn, kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái. Bây giờ không chỉ trồng ra năng suất cao, mà còn phải biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Có như vậy mới tạo được lòng tin cho người tiêu dùng, sản phẩm của mình làm ra sẽ được đón nhận” - anh Bình chia sẻ.

Để giảm chi phí và công chăm sóc, ông Nguyễn Ngọc Châu (xã Vĩnh Hanh) ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời canh tác 2ha trồng na. “Áp dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời, ngoài việc tiết kiệm tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động, còn chóng xói mòn, suy thoái đất, hạn chế sinh vật gây hại, giúp na phát triển ổn định, tăng hiệu quả sản xuất” - ông Châu chia sẻ.

Sau thời gian nghiên cứu, học tập, tìm hiểu, ông Bùi Minh Thắng (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận) phát triển thành công mô hình trồng cây sầu riêng xen trồng hạnh kết hợp với hệ thống tưới phun. Ông cho biết, năm 2019, chuyển đổi 0,2ha đất từ trồng lúa sang trồng sầu riêng và hạnh đến nay diện tích tăng lên 0,9ha. Hiện nay, ngoài lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/năm từ bán sầu riêng, gia đình ông Thắng còn lãi trên 20 triệu đồng/năm từ việc trồng hạnh.

Thời gian tới, huyện Châu Thành thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển hiện đại, gắn với khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

KHÁNH MY