Mở ra giai đoạn hợp tác tốt đẹp

14/12/2023 - 08:43

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định 6 trụ cột hợp tác được hai Tổng Bí thư xác lập đã chỉ rõ phương hướng, mở ra giai đoạn hợp tác tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước trong thời kỳ mới

Ngày 13-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Định vị mới quan hệ Việt - Trung

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo khẳng định kết quả cuộc hội đàm thành công với nhiều nhận thức chung quan trọng giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; định vị mới của quan hệ Việt - Trung và 6 trụ cột hợp tác được hai Tổng Bí thư xác lập đã chỉ rõ phương hướng, mở ra giai đoạn hợp tác tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước trong thời kỳ mới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn hai bên tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và phát triển đất nước; thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, nhất là thương mại, đầu tư phát triển ngày càng lành mạnh, hiệu quả; tăng cường kết nối giao thông; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, khoa học - công nghệ, y tế.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đề nghị hai bên tăng cường giao lưu nhân dân, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa, tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị Việt - Trung, khuyến khích người dân, nhất là thế hệ trẻ, "quen nhau, hiểu nhau, thân nhau", góp phần củng cố hơn nữa nền tảng xã hội cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi hội đàm Ảnh: TTXVN

Thúc đẩy kết nối chiến lược hai nền kinh tế

Đánh giá cao đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn hai bên tiếp tục củng cố nền tảng chính trị và làm sâu sắc hợp tác thực chất, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Khẳng định hợp tác song phương trên các lĩnh vực có tiềm năng rộng mở, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc đề nghị thúc đẩy kết nối chiến lược giữa hai nền kinh tế, triển khai hiệu quả kế hoạch kết nối giữa sáng kiến "Vành đai và Con đường" với khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai", xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất khu vực ổn định, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, mở rộng thanh toán bằng đồng bản tệ trong thương mại song phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản chất lượng cao của Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư chất lượng cao, tiêu biểu cho trình độ khoa học - công nghệ của Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi ý kiến về vấn đề trên biển, nhất trí cùng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị hai bên kiên trì thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và nhận thức chung cấp cao, đặt mình vào vị trí của nhau, kiểm soát và giải quyết thỏa đáng bất đồng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ASEAN trong việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, phối hợp tại các diễn đàn đa phương, góp phần vì hòa bình, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ cùng Quốc vụ viện Trung Quốc tăng cường phối hợp, đôn đốc các cấp, các ngành, các địa phương cụ thể hóa những thành quả và nhận thức chung cấp cao; góp phần thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển thực sự ổn định, thực sự tốt đẹp và bền vững lâu dài.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sẽ chỉ đạo Quốc vụ viện Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, sớm đưa các nhận thức chung quan trọng đạt được trong chuyến thăm lần này vào thực tế cuộc sống, để người dân hai nước được thụ hưởng nhiều hơn những thành quả, lợi ích thiết thực của quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước.

Hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc duy trì và tăng cường hơn nữa giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp, các ủy ban chuyên trách, nhóm nghị sĩ hữu nghị; tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý và chính sách thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại phát triển cân bằng, bền vững, đặc biệt là nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự nhất trí những đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Việt Nam - Trung Quốc ra Tuyên bố chung

Ngày 13-12, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Tuyên bố chung nêu rõ trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Để tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy vững chắc việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí phát huy tốt vai trò điều phối tổng thể của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, tích cực thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào 6 phương hướng hợp tác lớn.

Cụ thể, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi chiến lược, kiên trì đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị. Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn. Hợp tác thực chất sâu sắc hơn: Cùng xây dựng "Hai hành lang, một vành đai" và "Vành đai và Con đường"; tăng cường hợp tác đầu tư; mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững; hợp tác về tài chính, tiền tệ; an ninh lương thực và phát triển xanh. Tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị, thúc đẩy giao lưu và hiểu biết, gắn bó lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, củng cố nền tảng xã hội của quan hệ hai Đảng, hai nước. Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn. Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn: Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực.

Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tăng cường cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc và các nhóm công tác trực thuộc; tích cực tìm kiếm các biện pháp giải quyết cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

K.Chi

Ký kết nghị định thư xuất khẩu dưa hấu

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Cục Bảo vệ thực vật đánh giá đây là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản hai nước. Theo nghị định thư, dưa hấu tươi của Việt Nam không được nhiễm 5 loài đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống mà Trung Quốc quan tâm gồm: ruồi đục quả Bactrocera correcta, Bactrocera zonata, Bactrocera latifrons, rệp Phenacoccus solenopsi và vi khuẩn Acidovorax avenae subsp. citrulli; lá hoặc đất. Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Vườn trồng phải áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải bảo đảm giám sát vườn trồng và quy trình đóng gói tại cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, các lô hàng dưa hấu của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây và phải kiểm dịch thực vật lấy mẫu 2%, đồng thời phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc khi nhập khẩu vào nước này. Đến nay, Việt Nam có các loại trái cây, nông sản xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư sang Trung Quốc gồm: măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang, dưa hấu.

Theo Người lao động