Đại biểu Đoàn Thị Lê An (tỉnh Cao Bằng) phát biểu tại phiên họp chiều 24/5. Ảnh: QH
Chiều 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Quản lý Quỹ phòng thủ dân sự hiệu quả
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, (tháng 10/2022), Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã được UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 2/2023, sau đó tiếp tục được hoàn thiện trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Về công trình phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về công trình Phòng thủ dân sự phù hợp với tính chất của hoạt động Phòng thủ dân sự.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã sửa lại tên điều là “Công trình Phòng thủ dân sự” và chỉnh lý lại nội dung của Điều này theo hướng quy định “Công trình Phòng thủ dân sự là công trình được sử dụng cho mục đích phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, chiến tranh”. Công trình Phòng thủ dân sự gồm 2 loại: Công trình Phòng thủ dân sự chuyên dụng và công trình khác có công năng đáp ứng yêu cầu Phòng thủ dân sự. Nội dung này Luật sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết.
Về Quỹ phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, do còn ý kiến khác nhau nên UBTVQH đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và các vị ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Cụ thể, phương án 1: Giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật. Phương án 2: Quy định “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.”
Góp ý về Quỹ phòng thủ dân sự, đại biểu Châu Chắc (đoàn An Giang) bày tỏ nhất trí với Phương án 1. Cụ thể, giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật…Đại biểu cho rằng, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan soạn thảo dự án Luật và cơ quan chủ trì thẩm tra cũng đã thống nhất tán thành với Phương án 1, đề nghị giữ như quy định của dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung. Do vậy đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự quy định phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa đã nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị trước các nguồn lực. Trong đó nguồn lực tài chính là một nguồn lực rất quan trọng để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra. Tuy nhiên đại biểu cũng lưu ý đến công tác quản lý Quỹ để đảm bảo hiệu quả và không để thất thoát.
Về nội dung quy định Cơ quan chỉ đạo quốc gia, Cơ quan Chỉ huy phòng thủ dân sự, đại biểu Dương Khắc Mai cơ bản tán thành với chủ trương thu gọn đầu mối của các tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể trong luật sau khi các Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai được hợp nhất thì cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp, để tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra.
Đại biểu cũng đề nghị các cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các luật có liên quan như Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai để có đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ phù hợp, bảo đảm các luật được thực thi vận hành thông suốt theo cơ chế chỉ đạo điều hành của Cơ quan chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự.
Hỗ trợ kịp thời người dân sinh sống khu vực đặc biệt khó khăn
Cho ý kiến về dự án Luật, đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) cho rằng phòng thủ dân sự là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, đại biểu kiến nghị cần sửa đổi thành: “Luật này quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết, cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của các ĐBQH, dự thảo luật đã tương đối hoàn thiện.
Cho ý kiến về khái niệm “Đối tượng dễ bị tổn thương” tại khoản 4, Điều 2, đại biểu đề nghị điều chỉnh một trong những đối tượng dễ bị tổn thương là người dân sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn để có biện pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời khi có sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự quy định tại Điều 3 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự là trách nhiệm của toàn dân, để qua đó có thể nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan tổ chức, đơn vị và toàn thể nhân dân cùng tham gia vào hoạt động phòng thủ dân sự.
Về các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ II, cấp độ III được quy định tại Điều 24, Điều 25, khoản 7 Điều 25 có quy định: Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định áp dụng các biện pháp tạm dừng tiếp nhận trực tiếp hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 24 thêm khoản để quy định cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng được áp dụng biện pháp này trong phòng thủ dân sự cấp độ II.
Đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội qua các phiên họp, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho biết, về giải thích từ ngữ, khoản 4 Điều 2 đang quy định Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Đại biểu đề nghị nghiên cứu nâng độ tuổi phụ nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi lên 36 tháng tuổi để mở rộng thêm đối tượng dễ bị tổn thương.
Về huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, dự thảo Luật cần quy định, tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện thực hiện theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra./.
Theo BÍCH LIÊN (dangcongsan.vn)