Mua, bán xong, vất vả đi đòi thanh toán

15/12/2021 - 06:38

 - Sau khi giao dịch mua, bán hoàn thành, 10 tháng sau, vẫn chưa nhận được tiền. Người bán khẳng định, đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ người mua, đề nghị cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết.

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, ông Nguyễn Văn Hưởng (sinh năm 1957, ngụ tổ 7, ấp An Hòa, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, gia đình ông sống lâu năm ở vùng sông nước; không ruộng rẫy, làm nghề mua, bán cá, khô, mắm các loại để mưu sinh. Đến năm 2010, Cơ sở khô, cá, mắm Nguyễn Văn Hưởng của ông được cấp phép kinh doanh, do vợ chồng ông cùng 3 người con đầu tư. Ngoài mua, bán tại nhà, ông đã đi nhiều nơi tìm nguyên liệu (đầu vào), nơi tiêu thụ (đầu ra) cho sản phẩm. Qua người quen ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên giới thiệu, ông mở rộng mua, bán ở khu vực này.

Sau 1-2 vụ làm ăn nhỏ suôn sẻ, ông biết bà Nguyễn Thị Ngọc T. (sinh năm 1955, ngụ xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) là hộ mua, bán cá, khô, mắm lâu năm ở chợ Lương An Trà và khu vực xung quanh. Cuối tháng 3-2021, khi mua được số lượng lớn mắm cá linh, không vận chuyển về cơ sở ở xã Khánh An, ông điện thoại báo sẽ bán cho bà T. Đôi bên thương lượng, đồng ý giá 32.000 đồng/kg, tổng trị giá 146 triệu đồng. Bà T. cho xe tải đến Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên chở hàng về nhà. Tuy nhiên, bà T. nói chưa có tiền mặt ngay, hứa sẽ trả sau.

Ông Nguyễn Văn Hưởng trình bày vụ việc

“Có người làm chứng vụ việc, lại muốn có thêm đầu mối bán sản phẩm, tôi miễn cưỡng đồng ý. Đến hẹn, tôi hỏi về số nợ. Lúc đầu, bà T. than phiền những người mua hàng chưa trả tiền, mắm cá linh bán chậm… Bà hứa 1-2 tháng sẽ trả, nhưng hứa trên 10 lần, rồi né tránh, không nghe điện thoại của tôi. Chịu hết nổi, tôi nhiều lần đến nhà bà đòi tiền. Lần gần đây nhất, bà làm giấy giao kèo trả nợ, hẹn ngày 3-12-2021 sẽ trả đủ 146 triệu đồng. Tôi ra về với tờ giấy không thật sự đáng tin này, biết đó chỉ là “chiêu” hứa hẹn thêm lần nữa của bà T. Cuối cùng, tôi gửi đơn khiếu nại đến cơ quan báo chí, nếu không thành sẽ khởi kiện vụ việc đến tòa án giải quyết” - ông Nguyễn Văn Hưởng bức xúc.

Hỏi về việc này, bà Nguyễn Thị Ngọc T. cho biết, bà không từ chối việc mua mắm cá linh vừa qua và nghĩa vụ trả đủ số tiền cho ông Hưởng. Quả thật, bà hứa trả nhiều lần và làm giấy giao kèo trả nợ. Trước đây, việc mua, bán mắm cá linh của bà bị trục trặc, người mua hứa hẹn trả, sau trả chậm, rồi gặp dịch bệnh COVID-19, việc buôn bán, nguồn thu nhập khó khăn. Bà hứa đến ngày 6-12 (âm lịch) sẽ trả đủ 146 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Hưởng.

 ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh An Giang) cho biết, câu chuyện nói trên có sự thỏa thuận mua, bán tài sản giữa ông Hưởng với bà T. Theo đó, bên bán (ông Hưởng) có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua (bà T.) và nhận tiền; còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán. Khi thực hiện hợp đồng mua bán, 2 bên phải tuân thủ nguyên tắc chung (đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức thanh toán… và các thỏa thuận khác). Việc mua bán nói trên không làm hợp đồng mua bán tài sản. Tuy nhiên, phía bà T. đã điểm chỉ, thừa nhận về việc mua sản phẩm, có làm giấy giao kèo trả nợ, nên việc mua, bán được coi là đã thành lập. Nếu bên mua nhiều lần hứa hẹn, cố tình không trả tiền, ông Hưởng có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Trong giải quyết, nguyên đơn có quyền yêu cầu phía bị đơn trả một khoản chi phí chiếm dụng 146 triệu đồng trong thời gian chưa thanh toán.

Bài, ảnh: N.R