Theo cơ quan chức năng, lượng mưa đo được tại một số trạm (số liệu quan trắc từ 18 giờ 30 phút ngày 12/5 đến 7 giờ ngày 13/5) như sau: Phong Hải: 74,4mm, Bản Cầm: 74,2mm, Gia Phú: 52,8mm (Bảo Thắng); Sơn Thủy: 59mm, xã Võ Lao: 43,8mm (Văn Bàn)...
Văn Bàn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt thiên tai này. Về nhà ở, toàn tỉnh có 119 nhà bị thiệt hại, riêng Văn Bàn có 104 nhà ảnh hưởng với mức độ từ 30% đến trên 70%. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện có trên 34ha lúa, ngô bị thiệt hại. Ngoài ra, huyện Văn Bàn có 3ha rừng trồng bị thiệt hại ở mức độ từ 50% đến 70%.
Hệ thống cơ sở hạ tầng tại Văn Bàn cũng bị thiệt hại nặng do dông lốc. Tuyến đường thôn Xuân Tiến, xã Võ Lao bị gãy sập đoạn đường bê tông xi măng rộng 3m, chiều dài khoảng 25m. Tuyến đường Ta Khuấn, Khe Van, xã Sơn Thủy sạt lở ta luy dương khoảng 5m3. Trường Trung học cơ sở xã Hòa Mạc bị sập đổ tường rào với chiều dài 60m. Điểm trường Mầm non Mai Hồng 2, xã Tân An bị tốc mái 2 phòng học, khoảng 50m2 mái tôn; nhà văn hóa xã Võ Lao bị tốc mái.
Ngoài ra, dông lốc đã làm tốc mái 84m2 Trường Mầm non Hoa Đào, thị trấn Phố Lu và làm đổ gãy 30m tường rào Trường Trung học phổ thông số 1 của huyện Bảo Thắng; tốc ngói nhà Văn hóa xã Bản Qua, Bát Xát; sạt lở khoảng 38m bê tông thủy lợi tại thôn Trung La, xã Bản Phố (Bắc Hà); sập hoàn toàn 1 nhà để xe, chập cháy 1 cột điện (Bát Xát); đổ gãy 01 cột điện 0,4 KV (Bắc Hà); một số cây xanh đô thị bị gẫy đổ tại huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng.
Tổng giá trị thiệt hại ước trên 6,2 tỷ đồng. Các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ các gia đình dọn dẹp vệ sinh, gia cố lại nhà ở, khắc phục thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; khắc phục tạm thời đường giao thông cùng các công trình hạ tầng khác để ổn định đời sống.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, hiện nay diễn biến thời tiết, khí hậu rất phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều có thể gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó trước mọi diễn biến của thời tiết, thiên tai, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến thời tiết, thiên tai; khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; đồng thời hướng dẫn nhân dân chằng chống, gia cố nhà ở để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, dông, lốc gây ra.
Theo TTXVN