Mùi của Tết

29/01/2022 - 15:30

Với mỗi người, mùa Xuân có những sắc màu riêng, hương vị riêng. Và thế, nghe lao xao đâu đây đủ cả sắc, cả hương, cả vị, chạm tới tâm hồn mình. Mùi Tết là thứ mùi tổng hợp của những nỗi nhớ, những ký ức đẹp đẽ được hun đúc, gìn giữ bao đời nay. Đó là một phần cội nguồn, một phần văn hóa dân tộc Việt.

Hàng chục năm nay, bà Trịnh Thị Chúc, thôn Liên Hồng, xã Bách Thuận (Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vẫn trồng cây mùi già để phục vụ người dân vào dịp Tết.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngoài cái hối hả ngược xuôi chuẩn bị cho ba ngày sum họp thì thứ người ta trân quý, không thể quên chính là mùi hương của Tết. Mùi của Tết là mùi của hoa đào, hoa quất, bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành. Mùi của Tết còn là mùi của thứ cây thân thảo đun lên tỏa hương thơm ngát trong mỗi nếp nhà. Những ngày cuối năm ai cũng bận rộn, nhưng dù bận đến mấy, rất nhiều gia đình không quên mua nắm lá mùi tắm chiều 30 Tết. Nồi nước mùi già ngày Tết gợi nhắc chúng ta về sự sum họp gia đình, về những ký ức tốt đẹp, như chất keo gắn bó mỗi người gần nhau hơn giữa những thăng trầm của cuộc sống hiện đại.

Mùi của Tết -0

Những bó mùi già theo các bà, các cô đi khắp các phiên chợ ngày Tết.

Chợ ngày Tết, giữa bạt ngàn những loại hoa, rau củ quả, thịt thà, dưa hành,… là những chiếc xe đạp của các bà, các cô chở những bó mùi già đi bán. Người đi chợ ai cũng nhanh tay mua một vài nắm, cả người bán lẫn người mua đều vui vẻ, không mặc cả, không thêm bớt.

Bao nhiêu năm nay, bà Nguyễn Thị Liên, xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) vẫn giữ thói quen mua lá mùi già vào những ngày cận Tết Nguyên đán để đun nước cho các thành viên trong gia đình cùng tắm, gội vào chiều 30 Tết.

“Năm nay tôi 65 tuổi, từ bé đến giờ chưa năm nào đến Tết mà nhà tôi không mua cây mùi già về đun nước tắm. Đi chợ Tết ngoài mua lá dong, ống giang là phải mua cây mùi già. Đến bây giờ có cháu nội ngoại rồi vẫn mua để nấu nước tắm cho các cháu. Tết mà không có nồi nước mùi già thì không còn là Tết nữa”, bà Liên vui vẻ nói.

Cũng giữ thói quen tắm lá mùi già vào chiều 30 Tết, chị Phạm Thị Yến, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư cho biết: Chiều 30 Tết, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, bếp núc, năm nào chị cũng đun một nồi nước lá mùi thật to để cả nhà cùng tắm.

“Ngày bé mẹ tôi vẫn thường đun lá mùi già cho cả nhà tắm vào chiều 30 Tết, rồi cái mùi hương ấy cứ theo tôi suốt mấy chục năm qua. Đi lấy chồng vẫn không bỏ được thói quen đó, dù đôi khi bận rộn với công việc, cuộc sống mưu sinh, nhưng vẫn dành thời gian đi chợ, mua lá mùi già về đun nước tắm và lau rửa bàn thờ, bàn ghế, cánh cửa và một số vật dụng trong gia đình cho sạch sẽ, thơm tho để đón năm mới nhiều may mắn”, chị Yến nhớ lại.

Tục tắm và xông nước lá mùi già vào những ngày cuối năm có từ bao giờ chẳng ai còn nhớ. Khi xã hội hiện đại có những mùi hương công nghiệp, cây mùi già khiêm nhường đứng lùi lại phía sau, chỉ khi Tết đến người ta sẽ tự thấy nhớ mùi hương này đến chạnh lòng. Theo quan niệm xưa, tắm nước lá mùi già vào ngày cuối năm âm lịch là cách để người ta gột rửa những điều không may mắn của năm cũ, sẵn sàng bắt đầu một năm mới với những điều tươi mới, may mắn hơn. Bên cạnh đó, hương thơm của lá mùi khi được đun lên bám vào những vật dụng trong nhà, vương vấn trên cơ thể sau khi tắm còn giúp tinh thần mọi thành viên trong gia đình luôn phấn chấn vào những ngày đầu năm mới.

Mùi của Tết -0

Theo quan niệm xưa, tắm nước lá mùi già vào ngày cuối năm âm lịch là cách để người ta gột rửa những điều không may mắn của năm cũ. 

Hàng chục năm nay, bà Trịnh Thị Chúc, thôn Liên Hồng, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư vẫn trồng cây mùi già để phục vụ người dân vào dịp Tết Nguyên đán. Một sào đất bãi ven sông bà trồng 10 luống rau mùi. Tháng 9 gieo hạt đến Tết mùi già là vừa. Mỗi luống mùi già bán dịp Tết cũng được 300 nghìn đồng. Nếu bán không hết thì để lấy hạt làm giống vụ sau. Dù giá trị kinh tế của cây mùi già không cao so với các loại cây hoa, cây cảnh, nhưng gia đình bà vẫn duy trì để giữ gìn truyền thống và nét văn hóa đặc trưng của người dân trong những ngày Tết.

Những bó mùi già theo các bà, các cô đi khắp các phiên chợ ngày Tết. Góc chợ nào có người bán mùi già là thơm lừng cả khu chợ. Mỗi bó mùi nhỏ được bán từ 5.000-10.000 đồng. Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía thì khi đun lên cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt chứ không nồng. Chỉ cần 2 bó nho nhỏ nồi nước mùi đã thơm lừng cả nhà. Mọi bận rộn, hối hả dường như được lắng lại, không gian ấm áp, tinh khiết, nhẹ nhàng.

Phiên chợ ngày giáp Tết, bên cạnh cây quất, cành đào, thịt lợn, bánh chưng là các bà, các cô cần mẫn chở những bó mùi già tỏa hương thơm ngát để phục vụ nhu cầu, thói quen của người dân mỗi dịp Tết về. Mùi Tết là mùi của Tết, mùi của chiều 30.     

Theo Báo Nhân Dân